|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Khép lại niên độ 2021 - 2022, doanh nghiệp mía đường làm ăn thế nào sau một năm đường Thái Lan bị 'chặn cửa'?

13:44 | 03/08/2022
Chia sẻ
Niên độ 2021-2022 bắt đầu từ ngày 1/7/2021, tức khoảng nửa tháng sau quyết định áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đường Thái Lan, đến nay các doanh nghiệp ngành mía đường cũng đã kết thúc vụ mùa, kết quả kinh doanh liệu có ấn tượng hơn sau khi đối thủ cạnh tranh đã "bị loại bỏ"?

Bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp mía đường chưa đều màu

Khác với các nhóm ngành khác, các doanh nghiệp ngành mía đường có năm tài chính bắt đầu từ ngày 1/7 và kết thúc vào 30/6 năm sau. Do đó, thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp trong ngành bắt đầu công bố kết quả kinh doanh quý IV cũng như toàn niên vụ 2021-2022.

Cái tên đầu tiên phải kể đến là CTCP Thành Thành Công Biên Hòa (Mã: SBT), trong quý IV (từ 1/4 đến 30/6) công ty này đạt doanh thu 5.508 tỷ đồng, tăng gần 32% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là doanh thu bán đường với giá trị hơn 4.950 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, công ty lãi trước thuế 200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thu về hơn 170 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ.

Trong khi Thành Thành Công Biên Hòa là doanh nghiệp có doanh thu quý IV tăng cao nhưng lợi nhuận sau thuế sụt giảm thì CTCP Mía đường Lam Sơn (Mã: LSS) lại có xu hướng ngược lại với doanh thu thuần quý IV đạt 766 tỷ đồng, giảm 7,8% nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 24 tỷ đồng, tăng hơn 49% so với cùng kỳ năm trước. 

Theo giải trình của công ty, doanh thu thuần quý này giảm nhưng giá vốn cũng giảm 10,3% đã giúp lợi nhuận gộp bán hàng và dịch vụ tăng 26,2%. Tỷ suất lợi nhuận gộp/doanh thu tăng 2,55% dẫn đến lợi nhuận sau thuế quý IV tăng gần gấp rưỡi so với cùng kỳ năm trước. 

Còn tại Công ty Mía đường Sơn La (Mã: SLS) và Mía đường Kon Tum (Mã: KST), trong kỳ ghi nhận sự đi lùi của doanh thu và lợi nhuận.

Cụ thể, với Mía đường Sơn La lần lượt giảm 6,2% và gần 18% về mức 218,4 tỷ đồng doanh thu và 62,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; Mía đường Kon Tum giảm đến 41,3% doanh thu về 47 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 3,3 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. 

(Tổng hợp: Như Huỳnh)

Dù vậy, lũy kế toàn niên độ 2021-2022, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này vẫn tăng trưởng tích cực.

Cụ thể, Thành Thành Công Biên Hòa ghi nhận doanh thu đạt 18.325 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.002 tỷ đồng, tăng 28%, lợi nhuận sau thuế gần 818 tỷ đồng, tăng 25,7% so với niên độ trước.

Niên vụ này, kế hoạch doanh thu của công ty là 16.905 tỷ đồng và chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 750 tỷ đồng. Như vậy, Thành Thành Công Biên Hòa đã hoàn thành 108% kế hoạch doanh thu cả năm và vượt 34% mục tiêu lợi nhuận đề ra.  

Ban lãnh đạo công ty cho hay kết quả này là nhờ công ty xây dựng được chính sách bán hàng hiệu quả, mở rộng thị phần cũng như tập trung triển khai nâng cao các hoạt động sản xuất, gia tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Trong chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025,Thành Thành Công Biên Hòa  đặt mục tiêu sẽ mở rộng diện tích vùng nguyên liệu tại Australia lên 20.000 ha nâng tổng diện tích vùng nguyên liệu toàn cầu lên gần 90.000 ha, hướng đến mục tiêu tổng sản lượng đạt 2 triệu tấn đường, doanh thu đạt 1,5 tỷ USD vào niên độ 2024-2025.   

Công ty chứng khoán Mirae Asset cũng đánh giá tích cực tiềm năng phát triển củaThành Thành Công Biên Hòa  nhờ các yếu tố hỗ trợ như nguồn cung đường nội địa hiện tại chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu nội địa.

