|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường tín chỉ carbon: Bữa tiệc lớn nhiều doanh nghiệp chờ đợi

07:00 | 30/06/2023
Chia sẻ
Trước những yêu cầu ngày càng lớn về quy định bảo vệ môi trường của thị trường nhập khẩu, một số doanh nghiệp mong muốn đẩy nhanh hơn việc thành lập sàn giao dịch carbon.

Tín chỉ carbon là gì?

Tín chỉ carbon là một giấy phép cho phép chủ sở hữu thải ra một lượng carbon dioxide (CO2) nhất định hoặc các khí nhà kính khác. Trên thị trường, việc mua bán carbon hay chính xác hơn là mua bán sự phát thải khí CO2, được thực hiện thông qua tín chỉ. Một tín chỉ cho phép phát thải một tấn CO2 hoặc tương đương trong các khí nhà kính khác.

Tín chỉ carbon là một loại mặt hàng mới được tạo ra khi thực hiện các hoạt động cắt giảm phát thải hoặc hấp thụ khí nhà kính trong quá trình thực hiện, được theo dõi và giao dịch giống như các loại hàng hóa khác, do đó trao đổi tín chỉ carbon còn được gọi là thị trường carbon.

Mục tiêu lớn nhất của định giá carbon và thiết lập thị trường carbon nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững khác. 

Việc phát triển thị trường tín chỉ carbon Việt Nam là một trong những công cụ kinh tế đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường từ năm 2020. Tuy nhiên, cho đến nay, việc công nhận và phát hành tín chỉ carbon vẫn phụ thuộc vào bên thứ 3 là các tổ chức hoặc các cơ chế tín chỉ quốc tế. Hình ảnh của bên bán ở Việt Nam thì vẫn còn khá mờ nhạt. Tín chỉ carbon có nhiều mức giá khác nhau, tùy thuộc vào vị trí và thị trường nơi chúng được giao dịch.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay đã có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ đã áp dụng định giá carbon với sự tham gia của hàng chục ngàn tập đoàn, doanh nghiệp lớn, nguồn thu năm 2022 khoảng 95 tỉ USD.

Chia sẻ tại Hội thảo NET ZERO - Chuyển dịch xanh: Cơ hội nào cho người dẫn đầu? diễn ra mới đây, ông Marc S. Forni - Chuyên gia Phụ trách Quản lý Rủi ro Thảm họa, Ngân hàng Thế giới cho biết, Ngân hàng thế giới đã có mặt ở thị trường mua bán, phân phối tín chỉ carbon; làm việc với các nhà tài trợ, các quốc gia khác nhau trong 20 năm qua.

Giá trị của thị trường carbon hiện tại lên tới 52 tỷ USD và Việt Nam là một trong nhiều quốc gia trên thế giới triển khai chương trình mua bán tín chỉ carbon.

"Chúng tôi thấy nhiều tiềm năng, cơ hội trong thị trường tín chỉ carbon. Dung lượng thị trường khá lớn. Bây giờ hầu hết các quốc gia trên thế giới đều hướng tới mục tiêu Net Zero. Điều này thúc đẩy rất lớn cho thị trường carbon",ông Marc S. Forni nói. 

Ông Tăng Thế Cường Cục trưởng Cục biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường),  cho hay:Thông qua thị trường carbon có thể tăng cường giảm phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp”.

Tại Việt Nam hiện nay một số doanh nghiệp đã bán tín chỉ carbon ra thị trường quốc tế với giá 6 - 10 USD/tín chỉ. Ở chiều ngược lại, cũng đã có doanh nghiệp phải mua với giá khoảng 7 USD/tín chỉ. 

Tuy nhiên, ở thị trường Châu Âu, giá tín chỉ carbon cao hơn rất nhiều so với con số trên và tăng mạnh trong vòng hơn 2 năm qua. 

Theo số liệu từ trang Investing.com, tính đến ngày 29/6, giá tín chỉ carbon lên tới 88 euro/tín chỉ, tăng gấp 4 lần so với thời điểm tháng 1/2020. Thậm chí giá có lúc lên tới gần 100 euro/tín chỉ. 

  Số liệu: Investing (H.Mĩ tổng hợp)

Doanh nghiệp mong muốn đẩy nhanh thị trường tín chỉ carbon

Ngày 7/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Theo đó, lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước đã được vạch rõ.

Theo đó, từ nay đến hết năm 2027, sẽ tập trung xây dựng các hệ thống quy định, chính sách tạo nền tảng cho thị trường vận hành cũng như thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon, hướng đến chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2028.

Ông Hoàng Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) cho biết Bộ Tài chính đang cố gắng xây dựng thị trường carbon.

“Chúng ta sẽ tiến tới thị trường carbon rất hiện đại. Chúng ta sẽ mã hoá tất cả tín chỉ carbon và các hạn ngạch phát thải. Những doanh nghiệp nào có tín chỉ từ sản xuất như điện gió, trồng rừng, điện mặt trời thì có thể đưa lên bán. Những doanh nghiệp xuất khẩu nhưng chưa kịp đầu tư công nghệ để hấp thụ khí phát thải buộc phải lên sàn mua tín chỉ carbon này. Cung sẽ gặp cầu”, ông Sơn cho biết. 

