|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Khó khăn chưa dừng lại, xuất khẩu dệt may hạ mục tiêu cả năm 2023 xuống còn 40 tỷ USD

07:48 | 25/07/2023
Chia sẻ
Trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm, đơn giá giảm sâu, ngành dệt may đã hạ mục tiêu xuất khẩu ở mức 39 - 40 tỷ USD, giảm khoảng 17% so với kịch bản tích cực được xây dựng hồi đầu năm và giảm khoảng 10% so với năm 2022.

Báo cáo mới đây của Công Ty TNHH Chứng Khoán ACB (ACBS) cho thấy tình trạng đơn hàng sụt giảm của ngành dệt may chứng đã kéo dài từ nửa sau năm 2022 cho đến những tháng đầu năm 2023 do tồn kho cao, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh lạm phát và bất ổn kinh tế tại một số quốc gia nhập khẩu lớn.

Ngoài ra, các nhà sản xuất còn phải đối mặt với tình trạng đơn giá giảm, quy mô đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng ngắn hơn, yêu cầu chuyển đổi sang một số nguyên liệu tái chế…

Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt đạt 18,6 tỷ USD giảm 18% so với cùng kỳ 2022.

 

ACBS dự báo tình trạng đơn hàng sụt giảm do nhu cầu yếu ở các nước nhập khẩu lớn như Mỹ, EU vẫn còn tiếp diễn, đặt ra lo ngại về khả năng hoàn thành mục tiêu xuất khẩu dệt may 2023.

Trong năm 2023, ngành dệt may Việt Nam đề ra hai kịch bản tăng trưởng gồm kịch bản tích cực có thể đạt giá trị xuất khẩu là 47- 48 tỷ USD với kỳ vọng nhu cầu hồi phục trong nửa sau năm 2023 và 45-46 tỷ USD cho kịch bản còn lại kém tích cực hơn.

Tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, ngành dệt may đã đặt lại mục tiêu xuất khẩu ở mức 39 - 40 tỷ USD, giảm khoảng 17% so với kịch bản tích cực được xây dựng hồi đầu năm và giảm khoảng 10% so với năm 2022. 

Về triển vọng dài hạn, ACBS kỳ vọng ngành dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục vai trò trụ cột quan trọng trong xuất khẩu của cả nước, đồng thời là nhà xuất khẩu dệt may lớn trên thế giới.

 Việt Nam có nguồn lao động dồi dào cho ngành dệt may. (Ảnh: Hoàng Anh)

Việt Nam được xem là một trong những địa điểm sản xuất hấp dẫn với chi phí lao động thấp và lực lượng lao động lớn.

Lợi thế về chi phí lao động có thể không bền vững khi nhiều đối thủ khác đang nổi lên, do đó, ngành cần có những bước tiến mạnh mẽ hơn về cải thiện tỷ lệ giá trị gia tăng, giảm phụ thuộc vào nguồn cung Trung Quốc/nguyên liệu nhập khẩu (mà vẫn phải đảm bảo an toàn môi trường), tăng sản phẩm có tỷ suất lợi nhuận cao hơn…

Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn củng cố vị thế của nhà xuất khẩu dệt may lớn của thế giới, đồng nghĩa với phải đối mặt với sức ép gia tăng về việc đáp ứng các yêu cầu phát triển xanh, bền vững từ đối tác nhập khẩu.

Hoàng Anh

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).