|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vì sao giá vàng tăng cao nhưng mua vào cầm chắc lỗ?

07:26 | 21/10/2021
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, vàng SJC cao hơn thế giới với mức hơn 9 triệu đồng/lượng như hiện nay khiến nhà đầu tư phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ cao.

Giá vàng trong nước vênh kỷ lục với thế giới

Cập nhật lúc 14h hôm nay (20/10), vàng miếng SJC đã chính thức vượt mốc 58 triệu đồng/lượng sau nhiều ngày liên tục điều chỉnh tăng.

Tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn giao dịch chiều mua vào - bán ra của vàng SJC ở mức 57,35 - 58,05 triệu đồng/lượng, chênh lệch giá mua – bán đang là 730.000 đồng/lượng. 

Cùng thời điểm, trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay đang ở mức 1.776,5 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá niêm yết ngân hàng Vietcombank, vàng thế giới tương đương 48,9 triệu đồng/lượng, tức cách biệt đến 9,2 triệu so với vàng trong nước.

Vì sao giá vàng tăng cao nhưng trữ vào là cầm chắc lỗ? - Ảnh 1.

Diễn biến giá vàng trên thị trường thế giới. (Nguồn: Kitco.com)

Trong tuần giao dịch trước đó, chênh lệch giá vàng giữa hai thị trường đã ghi nhận mức cao kỷ lục, lên đến 9,58 triệu đồng/lượng.

Theo các chuyên gia, thực tế giá vàng trong nước lâu nay vẫn cao hơn so với thế giới nhưng mức chênh này thường không nhiều. 

Đơn cử như thời điểm cuối tháng 7/2020, khi giá thế giới biến động mạnh, vàng trong nước lên cao kỳ lục hơn 60 triệu đồng/lượng thì mỗi lượng SJC cũng chỉ cao hơn giá quốc tế 2 - 2,5 triệu đồng/lượng. Đến tháng 8/2020, mức vênh giữa hai thị trường là 4 - 4,5 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, trong vòng một năm trở lại đây, giá vàng trong nước có một số thời điểm cao từ 8,5-9,5 triệu/lượng. Đây là mức chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây.

"Giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới lên đến hơn 9 triệu đồng/lượng là chuyện chưa bao giờ xảy ra", ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư của Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng, nhận định.

Chia sẻ với người viết, ông Khánh cho biết sở dĩ giá vàng trong nước cao hơn vàng thế giới nhiều như vậy là do nguồn cung vàng hiện độc quyền bởi Ngân hàng Nhà nước nên thị trường vàng khan hiếm nguồn cung, từ đó, đẩy giá lên cao.

Cùng với việc siết chặt đường biên giới khiến việc nhập lậu trở nên khó khăn, nguồn vàng lậu vì thế có khả năng giảm.

Trong khi nguồn cung thu hẹp thì một lý do nữa là lượng vàng trong năm ngoái của các doanh nghiệp nhập vào ở mức giá cao vẫn tồn kho nên hiện nay các đơn vị có xu hướng giữ giá để hạn chế rủi ro.

"Đó là lý do vì sao giá vàng thế giới tăng hoặc giảm mạnh nhưng vàng trong nước không thay đổi nhiều, thậm chí là đứng yên", ông Khánh nhận định.

Thị trường vàng Việt Nam và thế giới không liên thông với nhau. Hiện nay cơ quan nhập khẩu vàng duy nhất là Ngân hàng Nhà nước nên giá vàng trong nước có thể lên cao so với giá vàng thế giới khi nhu cầu cao.

Do đó, điều này cũng nới khoảng cách giá vàng thế giới và giá vàng trong trong nước thêm rộng. Có những thời điểm, giá vàng thế giới giảm mạnh trong khi vàng trong nước không mấy động tĩnh.

Điển hình như phiên giao dịch ngày 18/10, giá vàng thế giới từ 1.780 USD/ounce lao xuống 1.768 USD/ounce, giảm 12 USD/ounce, nhưng giá vàng tại thị trường Việt Nam lại gần như đứng yên với giá SJC chốt phiên ở mức 57,1 - 57,82 triệu đồng/lượng.

Sự biến động không đồng nhất của thị trường vàng trong và ngoài nước như hiện nay khiến nhiều người cũng dè chừng hơn trong việc mua vàng.

Chị Ngọc Nhi (quận Gò Vấp, TP HCM) cho biết: “Tôi thường tích cóp tiền trong 1-2 tháng để mua vàng cất giữ nhưng giá vàng giờ cao hơn thế giới rất nhiều nên tạm thời tôi cũng không mua vào mà chờ đợi xem tình hình có thay đổi hay không”.

