|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hướng dẫn xuất khẩu vào Australia: Các kênh nhập khẩu

15:38 | 26/10/2020
Chia sẻ
Các kênh nhập khẩu của Australia tương tự với kênh nhập khẩu ở các nước phát triển khác.

Phân loại nhà nhập khẩu Australia

Đối với hầu hết hàng hóa từ nước đang phát triển, khách hàng sẽ là những nhà chuyên nhập khẩu hoặc các chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn mua hàng thông qua các đại lí của họ ở nước ngoài.

Về cơ bản, các nhà nhập khẩu Australia có thể được phân loại theo các hình thức sau:

Nhà nhập khẩu/người bán buôn: là những người chuyên nhập khẩu một chủng loại hàng hóa riêng hoặc hoạt động như những nhà nhập khẩu nói chung, sau đó bán buôn lại hàng hóa của họ cho những nhà bán lẻ hoặc người sử dụng cuối cùng; 

Đại lí hưởng hoa hồng: là nhà cung cấp hàng hóa cho những nhà nhập khẩu hoặc người sử dụng cuối cùng khác, nhưng bản thân họ không nhập khẩu trực tiếp (những đại lí này thường chỉ nhận hoa hồng từ những nhà cung cấp nước ngoài và các hoạt động của họ thường giới hạn với các mặt hàng gia dụng và hàng dệt may);

Nhà sản xuất/người sử dụng cuối cùng: một số nhà sản xuất hoặc người sử dụng cuối cùng sẽ nhập khẩu nguyên liệu thô hoặc nguyên liệu đầu vào trực tiếp từ các nhà cung cấp nước ngoài, nhưng thông thường họ mua hàng từ các nhà chuyên nhập khẩu; 

Những nhà bán lẻ: những nhà bán lẻ lớn nhập khẩu lên tới 20% lượng hàng họ cần thông qua các đại lí mua hàng của họ ở nước ngoài. Số lượng hàng hóa còn lại được mua hoặc từ nhà sản xuất trong nước hoặc từ những nhà chuyên nhập khẩu. Chỉ có một số ít nhà bán lẻ qui mô nhỏ nhập khẩu trực tiếp.

Một số trường hợp, các thủ tục nhập khẩu có thể phức tạp hơn.

Ví dụ, một nhà sản xuất thực phẩm lớn có thể nhập khẩu trực tiếp một số loại gia vị họ cần và bán lượng hàng thừa cho các nhà sản xuất thực phẩm khác.

Hay một nhà bán lẻ lớn có thể nhập khẩu trực tiếp một số lượng lớn quần áo trẻ em để bán, hoặc mua qua một nhà nhập khẩu khác những bộ đồ khó nhập hơn và mua phần lớn lượng hàng còn lại họ cần từ gần 20 nhà sản xuất trong nước.

Vai trò của nhà nhập khẩu

Không giống như nhiều thị trường khác, có rất ít nhà chuyên nhập khẩu hoặc đại lí hưởng hoa hồng hoạt động ở Australia. Ngoại trừ lĩnh vực vải sợi và dệt may là có nhiều đại lí hưởng hoa hồng hoạt động.

Nhà nhập khẩu thông thường sẽ chuyên hoạt động trong một phân khúc thị trường cụ thể (đồ chơi, hàng dệt may gia dụng, sản phẩm du lịch, sản phẩm sản phẩm nhựa…) và thường không tính đến việc làm ăn kinh doanh ở những lĩnh vực mới mà họ không thông thạo. Trên thị trường cạnh tranh Australia, các nhà nhập khẩu tin rằng họ cần phải gắn bó với mặt hàng họ biết rõ nếu muốn thành công.

Một lượng lớn nhà nhập khẩu cũng tập trung vào những phân khúc thị trường cụ thể, ví dụ sản phẩm du lịch đắt tiền, mặt hàng đồ chơi giáo dục hoặc khăn trải bàn và sẽ không tính đến việc chuyển sang nhập những mặt hàng ngoài thị trường ngách của họ.

Hầu hết nhà nhập khẩu Australia sẽ đòi hỏi nhà cung cấp nước ngoài điều kiện độc quyền tại Australia đối với toàn bộ mặt hàng nhập khẩu hoặc ít nhất là với một số mẫu hàng riêng biệt.

Điều này phản ánh qui mô thị trường nhỏ và chi phí cho hệ thống phân phối trong nước cao.

Điều các nhà nhập khẩu/người bán buôn ghét nhất là khi họ chào hàng độc quyền cho một nhà bán lẻ và nhận ra rằng mặt hàng tương tự cũng đang được chào hàng từ một nhà nhập khẩu hoặc người bán buôn khác.

Do qui mô nhỏ và đặc tính cạnh tranh của thị trường Australia, các đại lí hưởng hoa hồng, các cửa hàng thương mại tổng hợp và các cửa hàng theo mô hình "Cash & Carry" lớn không có hoạt động nhập khẩu/bán buôn mạnh trên thị trường.

