|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

VDSC: Xuất khẩu thủy sản trong quý III sẽ tăng trưởng chậm lại

09:36 | 08/08/2022
Chia sẻ
VDSC cho rằng trong quý III, xuất khẩu thủy sản có thể tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là mặt hàng tôm và cá tra.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) sau khi tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 7 đang có xu hướng chững lại với giá trị 970 triệu USD, giảm 4% so với tháng 6 nhưng tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021.

Nguyên nhân là thời tiết bất lợi, mưa sớm hơn so với mọi năm làm ảnh hưởng đến đến sản lượng thủy sản, gây ra dịch bệnh trên tôm nuôi khiến cho cho sản lượng tôm giảm, đồng thời nguồn hàng dự trữ từ năm ngoái cũng đã cạn dần.

Trong đó, xuất khẩu tôm ghi nhận hai tháng giảm liên tiếp, trong khi cá tra vẫn duy trì được đà tăng trưởng.

Trong báo cáo ngành thủy sản, CTCK Rồng Việt (VDSC) nhận định xuất khẩu cá tra trong quý III sẽ chậm lại so với quý II, trước khi phục hồi vào quý IV. Xuất khẩu sang thị trường Mỹ sẽ giảm đáng kể về lượng trong khi giá bán vẫn ở mức cao do lạm phát lương thực toàn cầu cao.

Tuy nhiên, VDSC khá lạc quan với thị trường Trung Quốc sau khi nước này gỡ bỏ chính sách tạm ngừng nhập khẩu đối với thực phẩm đông lạnh nhiễm COVID-19. Bên cạnh đó, nhu cầu cá tra ở Trung Quốc đang dồi dào sau hai năm giảm nhập khẩu.

Do đó, VDSC kỳ vọng sự gia tăng xuất khẩu vào thị trường này có thể bù đắp một phần cho sự sụt giảm của thị trường Mỹ và các công ty có thị trường xuất khẩu chính sang Trung Quốc có thể được hưởng lợi.

Còn đối với tôm, VDSC dự báo giá trị xuất khẩu tôm 6 tháng cuối năm có thể tăng chậm lại so với nửa đầu năm 2022.

Trong bối cảnh đó, các công ty xuất khẩu sang thị trường EU hoặc Nhật Bản có thể duy trì kết quả kinh doanh tăng trưởng cao trong khi các công ty phụ thuộc vào thị trường Mỹ sẽ phải đối mặt với sự suy giảm của nhu cầu, từ đó có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận 6 tháng cuối năm 2022.

Với tình hình này, VDSC cho rằng lợi nhuận 6 tháng cuối năm của các công ty thủy sản có thể chậm lại, nhưng vẫn có khả năng tăng trưởng hai con số.

 

Mặt khác, lợi nhuận của các công ty sẽ không giảm đột ngột như giai đoạn 2018 - 2019 do nhu cầu vẫn ở mức cao trong bối cảnh thiếu thực phẩm toàn cầu. Lạm phát cao tiếp tục hỗ trợ giá bán thủy sản và nguồn cung nguyên liệu vẫn chưa phục hồi.

Hoàng Anh

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.