Ông Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng, cũng cho rằng thực tế thời điểm này nhu cầu trong nước không cao, người dân không còn tích trữ nhiều như trước. 

Dẫn chứng về điều này, báo Thanh niên dẫn số liệu thống kê của WGC cho biết nhu cầu tiêu dùng vàng trong 10 năm trở lại đây liên tục giảm. Năm 2020, nhu cầu này có mức sụt giảm mạnh nhất với nữ trang còn 10,7 tấn, vàng miếng còn hơn 29 tấn, giảm lần lượt hơn 38% và 25,6% so với năm 2019.

Đến quý II/2021, nhu cầu vàng tại Việt Nam đạt 12,6 tấn, giảm 11,3% so với quý I.

"Với chênh lệch cao hơn 9 triệu đồng/lượng như hiện nay sẽ tiềm ẩn rủi ro hoạt động nhập khẩu vàng lậu gia tăng, bởi họ sẽ thu gom vàng với giá rẻ trên thị trường thế giới và bán ra với giá cao ở thị trường Việt Nam", ông Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.

Nhà đầu tư cầm chắc lỗ khi mua vào

Chuyên gia Phan Dũng Khánh cho rằng giá vàng trong nước đang đắt hơn rất nhiều so với giá vàng thế giới nên đây không phải thời điểm thích hợp để người dân mua tích trữ vàng.

Nếu nhà đầu tư mua vào thời điểm chênh lệch giữa giá mua và giá bán vàng cao, lên đến 700.000 đồng đến xấp xỉ 1 triệu đồng/lượng sẽ rất khó có lời, bởi vừa ra khỏi cửa hàng đã lỗ ngay 1 triệu đồng/lượng. 

"Những người mua hiện nay chỉ là để đa dạng hóa kênh đầu tư và phải có ý định dài hạn thay vì lướt sóng bởi giá thế giới nếu có tăng thì nhà đầu tư cũng không lời bao nhiêu vì nó phải tăng nhiều mới có thể kéo giá vàng tại Việt Nam tăng theo, chưa kể biên độ mua bán cao hơn giá thế giới nhiều khiến người mua càng lỗ nặng", ông Khánh nhận định.

Đây cũng là khuyến cáo của chuyên gia Nguyễn Chí Hiếu khi cho rằng giá vàng trong nước sẽ có sự điều chỉnh để cân bằng với vàng thế giới, cụ thể là quay đầu giảm, khi đó nhà đầu tư sẽ chịu lỗ nặng bởi mua vào giá cao nhưng bán ra lại giá thấp.

Nếu chọn thời điểm này để mua vào với số lượng lớn nhà đầu tư sẽ chịu rủi ro rất lớn. Nguyên nhân nhà đầu tư đang phải trả giá quá đắt để sở hữu cùng một khối lượng vàng so với giá thế giới.

Tuy nhiên, ông Hiếu dự báo rằng giá vàng thế giới từ đây đến cuối năm có thể sẽ tiếp tục tăng do vấn đề khó khăn, khủng hoảng vì COVID-19 vẫn tiếp diễn, có nghĩa đây vẫn là kênh đầu tư có thể xem xét nhưng mua đi bán lại sẽ rất nguy hiểm, thay vào đó là nên chọn phương án trung và dài hạn.

Trên thực tế, kim loại quý vẫn luôn được xem là tài sản trú ẩn an toàn trong những lúc thị trường nhiều biến động, nhất là trong thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh. Tuy nhiên, năm 2021 là một năm đảo lộn mọi quy luật về vàng, do đó, nhà đầu tư sẽ cần phải thận trọng khi lựa chọn mua vào trong lúc này. 

Bởi dù được đánh giá là năm khủng hoảng khi dịch COVID-19 kéo dài, làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng của thế giới do giãn cách được áp dụng tại nhiều quốc gia, thế nhưng giá vàng năm nay thay vì tăng vọt lại liên tục sụt giảm.

Tính đến nay, vàng thế giới đã giảm giá khoảng 124 USD/ounce so với đầu năm, tương ứng giảm hơn 6,6%, xuống còn hơn 1.776 USD/ounce và giảm 14,7% so với mức giá kỷ lục xác lập vào tháng 8/2020 ở mức 2.080 USD/ounce. Theo đó, những người mua vàng theo quy luật thông thường tưởng ăn đậm đã lỗ nặng.

Như Huỳnh