Bên cạnh đó, Việt Nam áp thuế chống bán phá giá đường đối với một số sản phẩm từ Thái Lan thời hạn 5 năm tính từ 2021; đường trắng Việt Nam chính thức được giao dịch trên sàn giao dịch hàng hóa liên lục địa ICE từ 23/4/2021 giúp tăng cơ hội tiêu thụ các sản phẩm chất lượng cao tại thị trường thế giới.  

Tương tự với Mía đường Lam Sơn, doanh nghiệp này ghi nhận kết quả cuối niên vụ tăng trưởng ở cả 3 chỉ tiêu gồm doanh thu thuần đạt 2.041 tỷ đồng, tăng 10,5%, lợi nhuận trước thuế đạt 49,8 tỷ đồng, tăng 77,8%, lợi nhuận sau thuế đạt 44,7 tỷ đồng, tăng 96% so với cùng kỳ.

Tại Mía đường Sơn La, tính chung cả niên vụ, doanh thu thuần đạt 869 tỷ đồng, tăng 8,4%. Biên lợi nhuận nhích nhẹ cũng đã giúp công ty lãi ròng 187,6 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ. 

Công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu năm nay đạt 1.037 tỷ đồng và lãi sau thuế ở mức 75 tỷ đồng. Như vậy kết thúc niên vụ, công ty này mới thực hiện được 83,8% chỉ tiêu doanh thu nhưng vượt 1,5 lần mục tiêu lợi nhuận đề ra. 

Còn với Mía đường Kon Tum, lũy kế đến cuối niên vụ, dù hụt gần 29% doanh thu xuống mức 176,4 tỷ đồng nhưng biên lợi nhuận gộp cả niên độ của KTS cải thiện từ mức 11,2% lên 15,8% đã giúp lợi nhuận sau thuế tăng 40,3% lên hơn 8 tỷ đồng.

Niên độ 2021-2022, KTS đặt mục tiêu kinh doanh với hơn 364 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 3 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp chỉ thực hiện 48,4% mục tiêu doanh thu nhưng vượt kế hoạch lợi nhuận gấp 1,6 lần. 

Trong khi đó, CTCP Đường Quảng Ngãi (Mã: QNS) có phần khác biệt với các doanh nghiệp trên khi chỉ mới đi qua nửa chặng đường của năm vì đơn vị này có niên độ tài chính 1/1/2022-31/12/2022.

Theo báo cáo tài chính quý II/2022, công ty có doanh thu đạt 2.201 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 365,3 tỷ đồng, lần lượt tăng 8,8% và 1,2% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, QNS ghi nhận doanh thu đạt 4.015 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 541 tỷ đồng, lần lượt tăng 9,6% và 29,8% so với cùng kỳ.

Trong năm 2022, QĐường Quảng Ngãi đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu là 8.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 1.008 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, công ty hoàn thành được 51% kế hoạch doanh thu và 53,6% mục tiêu lợi nhuận năm. 

Theo công ty, công ty sẽ tăng cường công tác quản lý và hoạt động sản xuất kinh doanh các dự án như dự án mở rộng nâng công suất nhà máy Đường An Khê lên 18.000 tấn mía/ngày, dự án nhà máy điện sinh khối An Khê, Dự án dây chuyền sản xuất đường tinh luyện RE có công suất 1.000 tấn đường/ngày nhằm đem lại hiệu quả cho công ty.

Ngành mía đường tiếp tục đối phó với đường lậu

Sau hơn một năm Việt Nam áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm đường có xuất xứ từ Thái Lan (kể từ ngày 16/6/2021), ngày 1/8, Bộ Công Thương tiếp tục áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar.

Theo đó, một số doanh nghiệp từ 5 quốc gia này sử dụngnguyên liệu đường có xuất xứ từ Thái Lan để sản xuất và xuất khẩu đường thành phẩm sang Việt Nam nhằm tránh thuế. Tổng mức thuế là 47,64%, trong đó thuế chống bán phá giá là 42,99% và thuế chống trợ cấp là 4,65%.   

Việc đường nhập lậu, tránh thuế tác động xấu đến ngành mía đường của Việt Nam. Cụ thể, Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết dù ngành đường đã nâng giá mua mía cao hơn vụ trước từ 150.000-200.000 đồng/tấn và đưa giá mía tại ruộng lên mức 1.150.000 – 1.200.000 đồng/tấn mía, đảm bảo bù đắp đủ chi phí, có lãi cho người nông dân trồng mía nhưng giá bán đường của các nhà máy đường vẫn ở mức thấp, gây khó khăn cân đối giá thành sản xuất.

