|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Khi nào người Mỹ sẽ cảm nhận được tác động của Đạo luật Giảm lạm phát?

01:00 | 15/08/2022
Chia sẻ
Ngày 12/8, Hạ viện Mỹ đã thông qua Đạo luật Giảm lạm phát năm 2022 và Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ ký thành luật trong thời gian sớm nhất.

 

Các chính trị gia Mỹ thảo luận về Đạo luật Giảm Lạm phát. (Ảnh: Getty Images).

Đạo luật trên là một thành tựu lớn đối với các đảng viên Dân chủ, những người đã đấu tranh trong nhiều tháng để có thể thông qua các chính sách xã hội và khí hậu đầy tham vọng của Tổng thống Biden, cũng như tầm nhìn của ông về việc tăng thuế đối với người giàu.

Đạo luật bao gồm các khoản đầu tư lớn để giúp đưa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và thuốc kê đơn có giá cả phải chăng hơn, chống lại quá trình biến đổi khí hậu và đánh thuế các tập đoàn giàu có.

Điều đáng chú ý là dù cái tên của đạo luật cho thấy mục tiêu kiềm chế lạm phát đang tăng cao, các ước tính cả chính thức lẫn độc lập đều cho thấy đạo luật này ít có khả năng đưa giá cả đi xuống. Dù vậy, đây vẫn là một đạo luật quan trọng, giúp đạt được một số sáng kiến đã bị sa lầy trong các cuộc tranh luận của Quốc hội Mỹ trong nhiều thập kỷ qua.

Các nội dung đáng chú ý của đạo luật

Đạo luật Giảm lạm phát là một phiên bản rút gọn của dự luật Xây dựng lại Tốt hơn (Build Back Better), nhằm đưa ra các khoản đầu tư có quy mô lớn kỷ lục vào mạng lưới an sinh xã hội của nước Mỹ. Đồng thời, đạo luật mới cũng tạo ra khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử Mỹ vào quá trình chống biến đổi khí hậu, giảm chi phí thuốc kê đơn và tăng thuế đối với các công ty.

Dưới đây là các nội dung chính:

- Áp mức thuế suất doanh nghiệp tối thiểu: Các công ty có thu nhập ít nhất 1 tỷ USD sẽ chịu mức thuế mới là 15%. Thuế đánh vào cá nhân và hộ gia đình sẽ không bị tăng. Các tập đoàn tiến hành mua lại cổ phiếu cũng sẽ phải chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt 1%.

- Cải cách giá thuốc kê đơn: Một trong những điều khoản quan trọng nhất của Đạo luật Giảm lạm phát sẽ cho phép chương trình chăm sóc y tế giá rẻ Medicare thương lượng giá của một số loại thuốc theo toa, hạ mức giá mà những người thụ hưởng sẽ phải trả cho thuốc của họ. Chi phí thuốc theo toa tự trả hàng năm của những người tham gia Medicare sẽ có giới hạn là 2.000 USD. Chính sách này sẽ có hiệu lực bắt đầu từ năm 2025.

- Hỗ trợ IRS thực thi chính sách thuế: Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) đã lên tiếng cảnh báo trong nhiều năm liền về việc bị thiếu nguồn cung tài chính và không thể thực hiện nhiệm vụ của mình. Đạo luật sẽ đầu tư 80 tỷ USD vào cơ quan thuế quốc gia trong 10 năm tới.

- Gia hạn trợ cấp cho Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng (ACA): Hiện tại, chính phủ liên bang đang trợ cấp phí bảo hiểm y tế theo ACA để giúp giảm chi phí cho người dân. Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, những khoản trợ cấp dự kiến hết hạn vào cuối năm nay sẽ được gia hạn đến năm 2025. Khoảng 3 triệu người Mỹ có thể mất bảo hiểm y tế nếu những khoản trợ cấp này không được gia hạn.

- Đầu tư vào an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu: Đạo luật cũng bao gồm nhiều khoản đầu tư vào việc bảo vệ khí hậu. Chúng bao gồm tín dụng thuế cho các hộ gia đình để bù đắp cho chi phí năng lượng, đầu tư vào sản xuất năng lượng sạch cũng như tín dụng thuế nhằm giảm lượng khí thải carbon.

Mục tiêu lớn nhưng cần thời gian hiện thực hóa

Trong một tuyên bố được đưa ra sau khi Thượng viện thông qua đạo luật, Tổng thống Biden khẳng định rằng luật mới sẽ giúp giảm lạm phát cho người dân Mỹ. Nhưng một số nghiên cứu sơ bộ cho thấy rằng trên thực tế, Đạo luật Giảm lạm phát có thể sẽ không làm giảm giá cả.

Tuy nhiên, các chuyên gia của Mô hình Ngân sách Penn Wharton (PWBM) có rất ít niềm tin về việc đạo luật sẽ tác động đến tình hình lạm phát. PWBM là một tổ chức phi đảng phái thuộc Đại học Pennsylvania, chuyên tập trung nghiên cứu, phân tích về tác động tài khóa của các chính sách công.

Còn theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), một cơ quan liên bang cung cấp thông tin về ngân sách và kinh tế cho Quốc hội, đạo luật sẽ hầu như không ảnh hưởng đến lạm phát trong thời gian tới, thậm chí có thể đẩy giá tăng lên.

CBO ước tính đạo luật sẽ có "tác động không đáng kể đến lạm phát" vào năm 2022. Sang năm 2023, đạo luật sẽ chỉ khiến lạm phát biến động trong khoảng tăng hoặc giảm 0,1 điểm phần trăm so với hiện tại.

Dù vậy, ngay cả khi đạo luật không có nhiều ảnh hưởng tới tình hình lạm phát, CBO cũng ước tính đạo luật sẽ giúp giảm thâm hụt hơn 100 tỷ USD trong thập kỷ tới. Theo số liệu từ Trung tâm Chính sách lưỡng đảng, chính phủ liên bang đã thâm hụt 2.800 tỷ USD vào năm 2021. Đạo luật mới dự kiến sẽ giúp giảm 4% trong mức thâm hụt đó.

Mặc dù đạo luật có thể chưa góp phần hiệu quả trong việc giảm đà tăng giá cả ngay lập tức cho người tiêu dùng, đạo luật này vẫn rất đáng chú ý theo những cách khác.

Theo The Wilderness Society, một tổ chức phi lợi nhuận về bảo tồn đất được thành lập vào năm 1935, Đạo luật Giảm lạm phát được mô tả là một “bước đột phá” về chính sách khí hậu của nước Mỹ.

Với việc đầu tư gần 370 tỷ USD vào năng lượng tái tạo, các chương trình bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng già và nhiều biện pháp khác, đạo luật dự kiến sẽ giúp giảm 40% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Mỹ trong vòng tám năm tới. 

H. Thuỷ