|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tu chính án ra đời hơn nửa thế kỷ trước có thể phế truất Tổng thống Trump

15:10 | 08/01/2021
Chia sẻ
Sau khi kích động bạo loạn tại Điện Capitol, Tổng thống Trump đang phải đối mặt với nguy cơ bị phế truất theo Tu chính án thứ 25 của Hiến pháp Mỹ.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Chuck Schumer đang thúc giục Phó Tổng thống Mike Pence áp dụng Tu chính án thứ 25 để phế truất Tổng thống Trump vì hành vi kích động bạo loạn tại Điện Capitol chiều tối ngày 6/1.

Khi ông Trump nhiễm COVID-19 vào đầu tháng 10/2020, công chúng cũng từng thảo luận về khả năng áp dụng Tu chính án thứ 25 để trao quyền điều hành chính phủ cho người khác.

Bộ luật ra đời hơn nửa thế kỉ có thể phế truất Tổng thống Trump   - Ảnh 1.

Đám đông bạo loạn giằng co với lực lượng cảnh sát ngay trước khuôn viên Điện Capitol. (Ảnh: Reuters).

Thực chất, Tu chính án thứ 25 có nội dung ra sao và khả năng ông Trump bị phế truất trước khi nhiệm kì kết thúc cao đến đâu? Bloomberg đã tổng hợp một số điểm chính như sau:

Tu chính án thứ 25 nêu gì?

Tu chính án này nêu rõ, phó tổng thống sẽ trở thành quyền tổng thống khi tổng thống không thể thực hiện nhiệm vụ, ví dụ như khi tổng thống trải qua một cuộc phẫu thuật lớn.

Ngoài ra, tổng thống cũng có thể bị phế truất nếu phó tổng thống và đa số nội các xác định tổng thống "không thể thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn" của mình và gửi một văn bản tuyên bố điều đó cho các nhà lãnh đạo tại Hạ viện và Thượng viện.

Nếu tổng thống phản đối mà phó tổng thống và nội các không từ bỏ, Quốc hội sẽ bỏ phiếu. Nếu số phiếu thuận tại Quốc hội Mỹ đạt được tỷ lệ 2/3 cần thiết, tổng thống sẽ bị bãi nhiệm theo như tuyên bố của phó tổng thống và nội các.

Tại sao Tu chính án thứ 25 tồn tại?

Tu chính án thứ 25 ra đời để giải quyết một số câu hỏi xoay quanh quyền kế vị tổng thống và phó tổng thống mà Hiến pháp Mỹ không đề cập cụ thể. Tu chính án thứ 25 được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1965 và chính thức được phê chuẩn năm 1967 nhằm đưa ra hướng giải quyết cho vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy năm 1963.

Ngay sau khi Tổng thống Kennedy bị ám sát, công chúng rất băn khoăn và không biết ai sẽ điều hành đất nước nếu ông Kennedy sống sót nhưng rơi vào tình trạng mất ý thức hoặc bị thương nặng.

Tu chính án thứ 25 từng được áp dụng chưa?

Đã từng được áp dụng, nhưng không phải để phế truất vĩnh viễn một tổng thống đương nhiệm. Các tổng thống đã tự nguyện áp dụng tu chính án này để tạm thời giao quyền điều hành đất nước cho các phó tổng thống.

Tu chính án thứ 25 được áp dụng lần đầu tiên vào năm 1985, khi Tổng thống Ronald Reagan trao quyền cho Phó Tổng thống George H. W. Bush (Bush cha) để phẫu thuật ruột kết. Sau đó, Tổng thống George W. Bush (Bush con) viện dẫn Tu chính án thứ 25 hai lần, lần lượt vào tháng 6/2002 và 7/2002, để tiến hành nội soi gây mê.

Ngoài ra, Tu chính án thứ 25 còn được áp dụng hai lần trong trường hợp ghế phó tổng thống bị bỏ trống. Năm 1973, sau khi Phó Tổng thống Spiro Agnew bị buộc từ chức vì cáo buộc trốn thuế, Tổng thống Richard Nixon đã đề cử Hạ nghị sĩ Gerald Ford lên làm Phó Tổng thống.

Ông Ford được Hạ viện và Thượng viện thông qua. Sau khi ông Nixon từ chức vào năm 1974 vì vướng vào bê bối Watergate, ông Ford lên làm Tổng thống tạm quyền và đề cử cựu thống đốc bang New York Nelson Rockeller lên làm Phó Tổng thống.

Tại sao bây giờ công chúng đề cập đến Tu chính án thứ 25?

Sau khi kích động đám đông người ủng hộ xông vào Điện Capitol gây náo loạn vào chiều tối ngày 6/1, đương kim Tổng thống Trump đang phải hứng chịu búa rìu dư luận.

Trước hai lãnh đạo chủ chốt của Đảng Dân chủ - Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Chuck Schumer, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Chế tạo Quốc gia Jay Timmons đã đề xuất nên bãi nhiệm ông Trump để "bảo vệ nền dân chủ".

Ngoài ra, 18 đảng viên Dân chủ tại Ủy ban Tư pháp Hạ viện đã gửi thư yêu cầu ông Pence phế truất Tổng thống Trump vì hành vi kích động bạo lực và bất ổn xã hội hòng lật đổ kết quả bầu cử chứng tỏ ông Trump không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Adam Kinzinger cũng khẳng định ông Trump "không phù hợp" và cần phải bị loại khỏi ghế tổng thống.

Dù chỉ còn gần hai tuần trước khi nhiệm kỳ của ông Trump kết thúc, Phó Tổng thống Pence và nội các hoàn toàn có đủ thời gian để bãi nhiệm ông Trump. Tuy nhiên, New York Times cho biết ông Pence phản đối kế hoạch bãi nhiệm Tổng thống Trump.

CNBC dẫn nguồn tin thân cận cho biết Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin là hai trong số các thành viên nội các đã thảo luận cùng các cấp dưới về kịch bản phế truất ông Trump theo Tu chính án thứ 25.

Yên Khê