|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Warren Buffett và George Soros: Hai huyền thoại, hai con đường trái ngược dẫn đến thành công

07:15 | 05/07/2024
Chia sẻ
Warren Buffett và George Soros là hai trong số những nhà đầu tư nổi tiếng và thành công bậc nhất Phố Wall. Cả hai đều đạt được lợi nhuận phi thường trong thị trường tài chính nhưng con đường của họ lại gần như trái ngược nhau.

Tỷ phú Warren Buffett (trái) và George Soros. (Ảnh: AFP/Bloomberg/FT). 

Warren Buffett

Warren Buffett lần đầu đầu tư năm 11 tuổi. Khi trưởng thành, ông theo học Đại học Columbia dưới sự dẫn dắt của Benjami Graham, người được mệnh danh là cha đẻ của đầu tư giá trị.

Graham khẳng định rằng cổ phiếu có giá trị nội tại độc lập với giá trị thị trường. Khái niệm này đã trở thành nền tảng cho triết lý đầu tư của quỹ Buffett Partnership.

Warren Buffett thành lập quỹ này vào năm 1956 với số vốn ban đầu 105.100 USD.  Trong 12 năm tiếp theo, tài sản của quỹ tăng lên thành hơn 105 triệu USD.

Sau đó, Buffett tận dụng sự thành công của quỹ để mua lại và điều hành Berkshire Hathaway, từng bước biến công ty dệt may này thành tập đoàn đầu tư khổng lồ. Kết phiên 3/7/2024, Berkshire có vốn hóa 876 tỷ USD, mỗi cổ phiếu hạng A có giá 611.375 USD.

Là một nhà đầu tư giá trị, Buffett liên tục tìm kiếm các cổ phiếu bị định giá thấp và có tiềm năng tăng trưởng tốt trong thời gian dài. Là người nhạy bén với thị trường và tâm lý đầu tư, Buffett nổi tiếng với lời khuyên dành cho những người muốn học hỏi ông là “Hãy sợ hãi khi người khác tham lam và tham lam khi kẻ khác sợ hãi”.

Phần lớn thành công của Buffett được xây dựng dựa trên ba quy tắc cơ bản của người thầy Graham: đảm bảo biên lợi nhuận an toàn khi đầu tư, kiếm lời từ sự biến động và hiểu rõ bản thân.  

Với ba quy tắc trên, Warren Buffett đã đưa ra được những quyết định đầu tư lý trí trước những sóng gió của nền kinh tế.

George Soros

Sinh ra tại Budapest năm 1930, George Soros đã sống sót khi Đức Quốc xã chiếm đóng Hungary và sau đó nhập cư vào Anh năm 1947. Sau khi tốt nghiệp Trường Kinh tế London, Soros bắt đầu làm việc cho nhiều ngân hàng thương mại ở Anh và Mỹ trước khi mở quỹ đầu cơ đầu tiên có tên Double Eagle vào năm 1969.

Nhờ lợi nhuận từ Double Eagle, Soros thành lập quỹ đầu cơ tiếp theo có tên Soros Fund Management vào năm 1970. Sa khi đổi tên thành Quantum Fund vào năm 1973, quỹ này tiếp tục hoạt động tới năm 2011. Trong 38 năm đó, trung bình mỗi năm Quantum Fund tạo ra tỷ suất lợi nhuận 20% cho các nhà đầu tư.

Theo Soros, ông đóng cửa Double Eagle chủ yếu do yêu cầu đăng ký của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ quá nghiêm ngặt.

Trái ngược với Buffett đầu tư dựa trên giá trị nội tại của doanh nghiệp, Soros lại dựa vào biến động ngắn hạn và các giao dịch có đòn bẩy cao. Nói tóm gọn, Soros là chuyên gia đầu cơ không coi trọng các yếu tố cơ bản của một công ty.

Ví dụ, vào đầu thập niên 1990, ông đã thực hiện ván cược nhiều tỷ USD rằng đồng bảng Anh sẽ mất giá mạnh chỉ trong một ngày giao dịch.

Về bản chất, khi đó Soros đang đối đầu trực tiếp với Ngân hàng Trung ương Anh, hay cụ thể hơn là nỗ lực của các quan chức Anh nhằm duy trì tính cạnh tranh của đồng bảng trong thị trường ngoại hối, trang Investopedia giải thích.

Soros bỏ túi hơn 1 tỷ USD từ thương vụ này và đồng thời nhận lấy biệt danh “Người đàn ông đánh sập Ngân hàng Trung ương Anh”.

Một so sánh thú vị là Warren Buffett giàu có hơn hẳn George Soros. Theo ước tính của Forbes vào ngày 4/7/2024, tài sản ròng của Buffett và Soros lần lượt là 128,3 tỷ USD và 6,7 tỷ USD.

Tuy có chiến lược đầu tư trái ngược, hai vị tỷ phú có điểm chung là sự tích cực tham gia các hoạt động từ thiện. Soros quyên góp 32 tỷ USD cho nhiều hoạt động thiện nguyện khác nhau, còn Buffett đã hiến hơn nửa tài sản và viết trong di chúc rằng ông sẽ trao tặng 99% tiền tài cho các quỹ từ thiện.

Giang