|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xanh hóa trong ngành dệt may đã trở thành một tiêu chuẩn bắt buộc, không còn là sự lựa chọn

14:46 | 05/07/2023
Chia sẻ
Lãnh đạo các doanh nghiệp dệt khẳng định xanh hóa trong ngành dệt may đã trở thành một tiêu chuẩn bắt buộc khi tham gia vào thị trường quốc tế, không còn là sự lựa chọn. Khi có các chứng chỉ xanh, doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với đơn hàng lớn từ các thị trường như EU, Mỹ, Nhật Bản...

Thời trang nhanh đang nhường sân cho thời trang xanh

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, thời trang là ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều nước thứ hai thế giới và chiếm từ 8 - 10% lượng khí carbon phát thải. Trong đó thời trang nhanh (fast fashion) được coi là đối  tượng gây ô nhiễm nhiều nhất.

Thời trang nhanh thuộc phân khúc giá rẻ, bình dân với đặc tính “mua nhanh, mặc nhanh, bỏ nhanh”. Quần áo giá rẻ nhưng cái giá cho môi trường lại quá đắt khi những nguyên liệu polyester – loại sợi có nguồn gốc từ than đá, dầu mỏ và ethylene có thể thải ra môi trường hơn 706 triệu tấn khí CO2 mỗi năm.

Mặt khác, loại sợi polyester này cũng phân hủy một phần trong nước tạo thành các vi nhựa xả vào môi trường nước, gây ô nhiễm và tác động đến hệ sinh thái động thực vật. Ngay cả khi những sản phẩm quần áo từ sợi polyester đã hết vòng đời sử dụng, chúng cũng cần ít nhất vài thập kỷ, thậm chí vài trăm năm để phân hủy.

Trước sự đe dọa của thời trang nhanh đến môi trường, hàng loạt nhãn hàng nổi tiếng đã cam kết sử dụng một phần sợi tái chế trong các sản phẩm của mình, hướng đến cuộc cách mạng từ thời trang nhanh sang thời trang xanh.

Theo đó, thương hiệu H&M đã đầu tư vào công nghệ tiên tiến nhằm tạo ra chất liệu sợi polyester thân thiện với môi trường được tái chế từ các rác thải trên biển

Còn nhãn hàng Adidas đang thử nghiệm thiết bị tự động hóa để giảm bớt gánh nặng cho nhân công. Hay Ralph Lauren tuyên bố rằng sẽ sử dụng 100% nguyên liệu chính có nguồn gốc bền vững vào năm 2025 để bảo vệ sức khỏe cho nhân công cũng như vì yếu tố môi trường.

Trong bối cảnh trái đất đang ngày càng nóng lên, cả thế giới cũng đang gấp rút với chạy đua Net Zero, đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, và Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc đua này.

Tại Hội nghị COP26, Chính phủ Việt Nam cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trong đó một số giải pháp cụ thể được đưa ra là không xây dựng mới nhà máy điện than từ năm 2030 và loại bỏ dần điện than từ năm 2040; tuyên bố về rừng và sử dụng đất; tham gia liên minh thích ứng toàn cầu; giảm 30% khí thải mêtan vào 2030 so với mức 2020.

Và cụ thể với ngành dệt may, Vitas đặt mục tiêu đến năm 2023, giảm 15% tiêu thụ năng lượng, 20% tiêu thụ nước; đến năm 2030, chuyển đổi “xanh hóa” ngành dệt may Việt Nam, đồng thời xây dựng được 30 thương hiệu mang tầm quốc tế.

Ngành dệt may đặt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng được 30 thương hiệu mang tầm quốc tế. (Ảnh: Phạm Mơ)

Bước vào cuộc chơi toàn cầu, doanh nghiệp dệt may buộc phải xanh hóa

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho biết xanh hóa và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh mà các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản... yêu cầu ở các nhà cung cấp, bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng.

Thực tế, xanh hóa trong ngành dệt may không còn là câu chuyện định hướng tương lai, các doanh nghiệp đã bắt tay vào làm trong vài năm trở lại đây. Đơn cử như những sản phẩm may mặc xuất khẩu vào châu Âu bắt buộc phải được sản xuất từ sợi cotton, sợi polyester pha với sợi tái chế (sợi làm từ các sản phẩm thiên nhiên, phế phẩm hoặc sản phẩm dệt may dư thừa).

