|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Số hóa giúp doanh nghiệp dệt may tăng sức cạnh tranh về chất lượng, giá cả và thời gian giao hàng

20:42 | 26/06/2023
Chia sẻ
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho rằng trong xu hướng đơn hàng nhỏ, giao nhanh, số hóa là giải pháp giúp doanh nghiệp xuất khẩu dệt may nâng sức cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, giá bán và thời gian giao hàng.

Ngày 26/6, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) phối hợp với Công ty Jack, nhà cung cấp giải pháp thông minh tổ chức hội thảo: “Thúc đẩy số hóa- Xanh hóa sản xuất”. 

Tại hội thảo, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm 2023 dự kiến đạt 18,6 tỷ USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022.

Đà tăng trưởng của ngành dệt may chững lại chủ yếu đến từ những khó khăn liên hoàn từ suy thoái kinh tế, Fed tăng lãi suất, hệ lụy từ căng thẳng địa chính trị… khiến sức của của người tiêu dùng chậm lại, tồn kho các mặt hàng giá rẻ ở mức cao.

Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp phải cơ cấu lại cả thị trường xuất khẩu và mặt hàng. Theo số liệu của Vitas, cho đến thời điểm này, 68 sản phẩm của ngành dệt may đã được xuất khẩu sang 64 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Các doanh nghiệp không chỉ sản xuất những mặt hàng truyền thống như áo sơmi, denim, hàng dệt kim… mà còn bắt đầu khai thác thêm khu vực Trung Đông, châu Phi với sản phẩm áo đạo Hồi. Việc doanh nghiệp chuyển từ đơn hàng lớn, dài hạn sang thích ứng nhanh (đơn hàng nhỏ, giao hàng nhanh) cũng tạo ra sự thay đổi về dây chuyển sản xuất, đội ngũ nhân sự…

Chủ tịch Vitas đánh giá trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, nhu cầu với hàng may mặc sụt giảm mạnh thì kết quả 18,6 tỷ USD là sự nỗ lực lớn của doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, những giải pháp về số hóa, đầu tư về công nghệ được coi chìa khóa giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá bán và rút ngắn thời gian giao hàng, ba động lực cạnh tranh chính của ngành dệt may Việt Nam so với các đối thủ.

Ông Vũ Đức Giang cho rằng trong thời gian tới ngành dệt may vẫn tiếp tục đối mặt với những áp lực và đòi hỏi đến từ các nước nhập khẩu, đặc biệt là các tiêu chuẩn xanh hóa, hàng rào kỹ thuật liên quan đến sản phẩm tái chế.

Ông khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may nhanh chóng chuyển đổi số, đầu tư công nghệ mới, cùng với đó thúc đẩy xanh hóa với các giải pháp đồng bộ từ nguyên liệu xanh, sản phẩm xanh, năng lượng xanh.

Ông Zheng Haitao, Tổng giám đốc chiến lược khách hàng lớn toàn cầu Jack Technology chia sẻ về những giải pháp số hóa. (Ảnh: Hoàng Anh)

Ông Zheng Haitao, Tổng giám đốc chiến lược khách hàng lớn toàn cầu Jack Technology cho biết doanh nghiệp này hỗ trợ nền tảng Internet vạn vật (IoT) công nghiệp và nền tảng sinh thái phần mềm ứng dụng, thông qua bộ giải pháp kết nối thông minh và kết nối internet vệ tinh (Starlink) nối liền các “đảo dữ liệu” gồm kho nguyên phụ liệu, trải cắt, phòng may, khâu hoàn thành, kho thành phẩm.

Với xu hướng đơn hàng nhỏ, giao hàng nhanh như hiện nay, các khách hàng rất khắt khe về các thông tin về tình hình đơn hàng, công đoạn sản xuất và thời gian giao hàng. Số hóa sẽ giúp doanh nghiệp cung cấp thông tin đầy đủ đến khách hàng, quản trị doanh nghiệp tốt hơn.

Ngoài ra, số hóa có thể giúp doanh nghiệp quản lý tốt hơn nguyên phụ liệu, nâng cao mức độ tái sử dụng, bảo vệ môi trường, từ đó tạo được uy tín trên thị trường và có nhiều đơn hàng hơn.

“Số hóa giúp hiệu suất nhà xưởng tăng gấp đôi, thời gian giao hàng tăng nhanh gấp mấy lần, ví dụ thời gian giao hàng trước đây khoảng một tháng thì ứng dụng số hóa thì đơn hàng nhỏ chỉ cần 7 ngày đã giao đến khách”, ông Zheng Haitao nói.

 Nhà máy dệt may ứng dụng công nghệ cao của May 10. (Ảnh: Hoàng Anh)

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng số hóa trong sản xuất và quản trị nhân sự, điển hình như Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG.

Ông Lê Xuân Vĩ, Phó Tổng giám đốc Công nghệ cao TNG cho biết từ năm 2007, TNG đã bắt đầu chuẩn hóa quy trình sản xuất, quản trị doanh nghiệp và bắt đầu số hóa một số khâu. Từ năm 2010-2021, doanh nghiệp này đã số hóa toàn bộ quy trình và tiến tới tích hợp các hệ thống IoT, ứng dụng kho thông minh, ứng dụng trên điện thoại. Cho đến năm 2022, doanh nghiệp này đã phát triển các tính năng trí tuệ nhân tạo (AI) tự động ra lệnh, kết nối với các thiết bị tự động…

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, quản trị doanh nghiệp giúp TNG xác định được mục tiêu ngắn hạn, dài hạn và có kế hoạch hoàn thành, kiểm soát được rủi ro trong kinh doanh.

 Số hóa giúp doanh nghiệp quản trị lao động và sản phẩm tốt hơn. (Ảnh: Hoàng Anh)

Đặc thù ngành dệt may sử dụng lượng lớn lao động, doanh nghiệp này cũng quản lý bằng công nghệ số hóa, điều này giúp doanh nghiệp nắm bắt được thế mạnh của người lao động, giao đúng người đúng việc, minh bạch về hiệu suất làm việc và tổng thu nhập/ngày của từng công nhân, từ đó tạo ra động lực cho người lao động và giúp doanh nghiệp quản lý được nhân sự.

“Quan trọng nhất trong chuyển đổi số là quy trình khép kín, dữ liệu liên thông giữa các bộ phận sẽ doanh nghiệp dễ quản lý hơn. Chuyển đổi số không chỉ phần mềm, mà còn ở cả máy móc, thiết bị kèm theo. Các doanh nghiệp trong ngành cần tìm kiếm và liên tục cập nhật những công nghệ mới cho nhà máy của mình để theo kịp thời đại 4.0”, ông Lê Xuân Vĩ nói.

Hoàng Anh