|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xu hướng đơn hàng nhỏ, giao hàng nhanh, doanh nghiệp dệt may thích ứng thế nào?

20:11 | 16/06/2023
Chia sẻ
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng, các nhà nhập khẩu chuyển sang đặt các đơn hàng nhỏ, giao nhanh nhằm giảm rủi ro tồn kho. Các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp đầu thêm công nghệ mới nhằm đáp ứng với xu thế này, nâng cao hiệu quả và tiết giảm chi phí.

Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Viatas), 5 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng dệt may ước đạt 14,4 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như may mặc, vải, xơ sợi… đều ghi nhận mức giảm sâu 19-32%.

 Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vitas. (Ảnh: BTC)

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vitas dự báo rằng sự sụt giảm về đơn hàng, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may có thể kéo dài sang quý III và ít nhất sang quý IV mới dần phục hồi.

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng, các nhà nhập khẩu chuyển sang đặt các đơn hàng nhỏ, giao nhanh nhằm giảm rủi ro tồn kho.

Bên cạnh đó, một số thị trường lớn như châu Âu (EU) cũng đang chuyển từ thời trang nhanh sang thời trang bền vững. Do vậy, các đơn hàng lớn, sản xuất hàng loạt sẽ không còn nhiều, thay vào đó là đơn hàng nhỏ với yêu cầu cao về tính tái sử dụng, tái chế.

Đơn hàng nhỏ, giao nhanh không chỉ là thách thức đối với riêng doanh nghiệp dệt may của Việt Nam, mà còn là vấn đề nan giải của nhiều nhà xuất khẩu dệt may lớn trên thế giới.

Ông Li Jian Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Trung Quốc cho biết thời đại đơn hàng nhỏ, giao hàng nhanh, doanh nghiệp sẽ thường xuyên phải đổi mẫu, chất liệu vải, điều này khiến máy may bị nhảy mũi, đứt chỉ và vải bị nhăn.

Tuy nhiên do những hạn chế về thiết kế và nguyên lý cơ học, hiện tại vẫn chưa có công nghệ ưu tú nào có thể xử lý vấn đề thích ứng với mọi loại vải. Đây là điểm khó khăn của ngành may mặc, cũng là vấn đề nan giải của ngành máy.

Trước tình hình đơn hàng ngày càng nhỏ giọt, việc đáp ứng các đơn nhỏ sẽ trở thành xu hướng của doanh nghiệp trong ngành may mặc. Do vậy, điều các doanh nghiệp quan tâm lúc này là tìm kiếm những giải pháp công nghệ, số hóa giúp quá trình sản xuất trở nên linh hoạt, hiệu quả hơn.

  Doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới, nâng cao năng suất ngành dệt may. (Ảnh: BTC)

Ông Qiu Yangyou, Phó Tổng giám đốc CTCP Jack cho biết công ty đã phát triển dòng máy A.M.H thích hợp với tất cả loại vải bao gồm vải mỏng, vừa, dày, co giãn.

Khi doanh nghiệp sử dụng dòng máy này có thể giảm thiểu thời gian chờ chỉnh sửa khi thay đổi mẫu mã hàng hóa, giảm thiểu chi phí sửa mành, giảm thiểu tỷ lệ đứt chỉ, nhảy mũi, từ đó tổng hợp tính toán ra tốc độ xuất hàng nhanh hơn 5% so với dòng máy truyền thống.

“Nếu bình quân lương của một công nhân là 8 triệu/tháng, dòng máy này có thể giúp chủ xưởng tiết kiệm gần 5 triệu đồng/năm/người, tức một xưởng 50 người sẽ có thể tiết kiệm khoảng 240 triệu đồng/năm”, ông Qiu Yangyou nói.

Nói về dòng máy A.M.H, ông Yao Jialing, Giám đốc tập đoàn Decathlon tại Trung Quốc cho biết qua quá trình sử dụng, doanh nghiệp nhận thấy dòng máy A.M.H có thể thích ứng với nhiều loại vải, hôm nay may váy, ngày mai may áo khoác lông vũ, mà không cần đổi và chỉnh sửa máy.

Trở lại với ngành dệt may Việt Nam, ông Trương Văn Cẩm cho biết 20 năm qua, dệt may nước ta từ một cái tên nhỏ bé trên bản đồ thế giới nay đã trở thành nước xuất khẩu lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh.

Nhờ vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, kim ngạch xuất khẩu dệt may đã tăng 22,6 lần, từ 1,96 tỷ USD trong năm 2001 lên 44,4 tỷ USD vào năm 2022.

Để vượt qua khó khăn thời kinh tế khủng hoảng, đồng thời hướng đến mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 60 tỷ USD vào năm 2023, ông Cẩm cho rằng các doanh nghiệp buộc phải thay thế công nghệ cũ, máy móc truyền thống bằng những phát minh mới để nâng cao năng suất, tiết giảm chi phí, hướng đến phát triển bền vững.

Hoàng Anh