|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tuần này, Mỹ đón nhiều tin vui về lạm phát nhưng không nên vội mừng

21:48 | 14/08/2022
Chia sẻ
Tuần qua, Mỹ đã đón nhận nhiều tin tốt trên mặt trận chống lạm phát. Tuy nhiên, giới chuyên gia và quan chức Fed vẫn nhận định thận trọng về các số liệu mới.

Tín hiệu vui

Trong tuần vừa qua, nền kinh tế Mỹ đã ghi nhận nhiều tin tức tích cực về lạm phát, khi giá hàng hoá nhập khẩu, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) cùng hạ nhiệt trong tháng 7, theo CNBC.

Cụ thể, giá hàng nhập khẩu của tháng 7 đã giảm 1,4% so với tháng 6. Đây là lần đầu tiên trong năm nay thước đo này đi xuống, phần nào giúp giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho người dân Mỹ.

Trước đó, dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động cho thấy so với tháng 6, chỉ số PPI của tháng 7 sụt khoảng 0,5% và chỉ số CPI đi ngang. Chuyển biến này có được phần lớn là nhờ vào việc giá năng lượng giảm bớt.

Mặt khác, một khảo sát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York công bố hồi đầu tuần chỉ ra, người tiêu dùng Mỹ kỳ vọng lạm phát vẫn sẽ ở mức cao nhưng không nhiều như những tháng trước.

Nhìn chung, các số liệu tuần qua cho công chúng và các nhà hoạch định chính sách một ít lý do để lạc quan hơn. Dù vậy, giới chuyên gia vẫn cảnh báo rằng mọi người nên thận trọng một chút.

Tuần tới, thông qua báo cáo doanh số bán lẻ, các quan chức tại Fed sẽ đánh giá kỹ hơn tác động của lạm phát tới người tiêu dùng. (Ảnh minh hoạ: EPA).

Cần thận trọng

Nếu so với cùng kỳ năm trước, giá hàng hoá nhập khẩu tháng 7 thực chất vẫn tăng hơn 8,8%; trong khi chỉ số CPI cao hơn 8,5% và PPI bật tăng hơn 9,8%.

Bình luận về CPI, ông Krishna Guha - trưởng bộ phận chính sách toàn cầu và chiến lược ngân hàng cho Evercore ISI, cho hay: “Mặc dù số liệu mới nhất quán với nhận định là áp lực lạm phát có lẽ đã đạt đỉnh, chúng ta chỉ mới có một báo cáo như vậy”.

Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond - Thomas Barkin cũng đưa ra nhận xét tương tự. Ông nói tin tức mới về lạm phát là “rất đáng hoan nghênh”, nhưng không thấy lý do nào để rút lại việc tăng lãi suất mà một số người lo ngại sẽ đẩy Mỹ vào suy thoái.

“Còn một chặng đường rất dài trước khi Fed cảm thấy chúng tôi có đủ bằng chứng thuyết phục rằng lạm phát đã điều chỉnh, để có thể ngừng tăng lãi suất”, chiến lược gia Guha nhấn mạnh.

Tuần tới, ngân hàng trung ương Mỹ và các nhà đầu tư sẽ theo dõi ảnh hưởng của lạm phát đối với chi tiêu để tìm câu trả lời.

 

Từ góc độ người tiêu dùng

Bộ Thương mại Mỹ dự kiến sẽ công bố báo cáo doanh số bán lẻ tháng 7 vào ngày 17/8 tới. Theo dự đoán của FactSet, doanh số bán lẻ toàn phần có thể nhích khiêm tốn 0,2% trong tháng vừa rồi sau khi tăng 1% trong tháng 6.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến về số liệu cuối cùng.

Citigroup cho biết dữ liệu thẻ tín dụng của họ cho thấy có khả năng doanh số bán lẻ sẽ giảm 1,1% trong tháng 7, còn Bank of American nhận định thước đo này có thể sụt 0,2%.

Ông Joseph Brusuelas, kinh tế trưởng tại hãng tư vấn RSM, cho biết: “Có vẻ lạm phát sắp đạt đỉnh”. Tuy nhiên, ông nói số liệu tuần này khó có thể làm lung lay quyết tâm của Fed trong việc đưa lạm phát về ngưỡng mục tiêu 2%.

“Tôi nghĩ rằng lạm phát tháng 7 sẽ không làm thay đổi đường lối chính sách của Fed và bất kỳ ai cho rằng Fed sẽ đảo chiều nên từ bỏ suy nghĩ đó”, ông Brusuelas nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với hãng tin CNBC.

“Chúng ta còn vài tháng nữa mới có bằng chứng rõ ràng và thuyết phục rằng lạm phát có thể đang trên đường quay trở lại mức mục tiêu 2%...”, vị chuyên gia bày tỏ.

Khả Nhân

ĐHĐCĐ Vincom Retail: Lãi 1.080 tỷ đồng trong quý I, lãnh đạo khẳng định không đổi tên khi xuất hiện cổ đông mới
Năm 2024, ban lãnh đạo Vincom Retail trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 9.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 4.420 tỷ đồng.