Nói một cách tổng quát, các nhà nhập khẩu lớn đang tập trung vào các chỉ số phát triển bền vững ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và tiêu chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường), nhà cung cấp nào có lợi thế này sẽ có sức cạnh tranh và có nhiều đơn hàng. Do vậy, ông Vũ Đức Giang cho rằng các doanh nghiệp dệt may sẽ phải quyết liệt với lộ trình xanh hóa hơn trong giai đoạn 20230-2050.

Về phía doanh nghiệp, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 – CTCP cũng đồng tình rằng xanh hóa không chỉ là chiến lược của May 10, mà cả ngành dệt may.

Hiện, các hãng thời trang của châu Âu đã tiên phong lựa chọn những nhà sản xuất có nhà máy xanh, sản phẩm xanh, bền vững. Sau châu Âu, thị trường Mỹ và Nhật Bản sẽ theo có những yêu cầu tương tự. Do vậy dù muốn hay không, các doanh nghiệp dệt may đều phải hướng đến xanh hóa, đây là điều bắt buộc trong tương lai.

Hành trình từ nguyên liệu xanh, sản phẩm xanh đến năng lượng xanh

Như vậy, xanh hóa đang trở thành một tiêu chuẩn bắt buộc chứ không phải sự lựa chọn. Nắm bắt được xu hướng này, nhiều tập đoàn, công ty dệt may đã xây dựng chiến lược nguyên liệu xan và ứng dụng vào sản xuất thời trang xanh.

Điển hình như CTCP Dệt may Thành Công (TCM) đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu và phát triển kinh doanh (R&BD) từ năm 2015.

Trung tâm này đã đưa ra 3 dòng sản phẩm thân thiện với môi trường (tái chế từ chai nhựa, mía, bắp, quần áo cũ…), dòng sản phẩm tính năng theo mùa và dòng sản phẩm tiện dụng cho cuộc sống.

Trong giai đoạn cao điểm dịch COVID-19 bùng phát nặng nề, nhà nhập khẩu hủy đơn hàng thời trang nhưng bù lại, Dệt may Thành Công nhận được nhiều đơn hàng về khẩu trang kháng khuẩn, góp phần ổn định doanh thu, lợi nhuận của công ty.

Sau giai đoạn đại dịch, những sản phẩm “xanh” này cũng giúp doanh nghiệp này có thêm cơ hội khi tiếp cận các khách hàng lớn.

Sản phẩm áo sơmi, polo làm từ sợi cà phê của thương hiệu Fastlink. (Ảnh: ICED)

Tương tự dệt may Thành Công, Faslink là một trong những nhà cung cấp nguyên liệu xanh. Đầu năm 2022, Faslink đã ra mắt 5 loại sợi tự nhiên, bao gồm sợi cà phê, sợi sen, sợi vỏ sò, sợi dừa, sợi bạc hà... đáp ứng các tiêu chí nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường sống, an toàn cho sức khỏe người dùng, dễ dàng chế tác trong may mặc và có thể tự phân hủy theo thời gian.

Ngoài mảng nguyên liệu, Faslink thực hiện chuyển đổi xanh toàn diện trong vận hành, sản xuất, phân phối và tiếp thị sản phẩm theo xu hướng eco-fashion. Hiện các đối thủ của Việt Nam như Trung Quốc, Bangladesh cũng đang ráo riết chuyển đổi sang xu thế này.

Không dừng lại ở mảng nguyên liệu, các doanh nghiệp dệt may nước ta cũng đang tiến đến những tiêu chuẩn cao hơn liên quan đến sản phẩm xanh, nhà máy xanh và năng lượng xanh.

Nhà máy xanh của Tổng công ty May 10. (Ảnh: Phạm Mơ)

Ông Thân Đức Việt cho biết doanh nghiệp này đã thực hiện lộ trình xanh hóa được 5 năm, bao gồm các yếu tố sản phẩm xanh, nhà máy xanh và năng lượng xanh.

“Xanh hóa bây giờ không còn là câu chuyện May 10 muốn làm hay không, mà tất cả khách hàng quốc tế và trong nước đều yêu cầu sử dụng nguyên liệu xanh trong sản xuất.

