|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Khối tiền mặt trị giá 5.300 tỷ USD có thể là động lực cho một đợt tăng giá mới của chứng khoán Mỹ

21:16 | 09/05/2023
Chia sẻ
Các nhà đầu tư đã tích lũy khoảng 5.300 tỷ USD trong các quỹ thị trường tiền tệ do lãi suất cao và tâm lý ảm đạm với chứng khoán. Lượng t iền mặt trên có thể là nhiên liệu thúc đẩy cho một đợt tăng giá mới của chứng khoán Mỹ.

Theo Insider, các nhà đầu tư đang nắm giữ lượng tiền mặt kỷ lục. Hiện vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy xu hướng này sẽ thay đổi, trong bối cảnh lãi suất cao và tâm lý chán nản đối với thị trường chứng khoán.

Theo Bank of America, tài sản của các quỹ thị trường tiền tệ (MMF) đã đạt mức kỷ lục 5.300 tỷ USD. Chỉ trong 10 tuần gần đây, dòng tiền chảy vào các quỹ này đã lên tới 558 tỷ USD.

Lượng tiền mặt mà các nhà đầu tư nắm giữ đã tăng lên trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực của Mỹ bùng phát. Trong khoảng thời gian chỉ hai tháng, ba nhà băng với tổng tài sản gần 550 tỷ USD đã sụp đổ.

Dòng chảy vào các quỹ thị trường tiền tệ hiện nay vượt qua con số 500 tỷ USD ghi nhận sau sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers vào năm 2008, và bằng 1/2 so với số tiền tìm tới MMF trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID.

 

Một trong những lý do khiến nhà đầu tư tích lũy tiền mặt là để tận dụng lãi suất không có rủi ro hơn 4%. Lý do khác là bởi các nhà đầu tư đang kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ tiếp tục giảm.

Trong cuộc khảo sát tâm lý nhà đầu tư gần đây nhất của AAII về kỳ vọng thị trường trong 6 tháng tới, tỷ lệ phản ứng tiêu cực về triển vọng đã tăng lên 45% trong tuần qua. Trung bình, tỷ lệ phản ứng tiêu cực chỉ là 31%.

Trong khi đó, chỉ có 24% người được hỏi lạc quan về cổ phiếu. Kết quả này cho thấy hầu hết các nhà đầu tư đang không tìm thấy được lý do để bỏ tiền vào thị trường chứng khoán, trong bối cảnh bất ổn gia tăng do cuộc khủng hoảng ngân hàng đang diễn ra.

Ông Tom Lee, Giám đốc nghiên cứu của Fundstrat, cũng đồng tình với thị trường. Ông Lee nói với các nhà đầu tư rằng “đây là thời điểm khó khăn để thảo luận về việc tăng thêm rủi ro” do sự sụp đổ của ngân hàng First Republic cũng như những biến động tại PacWest và Western Alliance.

“Tình trạng này làm nảy sinh quá nhiều rủi ro, bao gồm thắt chặt tín dụng, bất động sản thương mại và cả những tác động kinh tế rộng hơn”, ông Lee nhận định. Tuy nhiên, chiến lược gia này vẫn nhận thấy một tỷ lệ rủi ro/lợi nhuận cân bằng cho thị trường chứng khoán khi lĩnh vực ngân hàng có dấu hiệu ổn định, và lợi nhuận doanh nghiệp tốt hơn kỳ vọng.

Và nếu diễn biến tại lĩnh vực ngân hàng, nền kinh tế và thị trường tốt hơn mong đợi, thì số tiền mặt khổng lồ trị giá 5.300 tỷ USD có thể là động lực thúc đẩy một đợt tăng giá tiếp theo. Nguyên nhân là bởi đa số tiền mặt tích lũy trong vài năm qua là do được rút từ thị trường chứng khoán, ông Lee giải thích.

“Hoạt động bán ra của nhà đầu tư cá nhân với cổ phiếu S&P 500 và Nasdaq vượt quá số lượng mua vào kể từ năm 2019”, ông Lee trích dẫn dữ liệu từ Goldman Sachs.

“Tôi nghĩ rằng cổ phiếu đang đi ngang so với một năm trước, tâm lý thì tồi tệ hơn nhiều và đang có một đống tiền ở bên lề”, ông nói. Vị chiến lược gia này kỳ vọng S&P 500 sẽ đạt 4.750 điểm vào cuối năm 2023, cao hơn hiện nay khoảng 15%.

Chỉ số S&P 500 thấp hơn khoảng 15% so với đầu năm ngoái.

Trong khi đó, chiến lược gia thị trường Ryan Detrick của Carson Group nói rằng lượng tiền mặt khổng lồ trong các quỹ thị trường tiền tệ là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đang lo lắng tới mức nào. Tuy nhiên, tâm lý có thể thanh đổi khá nhanh nếu nền kinh tế không sụp đổ.

Ông Detrick nói với Insider: “Nếu nền kinh tế tiếp tục bất ngờ đi lên, cổ phiếu có thể tiếp tục hoạt động tốt và khối tiền mặt có thể được chuyển thành cổ phiếu”. Nếu đống tiền mặt trên bắt đầu được bung ra, thì thị trường chứng khoán có thể là điểm đến hàng đầu.

Minh Quang