|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhà nhập khẩu không nhận hàng đến tháng 10, doanh nghiệp thủy sản bị 'khóa' tín dụng

15:22 | 11/08/2022
Chia sẻ
Đại diện VASEP kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản khó khăn về tín dụng nguồn vốn, giảm chi phí đầu vào, đặc biệt là cước vận chuyển và giá thức ăn chăn nuôi.

Tại Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết thông tin một số vướng mắc doanh nghiệp thủy sản đang gặp phải.

Theo đó, nguồn tín dụng của các doanh nghiệp đang bị siết lại từ đầu tháng 8 vừa qua, trong khi lạm phát tăng cao khiến người dân các nước giảm tiêu dùng, nhiều nhà nhập khẩu cho biết không nhận đơn hàng từ nay đến tháng 10.

Điều này đồng nghĩa doanh nghiệp sẽ tồn kho và không có tiền để trả ngay cho ngân hàng. Trong khi đó, nếu không trả khoản vay cũ thì các ngân hàng (trong 1 tuần qua) đều báo sẽ không cho vay khoản vay mới, dẫn đến không thu mua được cá, tôm của nông dân.

VASEP đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tháo gỡ khó khăn về tín dụng, nguồn vốn cho doanh nghiệp.

 Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP. (Ảnh: VGP)

Ngoài ra, một vấn đề nan giải khác là chi phí sản xuất tăng cao khiến cho giá thành sản phẩm tăng và nguy cơ sẽ giảm khả năng cạnh tranh

Theo đại diện VASEP, hiện giá thức ăn chăn nuôi đã tăng khoảng 20%, trong khi giá mặt hàng này chiếm tới 65-70% giá thành sản xuất cá tra, tôm.

Cùng với giá thức ăn chăn nuôi, chi phí vận chuyển cũng đang “ăn mòn” lợi nhuân của doanh nghiệp. 2 năm qua chi phí vận tải biển và nhân công phi mã với các lý do liên quan đến dịch, ách tắc và giá nhiên liệu tăng nên vẫn đang giữ ở mức cao.

Một container đi Bờ Tây Mỹ hiện nay đang ở mức 400 triệu đồng, đi châu Âu cũng tăng đến 4 lần, khoảng 10.000 - 12.000 USD. Điều này chi phối rất nhiều, đặc biệt với ngành thủy sản đông lạnh, chưa kể các chi phí đầu vào khác như bao bì, hóa chất, vận chuyển, hội nhập… cũng tăng.

Do đó, VASEP kiến nghị Thủ tướng, các bộ ngành có biện pháp hỗ trợ, giảm chi phí sản xuất cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt giá thức ăn chăn nuôi.

Vấn đề khácnhiều doanh nghiệp bị vướng quy chuẩn môi trường liên quan đến nước thải đầu ra không nằm trong quy chuẩn chăn nuôi mà nằm trong quy chuẩn khác.

Nhiều chỉ tiêu không phù hợp với nuôi tôm, cá, như quy chuẩn xử lý phốt pho hữu cơ trong chế biến thủy sản đông lạnh. Do đó, VASEP mong muốn Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét có quy chuẩn riêng cho ngành thủy sản.

Cũng tại hội nghị, đại diện VASEP cho biết tổng kết 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản đã ghi nhận kỷ lục 20 năm khi chạm mốc 6,7 tỷ USD, tăng 35%. Trong đó, mặt hàng cá tra của Việt Nam đang chi phối 95% nguồn cá thịt trắng toàn cầu, tăng 80% trong 7 tháng vừa qua.

Năm 2022, VASEP dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ vượt mốc 10 tỷ USD, tăng 12-15% so với năm 2021. Trong đó, sản phẩm nuôi trồng thủy sản là cá tra và tôm sẽ chiếm khoảng 65%, các sản phẩm khai thác biển khoảng 35%. 

Do đó, đại diện VASEP mong muốn Chính phủ và các bộ ngành sẽ tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho ngành hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Hoàng Anh

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.