|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Khí nhà kính (Greenhouse gas) là gì? Nguồn phát thải

10:00 | 22/06/2020
Chia sẻ
Khí nhà kính (tiếng Anh: Greenhouse gas) là những khí có khả năng hấp thụ các bức xạ sóng dài và phân tán nhiệt lại cho Trái Đất, gây nên hiệu ứng nhà kính.
Khí nhà kính (Greenhouse gas) là gì? Nguồn phát thải - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: Insideclimatenews)

Khí nhà kính

Khái niệm

Khí nhà kính trong tiếng Anh gọi là: Greenhouse gas.

Khí nhà kính (KNK) là những khí có khả năng hấp thụ các bức xạ sóng dài (hồng ngoại), được phản xạ từ bề mặt Trái Đất khi được chiếu sáng bằng ánh sáng mặt trời, sau đó phân tán nhiệt lại cho Trái Đất, gây nên hiệu ứng nhà kính. 

Các KNK chủ yếu bao gồm: hơi nước, CO2, CH4, N2O, O3, các khí CFC. Trong hệ mặt trời, bầu khí quyển của sao Kim, sao Hỏa và Titan cũng chứa các khí gây hiệu ứng nhà kính. KNK ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiệt độ của Trái Đất, nếu không có chúng, nhiệt độ bề mặt Trái Đất trung bình sẽ lạnh hơn hiện tại khoảng 33°C (59°F).

Nguồn phát thải

Căn cứ theo nguồn gốc phát sinh, xu hướng, mức độ tuyệt đối cũng như mức độ ảnh hưởng đến tổng tiềm năng phát thải KNK của các quốc gia, các nguồn phát thải được chia thành 4 nhóm chính:

- Năng lượng: Là một trong những nguồn phát thải KNK lớn nhất hiện nay. Lĩnh vực này thường đóng góp đến trên 90% lượng CO2 và 75% lượng KNK khác, phát thải ở các nước đang phát triển. 95% các khí từ ngành năng lượng là CO2, còn lại là CH4 và NO với mức tương đương. 

Phát thải trong lĩnh vực năng lượng chia thành 3 nhóm: 

Phát thải do đốt cháy nhiên liệu hóa thạch (trong các ngành công nghiệp năng lượng, hoạt động giao thông vận tải,...); 

Phát thải tức thời (tức là lượng khí, hơi thải ra từ các thiết bị nén do rò rỉ, không mong muốn hoặc không thường xuyên từ quá trình khai thác, chế biến, vận chuyển nhiên liệu,...); 

Hoạt động thu hồi và lưu trữ các bon. Trong đó, phát thải từ đốt nhiên liệu hóa thạch đóng góp đến 70% tổng lượng phát thải, tiêu biểu là từ các nhà máy điện và nhà máy lọc dầu.

- Qui trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm (IPPU): Phát thải từ lĩnh vực IPPU phát sinh trong các quy trình xử lí công nghiệp. Việc sử dụng KNK trong các sản phẩm và sử dụng các bon trong các nhiên liệu hóa thạch không nhằm mục đích sản xuất năng lượng. 

Trong đó, nguồn phát thải chính là các qui trình công nghiệp xử lí nguyên liệu về mặt hóa học hoặc vật lí. Bởi ở các qui trình này, nhiều loại KNK đã được tạo ra, bao gồm: CO2, CH4, N2O, HFCs và PFCs.

- Nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất (AFOLU): Các nguồn chủ yếu gây phát thải bao gồm: Phát thải CH4 và N2O từ chăn nuôi, trồng lúa nước, đất canh tác nông nghiệp, hoạt động đốt trong sản xuất nông nghiệp; 

Phát thải/hấp thụ CO2 trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thay đổi sử dụng đất. Nói chung, lĩnh vực AFOLU đóng góp khoảng 30% lượng phát thải KNK toàn cầu, chủ yếu là do CO2 phát thải từ những thay đổi trong sử dụng đất (phần lớn là do phá rừng nhiệt đới) và CH4, N2O từ trồng trọt và chăn nuôi gia súc.

- Chất thải: Các loại KNK có thể phát sinh trong lĩnh vực chất thải bao gồm: CO2, CH4 và N2O. Các nguồn phát sinh chính được ghi nhận là: chôn lấp chất thải rắn; xử lí sinh học chất thải rắn; thiêu hủy và đốt mở chất thải; xử lí và xả nước thải. 

Thông thường, CH4 phát thải từ các bãi chôn lấp chất thải rắn (SWDS), chiếm tỉ lệ lớn nhất trong tổng lượng KNK của lĩnh vực này. CH4 trong xả và xử lí nước thải cũng đóng một vai trò tương đối quan trọng. 

Bên cạnh đó, xả thải, xử lí chất thải rắn và nước thải cũng đồng thời tạo ra các hợp chất hữu cơ, dễ bay hơi không metan (NMVOCs), NOx, CO và NH3. NOx chủ yếu sinh ra khi đốt chất thải, còn NH3 sinh ra trong quá trình compost. Hai hợp chất này có thể gián tiếp tạo ra N2O. Tuy nhiên, lượng N2O chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ, không đáng kể.

(Tài liệu tham khảo: Phân tích thực trạng phát thải khí nhà kính tại Việt Nam, ThS. Bành Thị Hồng Lan, Tạp chí Công thương, 2020)

Tuyết Nhi

ĐHĐCĐ Vinhomes: Tiếp tục phát triển siêu đại dự án, có thể ra mắt dự án tại Đông Anh và Đan Phượng năm nay khi hoàn tất pháp lý
Trong năm 2024, ban lãnh đạo Vinhomes (Mã: VHM) trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu 120.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 35.000 tỷ đồng; tăng lần lượt 16% và hơn 4% so với thực hiện năm 2023.