Net Zero là gì và Việt Nam đang ở đâu trong cuộc đua này?
Net Zero là gì?
Sự nóng lên toàn cầu là tỷ lệ thuận với lượng khí nhà kính tích lũy qua từng năm, có nghĩa là hành tinh sẽ tiếp tục nóng lên nếu lượng khí thải toàn cầu vẫn lớn hơn 0. Giới khoa học quốc tế đã đồng thuận rằng để ngăn chặn những hậu quả khôn lường do biến đổi khí hậu, lượng khí thải carbon dioxide (CO2) đến năm 2030 phải giảm 45% so với năm 2010 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Net Zero đề cập đến trạng thái không làm tăng tổng lượng khí nhà kính thải vào khí quyển. Hiểu một cách đơn giản, Net Zero là lượng khí nhà kính được phát thải ra môi trường không lớn hơn lượng khí nhà kính được loại bỏ ra khỏi khí quyển.
Thuật ngữ Net Zero rất quan trọng bởi vì đây là trạng thái mà tại đó sự nóng lên toàn cầu dừng lại. Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra cuối năm 2021 đề ra nhiều mục tiêu quan trọng trong ứng phó biến đổi khí hậu bao gồm đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và giữ cho nhiệt độ trái đất tăng không quá 1,5 độ C. Kịch bản năm 2070, hạn chế sự nóng lên toàn cầu 2 độ C.
COP26 kêu gọi các quốc gia cần đưa ra các mục tiêu giảm phát mạnh mẽ hơn nữa cho đến năm 2030, hướng tới trung hòa carbon vào giữa thế kỷ này.
Vậy làm thế nào để đạt mục tiêu giảm khí phát thải nhà kính?
Có ba cách thực hiện vấn đề này. Đầu tiên là giảm lượng khí phát thải vào bầu khí quyền trong quá trình sản xuất điện, giao thông, nông nghiệp…Con người có thể chuyển từ năng lượng hoá thạch sang năng lượng tái tạo; từ bỏ xe chạy xăng, dầu để chuyển sang xe điện hoặc hydrogen.
Tuy nhiên, không phải tất cả hoạt động sản xuất, kinh tế đều có thể giảm khí thải nhà kính xuống 0. Do đó, các ngành này cản phải sử dụng cách thứ hai là bù lại bằng các biện pháp thu giữ khí carbon như trồng cây, áp dụng công nghệ.
Công nghệ này dùng máy móc để loại bỏ carbon khỏi không khí, sau đó làm rắn khí thải này và chôn nó dưới lòng đất.
Nếu như việc thực hiện cả hai cách trên vẫn chưa đưa lượng khí thải về mức "Net Zero", doanh nghiệp còn một phương án khác đó chính là mua tín chỉ carbon.
Tín chỉ carbon là một giấy phép cho phép chủ sở hữu thải ra một lượng CO2 nhất định hoặc các khí nhà kính khác. Trên thị trường, việc mua bán carbon hay chính xác hơn là mua bán sự phát thải khí CO2, được thực hiện thông qua tín chỉ. Một tín chỉ cho phép phát thải một tấn CO2 hoặc tương đương trong các khí nhà kính khác.
Nói cách khác, doanh nghiệp sẽ phải trả tiền cho phần khí phát thải trong quá trình sản xuất. Ngược lại, với những doanh nghiệp thực hiện đầy đủ việc hấp thụ khí thải, thậm chí là vượt so với lượng khí nhà kính mà họ thải ra thì họ có thể bán tín chỉ carbon.
Cuộc đua Net Zero
Châu Âu là một trong những khu vực đẩy mạnh cuộc đua Net Zero bằng việc thực hiện kế hoạch công nghiệp xanh. Trong đó, châu lục này tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp cạnh tranh công bằng với Mỹ trở thành trung tâm sản xuất xe điện và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Châu Âu sẽ tăng cường cấp phép cho những doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực vực công nghệ như lưu trữ carbon, sản xuất Hydrogen xanh,…
EU sẽ tăng cường các khoản trợ cấp trong việc phát triển công nghệ khử carbon. Các quỹ hiện tại của EU cho lĩnh vực này hiện có khoảng 250 tỷ euro.
Các nước thành viên sẽ tập trung trong việc nâng cao kỹ năng và đặt ra các tiêu chuẩn về kỹ năng liên quan đến lĩnh vực này.
EC sẽ đẩy nhanh ký kết các thỏa thuận thương mại nhằm đảm bảo các nguồn cung cần thiết về nguyên liệu thô quan trọng trong ngành công nghiệp xanh.
Tại Anh, nước này đề ra kế hoạch cấm bán xe chạy bằng năng lượng hoá thạch trước năm 2030, tăng gấp 4 lần công suất điện gió ngoài khơi, tăng 30.000 ha diện tích cây xanh mỗi năm cho tới 2025.