  Ảnh: H.Mĩ

Trước những yêu cầu ngày càng lớn về quy định bảo vệ môi trường của thị trường nhập khẩu, một số doanh nghiệp mong muốn đẩy nhanh hơn việc thành lập sàn giao dịch carbon. 

Ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Tái sinh Việt Nam cho biết: “Chúng tôi mong muốn việc này sẽ được đẩy nhanh hơn từ năm 2025 bởi hiện nay các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam không hỏi nhiều về chi phí lao động là bao nhiêu nữa. Thay vào đó họ sẽ hỏi năng lượng xanh của chúng tôi sẽ lấy từ đâu? Chúng tôi sẽ trao đổi carbon ở đâu?”, ông Vượng nói. 

Ông Vượng nói thêm hiện nay một số nước như Mỹ, châu ÂU đã áp dụng những chính sách bảo vệ môi trưởng mới lên hàng hoá nhập khẩu. 

“Chúng tôi tin thời gian tới Nhật Bản và Trung Quốc cũng sẽ soạn thảo những luật tương tự”, ông Vượng nói. 

 Ảnh: H.Mĩ

Các doanh nghiệp thực hiện sớm biện pháp giảm thải carbon cũng lên kế hoạch cho việc bán tín chỉ. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Điều hành Nghiên cứu & Phát triển (R&D) Vinamilk cho biết thời gian qua công ty đã thực hiện nhiều giải pháp để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. 

“Trong tương lai, chúng tôi có thể tính đến việc bán tín chỉ carbon nếu việc hấp thụ khí thải nhà kính lớn hơn so với lượng thải ra”, ông Khánh nói.

Ông Khánh cho biết, có dự án thì phải tính chi phí đầu tư và tỷ suất lợi nhuận thu lại, nhưng kinh nghiệm của Vinamilk nếu đầu tư từ sớm thì chi phí sẽ thấp hơn và lợi ích thu lại lớn hơn rất nhiều. "Nếu nhiều năm trước chúng tôi không tiến hành chương trình 1 triệu cây xanh thì bây giờ chúng tôi không thể tự trung hòa lượng phát thải phát ra", ông Khánh chia sẻ và cho biết "Trang trại và nhà máy cân bằng khoảng 17.500 tấn CO2/năm. Điều này tương đương 1,7 triệu cây xanh 5 tuổi. Chi phí là có nhưng hiệu ích lớn hơn".

Ông Phan Chiến Thắng, Giám đốc Truyền thông, Cộng đồng và Quan hệ Đối ngoại, Công ty Masan High-Tech Materials: “Theo lộ trình Chính phủ Việt Nam thì thị trường carbon sẽ vận hành chính thức vào năm 2028, từ trước đến nay chúng tôi luôn thực hiện hình thức tiết kiệm năng lượng, trồng cây xanh, tái chế chất thải và có thể nói đến thời điểm này chúng tôi đã sẵn sàng về kỹ thuật và tài chính để sẵn sàng tham gia việc mua bán, trao đổi tín chỉ carbon trong tương lại, ngay khi thị trường chính thức đi vào vận hành”.

Trên thế giới nói chung và tại châu Á nói riêng, một loạt các sàn giao dịch tín chỉ carbon đã được thành lập và đưa vào vận hành trong năm 2023. Đây là minh chứng cho thấy tiềm năng phát triển rất lớn của thị trường này trong tương lai.

Tuy nhiên, với một số doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực bảo vệ môi trường lại không kỳ vọng quá nhiều vào việc có thể bán tín chỉ carbon. 

Ông Morgan Donovan Carroll, Giám đốc ESG của Vinfast cho biết công ty sẽ tập trung năng lượng xanh, không “đương đầu” với Tesla Về mục tiêu tương lai và khả năng bán tín chỉ carbon.

“Chúng tôi chưa có lợi thế để bán tín chỉ carbon. Chúng tôi đã nỗ lực đầu tư về xe điện và thị trường carbon sẽ là cơ hội lớn. Đầu năm 2019, chúng tôi đã có báo cáo về ESG trong đó carbon rất khó để tích trữ. Chúng tôi tập trung vào năng lượng xanh và có trách nhiệm với môi trường, giảm hiệu ứng nhà kính”, ông Donovan Carroll cho biết.

Ông Dương Đức Quang, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết: “Sở đang nghiên cứu và sẽ sớm triển khai giao dịch các sản phẩm tín chỉ carbon liên thông với các Sở Giao dịch lớn trên thế giới ngay trong quý IV năm 2023. Đây sẽ là bước lấy đà rất quan trọng, trong quá trình phát triển thị trường giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam trong tương lai”.

Việc vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon góp phần cắt giảm lượng khí nhà kính theo hướng như cam kết khí hậu trước đây, đặc biệt là mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo thỏa thuận về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26).

Thị trường mua bán tín chỉ carbon trên thế giới hiện có hai loại phổ biến, là thị trường giao dịch bắt buộc và và thị trường mua bán tự nguyện.

 

H.Mĩ