Warren Buffett có câu trả lời cho câu hỏi: Khi nào nên bán cổ phiếu?
Khi nào bán cổ phiếu?
Khi Warren Buffett bán một cổ phiếu, động thái của nhà đầu tư huyền thoại thường gửi đi một tín hiệu tiêu cực về doanh nghiệp hoặc thậm chí có thể là toàn bộ một lĩnh vực.
“Nhà hiền triết xứ Omaha” thường chỉ thoát một vị thế lớn khi ông đánh giá rằng lợi thế cạnh tranh của một doanh nghiệp đang bị xói mòn.
“Chúng tôi khó bán cổ phiếu hơn hầu hết mọi người”, Buffett nói về các vị thế lớn của Berkshire Hathaway tại cuộc họp cổ đông của tập đoàn này vào năm 2009.
“Nếu chúng tôi đã quyết định mua cổ phiếu, chúng tôi muốn nắm giữ chúng trong một thời gian rất dài và trên thực tế chúng tôi đã sở hữu một số cổ phiếu trong suốt nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên, nếu lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp biến mất, nếu chúng tôi thực sự mất niềm tin vào đội ngũ quản lý của doanh nghiệp, nếu chúng tôi phân tích sai, chúng tôi sẽ bán ra”, Buffett tiếp lời.
Ví dụ, khi nhà đầu tư huyền thoại đầu tư vào các tờ báo như Omaha World-Herald và Buffalo News vào những năm 1970, ông nghĩ rằng mô hình nhượng quyền của họ là bất khả xâm phạm.
Song, đến đầu những năm 2000, quan điểm của Chủ tịch Berkshire về ngành báo chí đã xấu đi khi doanh thu quảng cáo sụt giảm. Ông nhận định quá trình chuyển đổi từ báo giấy sang các nền tảng kỹ thuật số sẽ phá huỷ lợi nhuận.
Cuối cùng, vào đầu năm 2020, Warren Buffett đã bán toàn bộ 31 tờ báo mà ông từng rót vốn để từ bỏ hoạt động kinh doanh báo chí đang gặp nhiều thách thức.
Nếu lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp biến mất, nếu chúng tôi thực sự mất niềm tin vào đội ngũ quản lý của doanh nghiệp, nếu chúng tôi phân tích sai, chúng tôi sẽ bán ra
Động thái xả cổ phiếu Bank of America
Nhiều cổ phiếu đã xuất hiện trong danh mục đầu tư của Berkshire từ vài thập kỷ trước. Chẳng hạn, Buffett đã nắm giữ cổ phiếu Coca-Cola từ năm 1988 và American Express từ năm 1991.
Có lẽ đó là lý do tại sao huyền thoại đầu tư 94 tuổi gần đây đã khiến nhiều người phải ngạc nhiên khi ông bán ra khoảng 9 tỷ USD cổ phiếu Bank of America kể từ giữa tháng 7.
Buffett mua 5 tỷ USD cổ phiếu ưu đãi và chứng quyền của Bank of America vào năm 2011 để vực dậy niềm tin của thị trường vào ông lớn ngân hàng đang phải vật lộn với những khoản lỗ liên quan đến hoạt động cho vay dưới chuẩn.
“Nhà hiền triết xứ Omaha” chuyển đổi các chứng quyền này thành cổ phiếu phổ thông vào năm 2017, biến Berkshire thành cổ đông lớn nhất của Bank of America. Sau đó, Buffett mua thêm 300 triệu cổ phiếu vào năm 2018 và 2019.
Trước khi giảm bớt cổ phần trong Bank of America, Buffett đã bán ra nhiều cổ phiếu ngân hàng mà ông nắm giữ lâu năm như JPMorgan Chase, Goldman Sachs, Wells Fargo và U.S. Bancorp.
Hiện tại, Berkshire vẫn nắm 10,3% cổ phần tại Bank of America. Nếu Buffett tiếp tục bán và hạ tỷ lệ sở hữu xuống dưới ngưỡng 10%, thị trường sẽ không biết ông đang làm gì cho đến khi có biểu mẫu 13F quý tiếp theo.
Luật pháp Mỹ quy định doanh nghiệp không cần phải công bố giao dịch trong vòng vài ngày nếu tỷ lệ sở hữu giảm xuống dưới ngưỡng 10%.
“Chúng tôi rất thận trọng”
Vậy, Buffett có nghĩ Bank of America và các ngân hàng khác đang mất đi lợi thế cạnh tranh hay không? Theo CNBC, câu trả lời là có thể.
Năm ngoái, không lâu sau khi cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực đẩy Silicon Valley Bank và First Republic Bank vào cảnh đóng cửa, Chủ tịch Berkshire đã hàm ý về những vấn đề mới xuất hiện trong lĩnh vực này.
“Chúng tôi không biết chắc chắn cổ đông của các ngân hàng lớn hay các ngân hàng khu vực hay bất kỳ nhà băng nào khác sẽ đi về đâu”, Buffett phát biểu vào năm 2023.
“Công chúng Mỹ có lẽ vẫn còn bối rối về ngành ngân hàng. Và chuyện này sẽ để lại hậu quả. Không ai biết chắc hậu quả lần này sẽ là gì vì mỗi sự kiện lại tạo ra những động lực khác nhau”, ông nói.
Nhà đầu tư huyền thoại nhận xét rằng các vụ sụp đổ ngân hàng trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và vào năm 2023 đã làm giảm niềm tin của công chúng vào hệ thống nhà băng.
Ông nói vấn đề càng trở nên tồi tệ với những thông điệp yếu kém của các nhà quản lý và giới chính trị gia, theo CNBC.
Trong khi đó, số hoá và công nghệ tài chính đã biến các vụ rút tiền ồ ạt khỏi ngân hàng trở thành vấn đề đơn giản trong thời điểm xảy ra khủng hoảng.
Các vụ sụp đổ ngân hàng khu vực vào năm ngoái đã thúc đẩy nhà quản lý tích cực tham gia giải cứu, cam kết đảm bảo cho tất cả tiền gửi tại những nhà băng bị khủng hoảng. Họ còn hỗ trợ thêm vốn cho các ngân hàng gặp khó khăn khác.
“Bạn không biết điều gì đã xảy ra với tính gắn bó của người gửi tiền. Nhiều thứ đã thay đổi vào năm 2008 và vào năm 2023... Trong một tình huống như vậy, chúng tôi rất thận trọng về việc sở hữu các ngân hàng”, ông bày tỏ.
Vào thời điểm đó, Buffett đã dự đoán trước về nhiều vụ sụp đổ ngân hàng nhưng ông vẫn giữ nguyên khoản đầu tư vào Bank of America, một phần vì ông đã đích thân đàm phán thoả thuận ban đầu và có lòng ngưỡng CEO Brian Moynihan.
“Nhưng tôi có thể dự đoán những gì sẽ xảy ra từ bây giờ hay không? Câu trả lời là tôi không biết”, nhà đầu tư huyền thoại nói.