|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Các nhà đầu tư nên chuẩn bị thế nào nếu 'sóng' lạm phát ào ào đánh tới?

17:20 | 12/08/2022
Chia sẻ
Chiến lược phân bổ vốn 60/40 có vẻ không còn phù hợp trên thị trường tài chính Mỹ. Trong bối cảnh một "bình thường mới" sắp đến, nơi lạm phát không chỉ tấn công một lần mà theo nhiều đợt, nhà đầu tư nên làm gì?

Câu hỏi mới của nhà đầu tư

Một nhà đầu tư khôn ngoan thường sẽ muốn tối đa hoá tỷ lệ lợi nhuận/rủi ro, và nhờ đó nắm giữ một số khoản đầu tư có thể giao dịch tốt trong thời điểm thị trường thăng hoa cũng như một số khoản sẽ sinh lời khi thị trường lao dốc.

Cổ phiếu thường tăng giá khi nền kinh tế phát triển, trong khi trái phiếu nhảy vọt trong thời kỳ khủng hoảng. Kết hợp cả hai - thường là 60% cổ phiếu và 40% trái phiếu, sẽ giúp nhà đầu tư gặt hái được lợi nhuận cao mà không gặp nhiều rủi ro.

Đó là chiến lược hợp lý trong khoảng hai thập kỷ qua. Kể từ năm 2000, mối tương quan trung bình giữa giá chứng khoán và trái phiếu Kho bạc Mỹ luôn ở mức âm (-0,5). Tuy nhiên, biến động gần đây của cả hai tài sản khiến nhà đầu tư không khỏi bất ngờ.

Chiến lược đầu tư 60/40 dường như đã lỗi thời. (Ảnh minh hoạ: Economist/Satoshi Kambayashi).

Trong nửa đầu năm 2022, chỉ số S&P 500 bốc hơi khoảng 20,6%, còn một thước đo chung về giá trái phiếu Kho bạc giảm khoảng 8,6%. Đây chỉ là thay đổi nhất thời hay một dạng bình thường mới trên thị trường tài chính?

Câu trả lời phụ thuộc vào việc lạm phát có duy trì ở mức cao trong thời gian dài hay không. Khi tăng trưởng kinh tế thúc đẩy giá tài sản, cổ phiếu và trái phiếu thường phân hoá. Khi lạm phát chen chân vào, cả hai thường song hành cùng nhau.

Dữ liệu do Cục Thống kê Lao động Mỹ vừa công bố hồi giữa tuần này cho thấy, lạm phát không đi lên trong tháng 7. Thị trường phản ứng bằng cách tăng điểm: chỉ số S&P 500 nhích 2,1% và giá trái phiếu Kho bạc ngắn hạn cũng đi lên.

Miễn là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) còn gắng sức khống chế lạm phát thì các nhà đầu tư vẫn được bảo vệ. Tuy nhiên, hãy nhìn lại giai đoạn trước năm 2000, thời kỳ mà lạm phát phổ biến hơn, cổ phiếu và trái phiếu thường di chuyển theo cùng một hướng.

 

Tờ Economist dẫn lời hãng đầu tư AQR Capital Management lưu ý rằng trong thế kỷ 20, mối tương quan giữa cổ phiếu và trái phiếu thường ở mức dương thay vì tụt xuống khu vực âm.

Do đó, rất nhiều nhà quản lý quỹ đang lo lắng về khả năng xảy ra liên tiếp nhiều cú sốc lạm phát. Năm ngoái, giới chuyên gia tranh luận liệu lạm phát chỉ là “nhất thời” hay “dai dẳng”, còn giờ thì bàn liệu lạm phát mang tính “chu kỳ” hay “cấu trúc”.

Trọng tâm của vấn đề này không phải là liệu Fed có thể hạ nhiệt giá cả hay không, mà là liệu động lực cơ bản của lạm phát có thay đổi.