Ở Mỹ, nước này đẩy mạnh việc phát triển xe điện và năng lượng sạch bằng cách giảm thuế. Theo đó, xe điện sản xuất ở Bắc Mỹ và đạt yêu đầu nội địa hóa pin được nhận khoản ưu đãi thuế 7.500 USD.
Nhiều hãng ô tô lớn tuyên bố lộ trình dừng hẳn việc sản xuất xe xăng như Mercedes-Benz, Volvo, Hyundai, Ford…Mốc thời gian các hãng xe lựa chọn là từ 2025 - 2030.
Việt Nam sẽ làm gì trong cuộc đua này?
Không nằm ngoài xu hướng thế giới, Việt Nam cũng đã cam kết tham gia đường đua hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại Hội nghị COP26, Việt Nam cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; không xây dựng mới nhà máy điện than từ năm 2030 và loại bỏ dần điện than từ năm 2040; tuyên bố về rừng và sử dụng đất; tham gia liên minh thích ứng toàn cầu; giảm 30% khí thải metan vào 2030 so với mức 2020.
Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch điện VIII, trong đó, định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo đạt trên 70% và loại bỏ hoàn toàn nhiệt điện than.
Trong quy hoạch điện lần này, mục tiêu đến năm 2030, ngành điện kiểm soát mức phát thải khí nhà kính đạt khoảng 204-254 triệu tấn và còn khoảng 27-31 triệu tấn vào năm 2050. Hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn vào năm 2030 với điều kiện các cam kết theo JETP được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất.
Ngoài việc tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo, giảm điện hóa thạch, một giải pháp nữa là tiết kiệm năng lượng. Theo tính toán của một số chuyên gia tiềm năng tiết kiệm năng lượng và phát thải của Việt Nam là rất lớn, đặc biệt ở các ngành như xi măng là 50%, gốm sứ 35%, nhà máy điện than 25%, dệt nhuộm 30%, tòa nhà thương mại 25%, thép 20%, chế biến nông sản 50%…
Giới chuyên gia nhận định các doanh nghiệp sớm cam kết sẽ hưởng lợi thế người tiên phong, định vị thương hiệu trước xu hướng thay đổi của người tiêu dùng, công nghệ mới và thị trường mới.
Việt Nam cũng đã có chính sách khuyến khích người dân chuyển đổi sang xe điện. Theo đó, trong vòng 3 năm kể từ ngày 1/3/2022, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô điện chạy pin là 0%.
Từ ngày 1/3/2025 - 28/2/2027, mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô điện chạy pin từ 9 chỗ ngồi trở xuống bằng 50% mức thu lệ phí trước bạ của xe xăng có cùng số chỗ ngồi.
Ngoài ra, Việt Nam đã có chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) ở mức 10% trong 15 năm, miễn thuế tối đa không quá 4 năm và giảm 50% số thuế TNDN phải nộp tối đa không quá 9 năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp từ dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Đối với thuế giá trị gia tăng (VAT), quy định tiền chuyển nhượng tín chỉ carbon không phải kê khai, tính nộp thuế VAT; quy định các hàng hóa, dịch vụ góp phần xanh hoá nền kinh tế, không thuộc diện chịu thuế này.
Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi thuế suất đối với những sản phẩm như xăng sinh học, xe ô tô thân thiện với môi trường...
Tuy nhiên, để đạt được phát thải Net Zero sẽ rất tốn kém. Bộ Công Thương dẫn lời bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cho biết dự kiến, Việt Nam cần khoảng 147-221 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2050. Mục tiêu này cần sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp tư nhân và thị trường carbon.
Tại hội thảo “Hiện thực hóa cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp”, ông Phạm Văn Tuấn Phó Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu cho biết hiện tại Việt Nam chưa thể áp dụng được công nghệ chôn khí CO2 xuống đất do chi phí rất cao. Do đó, biện pháp hiện nay là tăng cường diện tích rừng.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (năm 2022), Việt Nam có thể sẽ cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD cho đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm khi theo đuổi lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng “0”.
Trong đó, hành trình khử carbon nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế chiếm khoảng 30% nhu cầu nguồn lực.
Tuy nhiên, khu vực công sẽ chỉ có thể đáp ứng khoảng 1/3 nguồn lực yêu cầu; trong khi thị trường tài chính xanh hiện mới ở giai đoạn đầu phát triển, nguồn lực huy động qua thị trường tài chính xanh ở mức rất nhỏ bé so với nhu cầu đặt ra.
Theo Bộ Tài chính bình quân 5 năm trở lại đây, chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp môi trường đạt trên 21 nghìn tỷ đồng mỗi năm.