|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng là tín hiệu tốt cho phục hồi thương mại toàn cầu

07:55 | 27/08/2022
Chia sẻ
Tình hình ổn định ở Trung Quốc sẽ có tác động tích cực đến kỳ vọng kinh tế và nhu cầu sẽ tăng lên "sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế thế giới".

Ông Antonio Majocchi, giáo sư về quản lý toàn cầu của Khoa kinh doanh và quản lý tại Đại học LUISS ở Rome, Italy (I-ta-li-a) cho biết nền kinh tế Trung Quốc phục hồi tăng trưởng là một bước phát triển quan trọng khi thế giới phải vật lộn với những khó khăn kinh tế do giá cả tăng cao, nguồn cung cấp lương thực suy giảm và sự bất ổn trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine (U-crai-na).

Ông Majocchi cho rằng nền kinh tế Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới - "gây ra những gợn sóng" trên khắp các thị trường thế giới. Ông Majocchi nói: “Nếu tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại, đó là một vấn đề đối với tất cả mọi người, và nếu tăng trưởng của Trung Quốc tăng lên, đây là tin tốt cho tất cả mọi người”.

Theo ông, tác động của Trung Quốc đối với nền kinh tế thế giới là điều vô cùng quan trọng và tuyệt đối không nên đánh giá thấp, “đặc biệt là đối với các nền kinh tế như Italy (I-ta-li-a) và Đức, những nước xuất khẩu lớn, và nói chung cho châu Âu cũng vậy”.

Tin tức mới nhất từ Trung Quốc trở nên tích cực. Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng trong tháng Bảy đã tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 3,1% trong tháng Sáu.

NBS cho rằng nền kinh tế Trung Quốc trong tháng Bảy "duy trì được đà phục hồi" bất chấp "môi trường quốc tế ngày càng phức tạp và đầy thách thức cũng như các đợt bùng phát COVID-19 trong nước thường xuyên và lác đác".

Ông Majocchi cho rằng tình hình quốc tế khiến sự phục hồi kinh tế toàn cầu mới chớm nở từ đại dịch COVID-19 trở nên "nhạy cảm " và nhiều thách thức hơn. Ông nhấn mạnh "mọi thứ ngày nay đều khó khăn hơn”.

Nền kinh tế toàn cầu đã chứng kiến giá năng lượng và vận tải tăng cao hơn và tình trạng thiếu lương thực. Trong khi đó, thời tiết khô nóng bất thường ở nhiều nước châu Âu và các quốc gia khác cũng đã "giáng một đòn mạnh" vào nhiều lĩnh vực.

Giáo sư lưu ý rằng giá cả ở Trung Quốc đang tăng vừa phải hơn ở châu Âu. Theo Cơ quan thống kê Eurostat của châu Âu, lạm phát trong tháng Bảy ở Khu vực đồng tiền chung euro đã tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lạm phát tiêu dùng của Mỹ trong tháng Bảy tăng 8,5%. 

Giáo sư cho biết sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc là một trong những yếu tố kinh tế toàn cầu giúp điều chỉnh triển vọng đầu tư trong những tháng và năm tới. 

Giáo sư Majocchi nói thêm rằng một tình hình ổn định ở Trung Quốc sẽ có tác động tích cực đến kỳ vọng kinh tế và nhu cầu sẽ tăng lên, điều này "sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế thế giới". 

Hà Chung (Theo THX)

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.