Khi cả ngành thủy sản tăng tốc, một doanh nghiệp cá tra bơi ngược dòng với khoản lỗ lũy kế gần 900 tỷ
CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (Agifish - Mã: AGF) vừa công bố báo cáo soát xét nửa đầu năm 2022 do Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC thực hiện.
Bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục
Một vấn đề mà kiểm toán nêu ra là tại ngày 30/6, Agifish lỗ lũy kế hơn 859 tỷ đồng, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn 375 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 165 tỷ, đồng thời kết quả kinh doanh trong kỳ lỗ gần 12 tỷ đồng. Những sự kiện này khiến kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Agifish.
Agifish đi vào hoạt động từ năm 1987 và từng là ngọn cờ đầu của ngành cá tra Việt Nam, có lúc vượt Vĩnh Hoàn (thành lập năm 1997). Giai đoạn mới cổ phần hóa, hoạt động kinh doanh của công ty vẫn tích cực, nhưng từ năm 2015 trở lại đây bắt đầu đi xuống và dần chìm trong thua lỗ.
Báo cáo của Hội đồng quản trị Thủy sản An Giang cho biết, việc ngân hàng siết chặt vốn vay, thiếu vốn, thiếu nguyên liệu, trong khi không đủ nguồn vốn để mua nguyên liệu bên ngoài, công ty đã lỡ mất thời cơ kinh doanh khi giá xuất khẩu tăng cao.
Trong bối cảnh ngành thủy sản đồng loạt báo lãi, tăng trưởng một tới hai chữ số trong 6 tháng đầu năm 2022, thì doanh thu thuần của Agifishgiảm 37% so với cùng kỳ còn 187 tỷ. Doanh nghiệp cho biết công ty gặp khó khăn trong việc tìm nguồn nguyên liệu đạt chuẩn và giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao nên các đơn vị đang thuê dịch vụ gia công của Agifish không đủ nguyên liệu để sản xuất, kéo theo nhà máy không hoạt động đủ công suất.
Bên cạnh đó, doanh thu bán hàng nội địa giảm do công ty sắp xếp lại mặt hàng sản xuất không hiệu quả, cắt giảm những khách hàng phân phối có chi phí cao, cơ cấu lại danh mục mặt hàng sản xuất có hiệu quả.
Trong khi đó doanh nghiệp phải chịu chi phí lãi vay gần 18 tỷ, chi phí vùng nuôi ngưng hoạt động, tuy nhiên được hoàn nhập dự phòng hơn 8 tỷ trong phần chi phí quản lý doanh nghiệp nên công ty báo lỗ gần 12 tỷ đồng so với cùng kỳ là lỗ 14 tỷ. Con số này cũng đã nâng mức lỗ lũy kế đến cuối tháng 6 gần 859 tỷ đồng.
Năm nay, Agifish đặt mục tiêu doanh thu đạt 750 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 12 tỷ đồng. Với kết quả này, công ty mới thực hiện được 1/4 chỉ tiêu doanh thu và còn cách xa mục tiêu có lãi.
Có hơn 550 tỷ nợ xấu
Cuối tháng 6, quy mô tổng tài sản của Agifish còn 359 tỷ đồng, giảm 16% so với đầu năm, chủ yếu do lượng tiền mặt giảm còn 4 tỷ đồng, hàng tồn kho giảm gần 40% về 67 tỷ. Đáng chú ý, công ty đang ghi nhận nợ xấu hơn 550 tỷ đồng, nhưng giá trị có thể thu hồi là 42 tỷ.
Tổng nợ đi vay của Agifish là 453 tỷ, chiếm 87% trong tổng nợ phải trả. Trong khi đó vốn chủ sở hữu do lỗ lũy kế nên âm hơn 165 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn cũng vượt tài sản ngắn hạn số tiền 375 tỷ như đã đề cập ở trên.
Trong báo cáo công bố, đơn vị kiểm toán còn đưa ra kết luận ngoại trừ, là Agifish đã nhận chuyển nhượng 19.674 m2 đất và tài sản trên đất (là kho lạnh Mỹ Thới của công ty) từ CTCP Đầu tư Xây dựng Delta AGF với tổng giá trị chuyển nhượng là 120 tỷ đồng. Tại cuối tháng 6, công ty vẫn chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý để nhận chuyển nhượng khu đất nói trên.
Bên cạnh đó, kiểm toán cũng nhấn mạnh tại ngày 30/6, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất liên quan đến dự án vùng nuôi Nhơn Hòa chưa được hoàn tất do diện tích hơn 72.362 m2 đất nuôi trồng thủy sản vẫn chưa có kết luận của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang.
Trước hai vấn đề này, Agifish cho biết đang tích cực làm việc với các bên liên quan để hoàn thiện thủ tục pháp lý nhằm ghi nhận quyền sở hữu hợp pháp với các tài sản nêu trên. Còn với vùng nuôi Nhơn Hòa, Agifish cho biết về mặt pháp ý, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận xử lý hồ sơ. Tuy nhiên vùng nuôi này nằm trong quy hoạch tổng thể các vùng nuôi có đất bãi bồi của huyện Chợ Mới, vì vậy việc sang tên vùng nuôi cho Agifish chưa được hoàn thiện. Việc hoàn chỉnh pháp lý tài sản vùng nuôi này sẽ sớm hoàn thiện khi chính sách quy hoạch của tỉnh hoàn tất.