Kinh tế Trung Quốc đang dần hồi phục từ vũng lầy COVID-19
Dựa vào các chỉ số kinh tế mới nhất, Bloomberg nhận định nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục đón nhận tin tốt sau khi số liệu phục hồi từ tháng 4.
Tuy nhiên, nhu cầu hàng hóa trên toàn cầu vẫn còn yếu và vào tuần trước, thị trường tài chính đã giảm điểm, một phần do nhà đầu tư thất vọng trước các gói kích thích kinh tế khiêm tốn của Bắc Kinh.
Theo một khảo sát của Standard Chartered, so với thời điểm đại dịch mới bùng phát, niềm tin của các doanh nghiệp nhỏ trong tháng 5 đã ổn định hơn khi sản lượng và đơn hàng mới đều tăng. Sản lượng công nghiệp tăng trong tháng 4, trong khi tiêu dùng và nhập khẩu tiếp tục giảm.
Bloomberg nhận định, tác động của các chỉ số kinh tế này sẽ đóng vai trò quan trọng trong tương lai khi mà tăng trưởng của Trung Quốc - quốc gia thương mại lớn nhất thế giới, vẫn còn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.
"Sản lượng công nghiệp tiếp tục dẫn đầu đà phục hồi và nhu cầu hàng hóa trong nước cũng đang dần lấy lại động lực tăng trưởng", nhà kinh tế Shen Lan và Ding Shuang của Standard Chartered cho hay.
"Khi năng lực sản xuất tiếp tục tăng, chúng tôi cho rằng sức mạnh của sự phục hồi trong nhu cầu hàng hóa nội địa sẽ quyết định liệu Trung Quốc có thể duy trì ổn định kế hoạch tăng tốc sản xuất sau khi đại dịch lắng dịu hay không", hai nhà kinh tế chia sẻ với Bloomberg.
Dù vậy, hai nhà phân tích của Standard Chartered lưu ý nhu cầu hàng hóa ở thị trường nước ngoài còn ì ạch, cản trợ quá trình phục hồi.
Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc trong 20 ngày đầu tháng 5 lao dốc hơn 20%, tức tháng thứ hai liên tiếp giảm, trong đó số chuyến hàng đến Trung Quốc giảm 1,7% so với cùng kì năm ngoái.
Mặc dù giá trị xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ tăng trong tháng 4, nhà kinh tế David Qu của Bloomberg Economics nhận thấy nhiều khả năng do các nhà sản xuất cố bắt kịp các đơn hàng từ trước đại dịch nên mới có mức tăng này.
"Hoạt động thương mại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới còn yếu dù một số cải thiện nhỏ có thể xuất hiện trong vài tháng tới", ông Yu cho hay hồi đầu tháng này. "Ngay cả như vậy, Trung Quốc cũng khó bật dậy mạnh mẽ về mức tăng trưởng trước đại dịch".
Báo cáo của Standard Chartered cho thấy số lượng đơn hàng xuất khẩu mới của các doanh nghiệp nhỏ vẫn còn giảm dù tốc độ đã chững lại đôi chút. Chỉ số này tăng từ 41 điểm hồi tháng 4 lên 47,4 điểm trong tháng 5.
Ngoài ra, mặc dù nhìn chung chỉ niềm tin doanh nghiệp vẫn nằm trong khu vực giảm, các nhà quản lí bán hàng đã tự tin về triển vọng kinh doanh hơn so với trong tháng 4.
Thị trường thất vọng
Thị trường chứng khoán và hàng hóa Trung Quốc đều suy yếu trong thời gian qua vì cả hai đều bị choáng váng sau khi Bắc Kinh tuyên bố hủy bỏ mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 và công bố một số biện pháp kích thích hôm 22/5. Bên cạnh đó, căng thẳng giữa hai siêu cường Mỹ - Trung cũng ảnh hưởng đến thị trường.
Kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ trị giá 1.400 tỉ USD sắp tới có thể góp phần thúc đẩy nhu cầu thép và đồng nhưng Bloomberg dự đoán dự định tham vọng này của Bắc Kinh không đủ để bù đắp sự suy yếu trong các lĩnh vực kinh tế chủ chốt khác của Trung Quốc như chế tạo, bất động sản và xuất khẩu.