Vì vậy, các nhà cung cấp nước ngoài đối với mặt hàng tiêu dùng muốn xuất sang Australia thường có hai lựa chọn là bán cho nhà nhập khẩu/người bán buôn hoặc bán cho những nhà bán lẻ lớn.

Những nhà cung cấp nước ngoài các mặt hàng gia dụng, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất công nghiệp, máy móc… đôi khi có nhiều lựa chọn hơn nhưng thường giới hạn ở kênh của những người chuyên nhập khẩu hoặc nhà sản xuất/người sử dụng cuối cùng.

Vai trò của các đại lí mua hàng nước ngoài

Ngày càng có nhiều nhà nhập khẩu hàng tiêu dùng của Australia sử dụng dịch vụ của đại lí mua hàng ở nước ngoài để tìm nhà cung cấp phù hợp, hỗ trợ đàm phán mua hàng, kiểm tra chất lượng, thu xếp vận chuyển hàng hóa và thanh toán.

Hình thức này đặc biệt được áp dụng trong trường hợp các nhà nhập khẩu mua hàng từ một nước không quen và họ không chắc về độ tin cậy của các nhà cung cấp khác nhau.

Những nhà bán lẻ lớn có một chính sách đã được thiết lập từ lâu là họ sẽ không nhập khẩu trừ khi tất cả việc đã được thu xếp qua một đại lí nước ngoài được chỉ định của họ. Những nhà bán lẻ lớn ở Australiađại lí mua hàng ở tất cả nước cung cấp chính và ở một số nước họ có nhiều hơn một đại lí.

Hầu hết đại lí mua hàng ở nước ngoài của nhà nhập khẩu và nhà bán lẻ Australia hoạt động theo hình thức hưởng hoa hồng khoảng từ 3% - 5% giá trị FOB của đơn hàng.

Tầm quan trọng của những tập đoàn bán lẻ lớn ở Australia

Một yếu tố quan trọng khác của thị trường Australia là sự chiếm lĩnh của những tập đoàn bán lẻ lớn trong việc phân phối hàng tiêu dùng. Vì vậy, việc nắm rõ danh sách và lĩnh vực hoạt động của các tập đoàn bán lẻ này là hết sức quan trọng.

Các nhà bán lẻ doanh thu năm trên 1 tỉ AUD

Woolworths Limited: Chuỗi bán lẻ lớn nhất ở Australia, gồm các công ty kinh doanh sau:

Woolworths, Safeway (các siêu thị);

Big W (các cửa hàng bách hóa bán hàng giảm giá);

Tandy (300 cửa hàng bán lẻ đồ điện tử);

Woolworths Liquor (các cửa hàng bán rượu bia);

Caltex Woolworths Plus (các cửa hàng xăng dầu);

Australian Leisure & Hospitality Group Limited (270 địa điểm có giấy phép, và hơn 450 cửa hàng bán lẻ rượu hiệu BWS và Dan Murphy's)

Masters Home Improvement có thương hiệu là Master, là liên doanh giữa Woolworths và Lowe's Companies Inc. năm 2009 và cửa hàng đầu tiên được khai trương năm 2011. Đây là chuỗi bán lẻ lớn đồ kim khí dùng trong gia đình. Mỗi cửa hàng có hơn 35.000 dòng sản phẩm khác nhau bao gồm cả đồ nội thất ngoài trời.

Trong năm 2013, Woolworths mở thêm 34 siêu thị ở Australia, 16 cửa hàng Dan Murphy, 16 cửa hàng Master, 14 cửa hàng MWS, và 6 cửa hàng BIG W.

Tập đoàn có trụ sở chính đặt tại Sydney và có hơn 3.000 cửa hàng, trạm xăng, và khách sạn ở Australia và New Zealand, với hơn 197,000 nhân viên và tổng doanh thu năm 2013 là hơn 58,5 t AUD. Woolworths và Big W có đội ngũ mua hàng độc lập và các nhà cung cấp nước ngoài nên tiếp cận họ với tư cách là những doanh nghiệp riêng biệt.

Wesfarmers Limited

Tập đoàn bán lẻ lớn thứ hai ở Australia có trụ sở chính đóng tại Perth là Wesfarmers Limited.

Các đơn vị bán lẻ của tập đoàn này rất đa dạng, bao gồm siêu thị, các bách hoá bán hàng thông thường hay các bách hoá bán hàng chuyên dụng, trạm xăng, cửa hàng rượu bia, cửa hàng cung cấp đồ gia dụng và văn phòng.

Đơn vị kinh doanh Wesfarmers' Coles có doanh thu hàng năm khoảng 34,1 tỉ AUD và có 2.261 cửa hàng thực phẩm, rượu bia và các cửa hàng tiện lợi tại Australia, bao gồm các thương hiệu Coles, BiLo, Vintage Cellars, Liquorland, 1st Choice và Coles Express, và một số khách sạn.

