|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Kỳ vọng dùng ngô biến đổi gen để hạ nhiệt giá thức ăn chăn nuôi

12:16 | 13/08/2021
Chia sẻ
Việt Nam đứng số 1 khu vực Đông Nam Á về sản lượng thức ăn chăn nuôi nhưng giá mặt hàng này ở thị trường nội địa luôn cao hơn mặt bằng chung. Các chuyên gia kỳ vọng ngô biến đổi gen là giải pháp tự chủ nguyên liệu, hạ nhiệt giá thức ăn chăn nuôi trong nước.

Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong cảnh ăn đong

Mặc dù là nước sản xuất và xuất khẩu lương thực nằm ở top đầu thế giới, song ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp nước ta vẫn phải nhập khẩu 70 - 85% nguyên liệu từ nước ngoài và hàng năm đều tăng cả về lượng cũng giá trị.

Mỗi năm, ngành nông nghiệp trong nước chỉ có thể cung cấp tối đa 4,5 - 5 triệu tấn ngô hạt, 4 triệu tấn cám, 4 triệu tấn sắn làm thức ăn chăn nuôi trong khi nhu cầu các doanh nghiệp sản xuất lại cần tới 26 - 27 triệu tấn các loại.

Do đó, phần lớn nguyên liệu của ngành lại phụ thuộc vào việc nhập khẩu từ các nước khác, đặc biệt là ngô. Trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi gần 1,8 tỷ USD để nhập khẩu 6,4 triệu tấn ngô, tăng 11,5% về lượng, tăng 48% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Ngô biến đổi gen có giải được bài toán nguyên liệu thức ăn chăn nuôi? - Ảnh 1.

Kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi năm 2019 đến 5 tháng đầu năm 2021 (Số liệu: VIPA, Đơn vị: tỷ USD - Đồ hoạ: Hoàng Anh)

Nhu cầu về nguyên liệu ngày càng tăng trong khi phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu bên ngoài khiến doanh nghiệp khó kiểm soát được giá thành sản xuất.

Trong bối cảnh ngành chăn nuôi ghi nhận tăng trưởng bình quân 5 - 6% (trong 10 năm qua), ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp ở Việt Nam cũng tăng trưởng đáng kể với tốc độ 13 - 15%/năm.

Chia sẻ tại hội thảo "Tìm giải pháp bổ sung nguồn cung cấp nguyên liệu TACN tại Việt Nam", ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam (VIPA), cho biết tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi gia súc gia cầm năm 2020 đạt 20,3 triệu tấn đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 10 thế giới và số 1 khu vực Đông Nam Á về sản lượng sản xuất thức ăn chăn nuôi.

VIPA dự báo đến năm 2026 nhu cầu thức ăn chăn nuôi của nước ta sẽ cần khoảng 28 - 30 triệu tấn/năm, trong đó quá nửa sản lượng dành cho ngành gia cầm.

Khi giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng thì giá thành sản xuất và giá bản thức ăn chăn nuôi thành phẩm lập tức tăng theo, khiến sản phẩm thịt, trứng, sữa sản xuất trong nước chịu lép về về giá so với hàng nhập khẩu cùng loại.

"Đã đến lúc Việt Nam cần có một chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước một cách căn cơ, bài bản. 

Theo đó, cần phát triển các giống cây trồng ứng dụng công nghệ sinh học làm thức ăn chăn nuôi có năng suất và sản lượng cao, góp phần giảm thiểu nhập khẩu nguyên liệu, hạ giá thành thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước", ông Sơn kiến nghị.

Tìm lời giải ở ngô biến đổi gen

Hiệp hội Thương mai Giống Cây trồng Việt Nam cho rằng ngô biến đổi gen sẽ là giải pháp giúp ngành chăn nuôi tự chủ nguyên liệu và hạ nhiệt giá thức ăn chăn nuôi trong nước. 

Đồng quan điểm, ông Trần Trọng Nghĩa, đại diện Hội đồng Ngũ cốc Mỹ, cho biết những nước đang cung cấp ngô và đậu tương trên thế giới cũng là các quốc gia hàng đầu về canh tác và sản xuất cây trồng biến đổi gen.

Ngô biến đổi gen có những đặc tính vượt trội so với giống ngô truyền thống như năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh, không bị ảnh hưởng bởi thuốc bảo vệ thực vật. 

Hiện tại, sản lượng ngô biến đổi gen đang đóng góp khoảng 75% nguồn cung ngô trên toàn cầu. Trên thị trường thế giới, không phân biệt đâu là ngô được sản xuất từ giống thông thường hay giống biến đổi gen.

Việt Nam chính thức cho phép sản xuất phổ biến giống ngô biến đổi gen vào năm 2014. Năng suất của ngô biến đổi gen tăng 30,5% so với các giống truyền thống, đạt 8,7 tấn/ha. Điều này giúp lợi nhuận từ việc trồng ngô biến đổi gen tăng thêm 3,7 – 6,6 triệu đồng/ha.

Năm 2019, diện tích canh tác ngô biến đổi gen khoảng 92.000 ha, chiếm 10% tổng diện tích trồng ngô nhưng đem lại lợi nhuận ròng tăng thêm 18 – 30 triệu USD.

Ngô biến đổi gen có giải được bài toán nguyên liệu thức ăn chăn nuôi? - Ảnh 2.

Đánh giá năng suất của ngô biến đổi gen so với giống ngô truyền thống (Đơn vị: triệu đồng, Số liệu: VSTA, Đồ hoạ: Hoàng Anh)

Tuy nhiên, ông Trần Xuân Định, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký VSTA, cho biết ba năm trở lại đây Việt Nam đang dừng công nhận giống ngô biến đổi gen mới, dừng đánh giá công nhận an toàn sinh học đối với các đặc tính biến đổi gen mới. 

Do đó các giống ngô biến đổi gen ưu việt hơn không được đưa ra thị trường để bổ sung hoặc thay thế cho những giống cũ.

Ông Phạm Đức Tuấn, đại diện Tổ chức CropLife Châu Á, đề nghị Bộ NN&PTNT đẩy nhanh quá trình thực thi các quy định về cây trồng công nghệ sinh học. Đồng thời, giúp người dân nâng cao nhận thức về hiệu quả của cây trồng biến đổi gen nhằm đảm bảo sản xuất an toàn và bền vững.

CropLife cũng đề xuất các các công ty công nghệ đầu tư vào nghiên cứu phát triển để đưa nhanh các giống cải tiến đặc biệt là những giống có đặc tính chống chịu với các điều kiện bất thuận của biến đổi khí hậu, chống chịu sâu bệnh vào sản xuất.

Hoàng Anh