Kỷ nguyên Trump khép lại trong hỗn loạn, doanh nghiệp Mỹ đau đầu tìm lời giã biệt
Sau khi Tổng thống Trump cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21% cũng như bãi bỏ bớt quy định vào năm 2017, các tập đoàn Mỹ rất nhiệt liệt hoan nghênh.
Tuy nhiên, sau 4 năm ông Trump làm rung chuyển thị trường bằng loạt bão tweet, những cơn thịnh nộ và gần nhất là kích động bạo loạn tại Điện Capitol hồi chiều tối ngày 6/1, doanh nghiệp Mỹ đang phải chật vật tìm hướng phản ứng phù hợp.
Sau khi cuộc bạo động diễn ra, các lãnh đạo doanh nghiệp có tiếng nhanh chóng lên án bạo lực nhưng không nhắc tên đương kim Tổng thống Mỹ. Chỉ duy nhất Hiệp hội Doanh nghiệp Chế tạo Quốc gia (NAM) chỉ đích danh ông Trump và yêu cầu phế truất vị tổng thống của Đảng Cộng hòa.
Bloomberg nhận xét, ngay cả khi chính quyền ông Trump sắp đi đến hồi kết theo chiều hướng hỗn loạn, doanh nghiệp Mỹ vẫn phản ứng rất thận trọng.
Phần lớn sự lên án tập trung vào "các quan chức chính phủ do người dân bầu ra" vì họ góp phần phát tán thông tin có gian lận bầu cử và châm ngòi để cơn giận dữ của công chúng bùng nổ thành cuộc bạo loạn gây chết người ở thủ đô Washington.
Tương tự "kẻ mà ai cũng biết là ai" trong truyện Harry Potter (chúa tể Voldemort), ông Trump trở thành nhân vật chính mà họ không được nêu tên, Bloomberg nhận định.
"Vụ bạo loạn tại Điện Capitol đánh dấu một chương đáng buồn và xấu hổ trong lịch sử nước Mỹ", CEO Tim Cook của Apple cho hay. "Các cá nhân tham gia cuộc nổi dậy phải chịu trách nhiệm và chúng ta phải hoàn tất quá trình chuyển giao quyền lực cho chính quyền Tổng thống đắc cử Joe Biden", Tim Cook tiếp tục.
CEO của IBM, Coca-Cola, Pfizer, Dell Technologies, Cisco Systems, UPS và General Motors đưa ra tuyên bố tương tự nhau, chủ yếu lên án vụ bạo động mà không đề cập cụ thể đến bất kì chính khách nào.
Tổ chức Business Roundtable vốn chỉ dành riêng cho các CEO cũng cho rằng bạo lực nổ ra là do "các quan chức do dân bầu" tiếp tục huyễn hoặc về một cuộc bầu cử gian lận. Người đứng đầu các tập đoàn lớn nhất Phố Wall, từ JPMorgan Chase, Blackstone đến Goldman Sachs và BlackRock cũng kêu gọi chấm dứt bạo lực.
"Chúng tôi lên án hành động của những kẻ đã xúi giục đám đông xông vào Điện Capitol tối 6/1", CEO Jim Loree của Stanley Black & Decker, một công ty thuộc danh sách Fortune 500, nói nhưng không nêu đích danh ai đã kích động bạo loạn.
"Chúng tôi tin rằng các cá nhân đe dọa hoạt động của chính phủ Mỹ một cách bất hợp pháp nên bị truy tố với hình phạt thích đáng", ông Loree tiếp tục.
Ông Fred Foulkes, giáo sư tại Trường Kinh doanh Questrom thuộc Đại học Boston, cho biết đây là một tình huống khó khăn cho các công ty bị hạn chế tham gia trực tiếp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, dù họ có thể dễ dàng bàn luận về các vấn đề xã hội hơn.
Ví dụ, American Electric Power, một thành viên của Hiệp hội NAM, đã tránh liên quan trực tiếp đến lời kêu gọi phế truất ông Trump. Trong một thông báo, American Electric Power cho hay: "Chúng tôi không tham gia vào tuyên bố của NAM và không biểu quyết hoặc phê duyệt tuyên bố đó với tư cách thành viên của NAM". Tuy nhiên, công ty điện lực này vẫn lên án vụ bạo loạn trong một tuyên bố khác.
Dù hạn chế bình luận trực tiếp đến ông Trump thì ngay trước khi cuộc nổi dậy nổ ra, đa số trong 33 CEO của các công ty lớn đã đồng thuận rằng đương kim Tổng thống Mỹ đang cố gắng lật ngược kết quả một cuộc bầu cử diễn ra rất dân chủ, ông Jeffrey Sonnenfeld - Phó Chủ nhiệm Khoa nghiên cứu lãnh đạo thuộc Trường Quản lí của Đại học Yale cho hay.
Đồng thời, đa số các CEO trên cũng nhất trí rằng các nghị sĩ ủng hộ ông Trump chính là "đang tiếp tay xúi giục người biểu tình", ông Sonnenfeld nói.
Theo quan điểm của bà Davia Temin, nhà sáng lập công ty xử lí khủng hoảng Temin, khi chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa Tổng thống Trump sẽ rời Nhà Trắng, có lẽ đã quá muộn để các công ty trực tiếp lên tiếng chỉ trích ông. Cá nhân bà Temin đã khuyên khách hàng bắt chước theo kịch bản lên án vụ bạo loạn mà không nêu đích danh ông Trump.
"Nếu bạn chưa từng nhận xét về ông Trump trong suốt 4 năm qua, tôi không nghĩ đây là thời điểm thích hợp để bắt đầu làm điều đó", bà Temin cho hay. "Đây là lúc để đánh giá lại mục đích của công ty bạn, điều chỉnh cách thức tương tác với nền dân chủ và làm quen với chính quyền tiếp theo".