Khái niệm Trung nguồn (Midstream) trong ngành công nghiệp dầu khí là gì?
Trung nguồn
Khái niệm
Trung nguồn trong tiếng Anh là Midstream.
Trung nguồn là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả một trong ba giai đoạn chính của hoạt động ngành công nghiệp dầu khí.
Khâu trung nguồn bao gồm toàn bộ các hoạt động vận chuyển, lưu trữ và phân phối. Nghĩa là dầu mỏ, khí đốt được khai thác từ mỏ phải được chuyển tới cơ sở xử lí, chế hóa thành những sản phẩm phù hợp với yêu cầu quốc kế dân sinh. Sau đó những sản phẩm của sự chế hóa đó cần được đưa tới các hộ tiêu thụ khác nhau (công nghiệp hoặc dân sinh), thông qua một hệ thống đại lí trực tiếp hoặc gián tiếp bằng những phương tiện và hình thức rất khác nhau.
Hai giai đoạn chính khác là thượng nguồn, trong đó đề cập đến việc sản xuất dầu thô và khí tự nhiên và hạ nguồn, trong đó đề cập đến việc tinh chế dầu thô thành xăng, dầu diesel và các loại nhiên liệu khác. Ngày nay, nhiều công ty dầu lớn đảm nhận tất cả các khâu trong qui trình và được gọi là các công ty dầu liên hợp lớn.
Hình thức vận chuyển và lưu trữ
Để đưa những sản phẩm của dầu mỏ, khí đốt đến với các hộ tiêu thụ, cần thiết phải tổ chức xây dựng những hệ thống phân phối, vận chuyển và lưu trữ một cách hợp lí.
Hình thức vận chuyển
Việc vận chuyển dầu mỏ, khí đốt và những sản phẩm của chúng có thể sử dụng ba hình thức:
- Đường ống: Có thể trên đất liền hoặc trên biển
- Đường bộ: Xe bồn, đường sắt (tec, bồn)
- Đường thủy: Sử dụng các tàu chuyên dụng
Thậm chí, có thể bằng đường hàng không, qua các máy bay chuyên dụng, tiếp dầu trên không, phục vụ cho các máy bay khác hoạt động liên tục, lâu dài trên một không phận nhất định.
Lưu trữ
Để đáp ứng nguồn nhiên liệu, thỏa mãn nhu cầu năng lượng nói chung của các hộ tiêu thụ trong hoạt động kinh tế, quốc phòng, thì khâu hoạt động trung nguồn cần phải tính đến khả năng dự trữ, đảm bảo cung cấp năng lượng ổn định cho mọi hoạt động của nền kinh tế quốc dân trong mọi tình huống, trong thời bình cũng như thời chiến.
Chính vì vậy mà các hoạt động lưu trữ nhiên liệu dầu, khí được đặt ra, thường nhiên liệu được lưu trữ trong các dạng:
- Kho, bồn
- Trạm
- Két chứa ngầm – két chứa ngầm dưới đất.
Đối với việc lưu trữ bằng các kho, bồn, hoặc ở trạm thì chúng ta rất dễ hiểu, nhưng việc lưu trữ bằng két chứa ngầm thì đối với mọi người còn là điểu mới mẻ. Két chứa ngầm ở đây được hiểu như là một kho chứa tự nhiên dưới lòng đất, nơi mà những đặc điểm chứa, chắn của két chứa đã được nghiên cứu đánh giá giống như một bẫy, một mỏ, ở đó dầu hoặc khí hoăc muối đã được khai thác hết, phần còn lại chỉ là cái vỏ - như một két chứa “rỗng“ có thể bơm dầu, nhiên liệu dự trữ vào đó được.
Với hình thức như vậy, việc lưu trữ rất an toàn và khối lượng dự trữ lại rất lớn. Điển hình nhất cho việc sử dụng két chứa ngầm kiểu này, có thể kể tới nước Pháp. Một nhà nước sớm có chủ trương cho phép các công ty dầu mỏ của mình tham gia hoạt động đầu tư thăm dò, khai thác dầu, khí ở nước ngoài không bán mà đưa về dự trữ trong các mỏ nơi dầu, khí đã khai thác cạn kiệt trong nước.
Hệ thống phân phối
Những hình thức vận chuyển, lưu trữ dầu, khí ở trên phản ánh toàn bộ hạ tầng cơ sở, hình thức vận chuyển. Song, để đưa sản phẩm dầu, khí tới phục vụ tận nơi, hộ tiêu thụ, lĩnh vực trung nguồn cần phải xây dựng hệ thống phân phối.
Hệ thống phân phối thường được hiểu như mạng lưới các đại lí. Đại lí có thể là cấp 1, 2, 3, có thể là đại lí độc lập hay phụ thuộc.
Song xây dựng hệ thống đại lí như thế nào hoàn toàn tùy thuộc vào đặc điểm và nhu cầu của các hộ tiêu thụ. Các hộ tiêu thụ có thể là hộ tiêu thụ công nghiệp hoặc là giao thông vận tải, hoặc là khí dân sinh (City gas) hoặc hộ tiêu thụ cá thể.
Đối với các nước có nền kinh tế phát triển, hệ thống cung cấp khí cho các khu đô thị phục vụ dân sinh, không khác gì việc xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch, như một phần của quy hoạch xây dựng , phát triển tổng thể mới hoặc mở rộng một đô thị cụ thể. Hệ thống phân phối của họ, đặc biệt khí cho dân sinh, khá hoàn chỉnh và rất tiện ích.
(Tham khảo: Investopedia, T.S. Nguyễn Mạnh Thường - Hội Dầu Khí Việt Nam)