Từ đầu năm đến nay, giá đường bán ra của các nhà máy dao động trên dưới 18.000 – 18.400 đồng/kg đối với đường tinh luyện; 17.200-17.400 đồng/kg đối với đường vàng.  

Trong khi đó, giá đường nhập lậu đang tràn ngập thị trường chỉ ở mức 16.400-16.800 đồng/kg, tức là thấp hơn giá đường vàng trong nước, khiến cho đường sản xuất khó tiêu thụ, lượng tồn kho, chi phí tài chính tăng đến mức doanh nghiệp phải bán dưới giá thành.

Do đó, mặc dù từ nửa cuối tháng 6 đến nay, thời tiết tại một số địa phương trong nước xuất hiện thời tiết nắng nóng, thông thường các năm trước là yếu tố hỗ trợ cho việc gia tăng tiêu thụ đường của các nhà máy nhưng năm nay trong bối cảnh nên kinh tế phục hồi chậm và sự hiện diện của khối lượng lớn đường nhập lậu và đường, chất ngọt nhập khẩu chính ngạch trên thị trường khiến cho đầu ra của đường sản xuất từ mía bị thu hẹp.

"Sự bế tắc đầu ra tháng thứ 5 liên tục đang đe dọa nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng mía đường và cùng với tình trạng các vật tư nông nghiệp tăng giá đã khiến cho việc phục hồi vùng nguyên liệu mía của ngành đường Việt Nam gặp nhiều trở ngại", VSSA nhấn mạnh.

Một trong những nguyên nhân khiến đường ngoại nhập tiếp tục "đè" đường nội là sau khi áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp thì đường Thái Lan lại có dấu hiệu lẩn tránh thuế bằng cách chuyển hướng sang 5 nước Asean là Lào, Campuchia, Indonesia và Myanmar trước khi vào Việt Nam 

Cụ thể, theo số liệu của Bộ Công Thương tại thời điểm tháng 9/2020, tổng lượng nhập khẩu từ 5 quốc gia bị điều tra chỉ bằng 17% so với lượng nhập khẩu từ Thái Lan. Tuy nhiên, kể từ thời điểm này, lượng nhập khẩu đã gia tăng liên tục theo từng tháng, và đến tháng 8/2021, lượng nhập nhẩu từ 5 quốc gia bị điều tra đã gấp gần 10,4 lần ở mức hơn 92.100 tấn so với lượng nhập khẩu từ Thái Lan gần 9.000 tấn. 

 (Nguồn: Bộ Công Thương. Tổng hơp: Như Huỳnh)

Trước tình hình này, VSSA cũng đã có đơn kêu cứu khẩn cấp lên Chính phủ với một số đề xuất ngăn chặn gian lận thương mại đường nhập lậu. 

Cụ thể, Hiệp hội kiến nghị chỉ đạo lực lượng chức tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp, đại lý mặt hàng đường trong việc chấp hành các quy định về điều kiện nhập khẩu, lưu kho, vận chuyển, sản xuất, phân phối, lưu thông để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại đường nhập lậu. 

Đồng thời, giám sát hoạt động thương mại phân phối đường trên thị trường, tập trung vào một số giới hạn các cơ sở kinh doanh có liên quan đến hoạt động của các đầu nậu phân phối đường lậu...

Có thể thấy, các kiến nghị này cùng với quyết định áp thuế đường nhập khẩu từ 5 nước Asean sử dụng nguyên liệu đường của Thái Lan vừa được ban hành, ngành mía đường Việt Nam kỳ vọng sẽ dần phục hồi sau thời gian chịu sức ép lớn từ đường bán phá giá, nhập lậu và gian lận thương mại.

"Việc áp thuế nhanh chóng tiến hành sẽ tạo công bằng cho các doanh nghiệp trong nước với đường né thuế và đường nhập lậu, về ngắn hạn sẽ giúp các doanh nghiệp đường tiêu thụ được sản phẩm và có lợi nhuận, về dài hạn sẽ giúp phục hồi vùng nguyên liệu mía của Việt Nam đang bị giảm sút nghiệm trọng", Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCBS) từng nhận định tại báo cáo ngành đường gần đây.

Như Huỳnh