|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Không biến động vì lạm phát, giá vàng tăng giảm vì đâu?

17:08 | 28/10/2021
Chia sẻ
Trái với lầm tưởng của nhiều nhà đầu tư, giá vàng không tăng vì áp lực lạm phát. Trên thực tế, vàng chịu ảnh hưởng của quy luật cung - cầu, tương tự các hàng hóa khác như dầu mỏ; bên cạnh yếu tố hành vi nhà đầu tư.

Lầm tưởng về mối quan hệ vàng - lạm phát

Từ lâu, nhiều nhà đầu tư đã coi vàng như một biện pháp phòng ngừa lạm phát và trong quá khứ, giá vàng thực chất có xu hướng tăng giá khi áp lực lạm phát lên cao.

Song, trong bối cảnh cơn sốt giá hàng hóa, khủng hoảng năng lượng và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng diễn ra tràn lan trên thế giới như hiện nay, giá vàng lại không thể vượt ngưỡng kháng cự 1.800 USD/ounce và bật tăng mạnh.

Hai nhà kinh tế Claude Erb của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ và Campbell Harvey của Đại học Duke đã thực hiện một số phân tích. Kết quả là, giá vàng lại không tương quan tốt với lạm phát. Điều đó có nghĩa là, khi lạm phát tăng, giá của kim loại quý này chưa chắc sẽ tăng và vàng có thể không phải là một lựa chọn đúng đắn của nhà đầu tư.

Không biến động vì lạm phát, giá vàng tăng giảm vì đâu? - Ảnh 1.

 

Theo hai vị chuyên gia, nếu vàng là một hàng rào ngừa lạm phát tốt, tỷ lệ giữa giá vàng và chỉ số CPI phải tăng tương đối trong các năm qua.

Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. Trong 50 năm kể từ khi Tổng thống Nixon từ bỏ bản vị vàng năm 1971, tỷ lệ này liên tục biến động từ mức thấp 1 điểm lên mức cao 8,4 điểm.

Nghiên cứu trên kết luận rằng, vàng chỉ là một tài sản ngăn ngừa lạm phát hiệu quả nếu xét trong một thời gian dài, vượt kế hoạch đầu tư thông thường của nhà giao dịch, chẳng hạn như một thế kỷ trở lên.

Tính theo giá trị thực, vàng đã đạt đỉnh vào tháng 8 năm ngoái, khi giá tăng lên hơn 2.074 USD/ounce. Ai mua vàng tại thời điểm đó sẽ chịu lỗ về sau. Mặt khác, nhà đầu tư mua vào vào năm 1983 hoặc năm 2005 sẽ chốt lời cao hơn nếu bán ra trong năm nay, Investopedia cho hay.

Dù không tương quan với lạm phát thì cũng không có nghĩa là giá vàng chỉ tăng giảm ngẫu nhiên. Trên thực tế, giá vàng sẽ biến động dựa theo sự kết hợp của các yếu tố cung - cầu và hành vi nhà đầu tư.

Nguồn cung vàng

Trước hết, vàng cũng là một loại hàng hóa, và vì thế, kim loại quý này cũng chịu tác động của quy luật cung - cầu như dầu mỏ hay cà phê. Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), tính đến hết năm 2020, tổng khối lượng vàng đã được khai thác là khoảng 201.296 tấn. Ngoài ra, trữ lượng vàng dưới lòng đất ước tính đạt khoảng 53.000 tấn.

Phần lớn vàng được chế tác thành các sản phẩm trang sức (tương đương 93.253 tấn, chiếm khoảng 46,3% tổng khối lượng đã khai thác). Bên cạnh đó, vàng còn là nằm trong tay các quỹ ETF, nhà đầu tư; các ngân hàng trung ương (NHTW); và là một vật liệu công nghiệp quan trọng.

 

 

 

 

WGC cho biết mỗi năm, các nhà khai thác thường chỉ bổ sung trung bình 2.000 - 4.000 tấn vàng vào thị trường. Nếu vậy, đáng lẽ giá vàng tăng theo thời gian theo thời gian vì cung có phần hạn chế?

Tuy nhiên, khác với các hàng hóa thông thường, vàng hầu như không hao hụt. Ông Peter Hug, Giám đốc cấp cao tại Kitco, cho biết: "Đi một vòng, vàng sẽ nằm im trong két sắt của người mua".

Đặc biệt, người tiêu dùng ở hai thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ thường mua vàng trong các dịp lễ đặc biệt như một biểu hiện của sự may mắn, đồng thời là một kho lưu trữ giá trị. Vì thế, họ thường không giao dịch vàng sau khi mua vào.

Nhu cầu vàng

Ở diễn biến khác, yếu tố cầu cũng ảnh hưởng đến giá vàng. Theo ông Hug của Kitco, một trong các yếu tố tác động đáng kể đến giá vàng là các NHTW.

Trong thời điểm dự trữ ngoại hối lớn và nền kinh tế khỏe mạnh, các NHTW sẽ muốn giảm lượng vàng nắm giữ, vì lúc này vàng là một tài sản không thể tạo ra lợi nhuận như trái phiếu. Kết quả là giá vàng giảm xuống.

Hoặc trong trường hợp nền kinh tế bất ổn, NHTW của các nước sản xuất vàng sẽ bán ra vàng để tăng nguồn thu ngân sách, từ đó giúp xoa dịu thiệt hại lên nền kinh tế. Do đó, giá vàng cũng đi xuống.

Đơn cử, quý III năm ngoái (cũng là lúc giá vàng leo cao), NHTW của những nước chuyên khai thác vàng như Uzbekistan và Thổ Nhĩ Kỳ đã bán ròng 12,1 tấn vàng ra thị trường, trong khi cùng kỳ năm trước mua ròng 141,9 tấn.

 

Ngược lại, khi các NHTW mua vào thì giá vàng lại đi lên. Khoảng tháng 7 năm nay, giá vàng có lúc tăng đến 20 USD/ounce do các NHTW gom vàng, trong bối cảnh nỗi lo lạm phát lớn dần, theo WGC.

Là một mắt xích quan trọng trên thị trường, các NHTW thường cố gắng kiểm soát việc mua bán vàng để tránh gây lũng đoạn thị trường. Sự ra đời của Thỏa thuận Washington, buộc các NHTW không bán quá 400 tấn vàng/năm, là nhằm mục đích này.

Bên cạnh các NHTW, các quỹ ETF vàng như SPDR Gold Shares cũng là một tay chơi lớn trên thị trường. Dù vậy, Investopedia cho rằng các quỹ này được tạo ra để phản ánh giá vàng, hơn là gây biến động về giá.

Hành vi của nhà đầu tư

Đầu cơ cũng là một nguyên nhân khiến giá vàng thay đổi. Các nhà đầu tư thường suy đoán về động thái của chính phủ và các NHTW, sau đó sẽ mua bán dựa theo nhận định đó. Giá vàng đã giảm vào năm 2014, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố kết thúc chương trình kích thích gây tranh cãi hậu Đại Suy thoái (2007 - 2009).

Chưa kể, nỗi sợ của nhà đầu tư cũng có thể tác động đến giá vàng. Chẳng hạn, trong thời kỳ khủng hoảng, nhà đầu tư sẽ đổ xô đi mua vàng. Khi Đại Suy thoái xảy ra, giá vàng thực sự đã bật tăng.

Khả Nhân