Phe "cấu trúc" đầy bi quan

Các chuyên gia thuộc phe “cấu trúc” cho rằng giai đoạn lạm phát thấp trước kia là sai lầm lịch sử. Nó bắt nguồn từ việc thị trường năng lượng tương đối ổn định, các nền kinh tế bước vào quá trình toàn cầu hoá và lực lượng lao động giá rẻ tại Trung Quốc giúp hạ giá thành hàng hoá trên quy mô lớn.

Tuy nhiên, vật đổi sao dời. Đại dịch COVID-19 làm rối loạn chuỗi cung ứng; chiến sự và bất ổn địa chính trị đang phá hoại quá trình toàn cầu hoá. Ông Manoj Pradhan - cựu chiến lược gia tại Morgan Stanley, nói thêm rằng dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đã đạt đỉnh.

Đồng thời, ông Jeremy Grantham - một nhà quản lý quỹ phòng hộ, lo ngại rằng cuộc chuyển đổi sang năng lượng sạch sẽ diễn ra rất chậm và tốn kém. Mặt khác, ông nói vốn đầu tư ngày càng eo hẹp vào lĩnh vực nhiên liệu hoá thạch khiến doanh nghiệp khó tăng nguồn cung, làm tăng rủi ro giá năng lượng leo thang.

Tất cả những dữ kiện trên cho thấy cú sốc lạm phát hiện tại nhiều khả năng là đợt đầu tiên trong chuỗi cú sốc liên hoàn sắp tới. Các nhà hoạch định chính sách của Fed sẽ phải chơi “trò đập chuột” trong một khoảng thời gian, tức là họ phải liên tục khống chế nhiều đợt lạm phát khác nhau.

 

Lạm phát tái diễn nhiều lần sẽ đặt dấu chấm hết cho chiến lược quản lý danh mục đầu tư phổ biến của 20 năm qua. Nếu mối tương quan giữa cổ phiếu và trái phiếu dao động từ -0,5 đến +0,5, độ biến động của danh mục “60/40” sẽ tăng khoảng 20%.

Chiến lược phù hợp cho "bình thường mới"

Để tránh bị bất ngờ thêm nữa lần, các nhà đầu tư đang cập nhật kế hoạch của họ. Như nhà phân tích Barry Gill thuộc bộ phận quản lý tài sản của UBS từng nói, nhiệm vụ của nhà đầu tư là “thiết kế lại danh mục theo thực tế mới này”.

Vậy, loại tài sản nào sẽ giúp nhà đầu tư ngon giấc trong thực tế mới đó? Tiền ảo từng trông giống một hàng rào ngừa rủi ro tốt, nhưng năm nay, thị trường này đã tăng giảm tương quan với cổ phiếu.

Báo cáo gần đây của công ty quản lý tài sản KKR lập luận, các tài sản kém thanh khoản như quỹ đầu tư tư nhân (PE) là một cách tốt để đa dạng hoá danh mục. Tuy nhiên, các tài sản này ít khi điều chỉnh theo nhịp thị trường, mặt khác vẫn chịu tác động bởi các động lực kinh tế cơ bản như cổ phiếu và trái phiếu.

Theo Economist thì vẫn còn những lựa chọn khác. AQR đề xuất các chiến lược lựa chọn cổ phiếu mà thành bại ít gắn liền với các điều kiện kinh tế, chẳng hạn như đầu tư cổ phiếu “long-short” (mua vào cổ phiếu có khả năng tăng giá và bán ra cổ phiếu có thể sụt giá).

Mặt khác, hàng hoá là lựa chọn tốt cho những người lo lắng rằng quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ diễn ra một cách lộn xộn, vì rổ hàng hoá thường không tương quan với cổ phiếu và trái phiếu trong dài hạn.

Yên Khê

SHS: VN-Index có thể điều chỉnh mạnh từ 15 - 20% trước khi tăng trưởng ổn định trở lại
Theo các nhà phân tích của Chứng khoán SHS, năm 2025 giá cổ phiếu cơ bản tốt đang ở nền giá cao trong khi các nhóm cổ phiếu khác lại kinh doanh suy yếu tạo khó khăn trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư có định giá tốt với cổ phiếu cơ bản.