Tỷ trọng sợi tái chế trong sản phẩm may mặc của chúng tôi đang chiếm khoảng 30-50%. Ngoài ra, chúng tôi cũng liên kết với nhà sản xuất sợi, xử lý các sản phẩm dư thừa thành sợi tái chế, phục vụ sản xuất sản phẩm mới”, ông Thân Đức Việt nói.

Tổng giám đốc May 10 chia sẻ môi trường làm việc tại doanh nghiệp này đang đáp ứng các tiêu chuẩn nhà máy xanh, an toàn cho sức khỏe của người lao động theo chứng chỉ LEED của Mỹ hoặc một số tiêu chuẩn của châu Âu.

Doanh nghiệp này cũng đang chuyển dần nồi hơi đốt than sang viên sinh khối, sử dụng điện để giảm thiểu khí thải carbon ra môi trường, đồng thời lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái thay vì sử dụng nguồn điện từ than hay dầu.

Không riêng May 10, nhiều doanh nghiệp dệt may khác cũng đang tăng cường lắp đặt hệ thống pin hấp thụ năng lượng mặt trời theo khuyến khích của Chính phủ tại Quy hoạch điện VIII.

Quy hoạch điện VIII nêu rõ điện mặt trời mái nhà được lĩnh vực được ưu tiên phát triển cho mô hình tự sản tự tiêu, các doanh nghiệp cần không giới hạn công suất với giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện có sẵn có, mà không phải nâng cấp lưới tải. 

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho biết: “Thực tế ở doanh nghiệp dệt may của chúng tôi, việc sử dụng điện mặt trời áp mái cực kỳ hiệu quả, thời gian hoàn vốn 5,5 -6 năm, phần còn lại, 14-15 năm là lợi ích và hiệu quả, chúng ta chỉ cần bỏ một phần nhỏ cho chi phí bảo trì”.

Việc các doanh nghiệp dệt may tiếp cận với năng lượng tái tạo, năng lượng xanh đang giúp giảm chi phí sản xuất, tạo ra chứng chỉ xanh cho hàng hóa, nâng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Điều kiện cần và đủ cho xanh hóa

Chiến lược phát triển ngành dệt may đến năm 2030 đã được hoàn thiện, bản thân các doanh nghiệp cũng có kế hoạch xanh hóa cho riêng mình. Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng đủ lực để biến kế hoạch thành thực tiễn.

Chủ tịch Vitas cho rằng chiến lược chính là điều kiện cần để xanh hóa ngành dệt may, còn điều kiện đủ vẫn là sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp trong các mục tiêu cụ thể về năng lượng tái tạo, đầu tư nhà máy xanh...

Nếu đáp ứng hai điều kiện này, ngành dệt may sẽ phát triển bền vững và đáp ứng các hàng rào kỹ thuật của thị trường nhập khẩu.

Theo khảo sát của Vitas, Chính phủ Bangladesh rất quyết liệt với chiến lược xanh hóa, nước này có chính sách giảm thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp tiên phong trong xanh hóa, đồng thời cũng có chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi với các doanh nghiệp có kế hoạch xanh hóa...

Tìm hiểu về thị trường quốc tế và nhu cầu của doanh nghiệp, Chủ tịch Vitas đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có chính sách đặc thù và cụ thể, gọi chung là “tài chính xanh” cho các doanh nghiệp xanh hóa. Đồng thời thành lập Quỹ Tài nguyên Môi trường, trong đó cho doanh nghiệp vay lãi suất bằng 0%, 1-2% tùy theo mức đầu tư của doanh nghiệp.

“Chính phủ cần có nguồn lực cho chiến lược xanh hóa càng nhanh càng tốt, thế giới đưa ra những luật chơi rất nhanh, họ không chờ đợi chúng ta”, ông Vũ Đức Giang đề xuất.

Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch Vitas khuyến cáo doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu, phát triển các dòng nguyên liệu, sản phẩm xanh và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo.

Doanh nghiệp thích nghi với những quy định của thị trường về loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trong nhà máy, đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải, khí thải và trồng cây xanh để đáp ứng các yêu cầu trong các đạo luật và hiệp định thương mại. Chính phủ Việt Nam đã cam kết tại COP26, cộng đồng doanh nghiệp phải đồng lòng và tuân thủ.

Phạm Mơ

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.