Đơn vị kinh doanh Wesfarmers Kmart với doanh thu hàng năm khoảng 4,1 tỉ AUD điều hành 183 cửa hàng giảm giá tại Australia và New Zealand và 238 cửa hàng săm lốp và dịch vụ sửa chữa ô tô Kmart Tyre & Auto Service.

Đơn vị kinh doanh Wesfarmers Target với doanh thu hàng năm khoảng 3,7 tỷ đô la Australia điều hành 301 chuỗi cửa hàng giảm giá quần áo và đồ gia đình.

Tuy nhiên, một nhà cung cấp nước ngoài lưu ý rằng hầu hết chi nhánh của chuỗi bán lẻ này cạnh tranh với nhau trên thị trường.

Ví dụ, những người mua hàng ở Target và Kmart hoàn toàn khác nhau và có trách nhiệm với việc đặt hàng và lựa chọn hàng hóa của riêng họ. Tập đoàn Wesfarmers có một ban quản lí chung nhưng Kmart và Target vẫn cạnh tranh với nhau để giành thị phần giống như giống như Kmart cạnh tranh với Woolworths.

Cả Coles và Woolworths điều hành những chuỗi siêu thị lớn và những siêu thị này đóng góp phần lớn vào các cửa hàng bán lẻ của họ. Dưới sự sở hữu của Wesfarmers, Coles đã có kế hoạch để giành lại thị phần từ Woolworths trong những năm trước.

Harvey Norman Holdings Ltd

Một trong những chuỗi cửa hàng bán đồ nội thất và đồ điện tử gia dụng lớn nhất Australia là công ty Harvey Norman Holdings Ltd với doanh thu hàng năm là 14,07 tỉ AUD, điều hành 195 cửa hàng ở Australia dưới các thương hiệu Harvay Norman, Domayne và Joyce Mayne và 66 cửa hàng ở New Zealand, Singapore, Malaysia, Slovenia, và Ireland.

Metcash Limited

Metcash Limited là một một công ty tiếp thị và phân phối hàng đầu của nước ngoài tại Australia, hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm và các mặt hàng tiêu dùng tiện lợi khác.

Các trụ cột kinh doanh của công ty này bao gồm Metcash Food & Grocery, Australian Liquor Makerters, Mitre 10 and Automotive Brand Group, tất cả thuộc sở hữu của Metcash trừ Automotive Brand Group, Metcash sở hữu 75% cổ phần.

Công ty có doanh thu hàng năm trên 12,4 tỉ AUD từ bán buôn thực phẩm, đồ uống, thuốc lá và có 9 trung tâm phân phối chiến lược các thực phẩm đông lạnh, thực phẩm khô cung cấp hàng cho hơn 3.000 cửa hàng bán lẻ thực phẩm độc lập tại Queensland, New South Wales, Victoria, Nam Australia và Tây Australia.

Ngoài ra, công ty này còn có nhiều cửa hàng chuyên dụng khác chuyên bán đồ nội thất và gia dụng, thực phẩm, đồ kim khí, hàng may mặc, quần áo, phụ kiện và giầy dép…

Bunnings

Chuỗi cửa hàng bán lẻ đồ kim khí hàng đầu ở Australia là Bunnings cùng với chuỗi bán lẻ đồ văn phòng Officeworks (www.officeworks.com.au) là công ty con của Wesfarmers Limited. Bunnings điều hành 285 cửa hàng ở Australia và New Zealand với doanh thu hàng năm là 8,25 tỉ AUD.

Automotive Brands Group

Tập đoàn Automotive Brands Group chuyên phân phối và đại lí các linh kiện ô tô đứng thứ ba Australia với doanh thu 5,6 tỉ AUD với hơn 241 cửa hàng (Autobarn và Autopro) và 21 cửa hàng độc lập làm dịch vụ thông qua các bộ phận cung cấp phụ tùng ô tô.

Australian Pharmaceutical Industries Limited

Công ty Australian Pharmaceutical Industries Limited là công ty bán buôn và bán lẻ nhiều thương hiệu các sản phẩm y tế, thực phẩm chức năng, và mỹ phẩm với doanh thu hàng năm vào khoảng 3,2 tỉ AUD. Các thương hiệu bao gồm Soul Pattinson và Priceline.

JB Hi-fi Limited

JB Hi-fi Limited chuyên bán lẻ thiết bị âm thanh hi-fi, loa, TV, DVD, VCR, đĩa DVD phim và nhạc, có 95 cửa hàng ở Australia và 12 cửa hàng ở New Zealand, doanh thu khoảng 3,127 tỉ AUD.

Myer

Chuỗi cửa hàng bách hoá lớn nhất ở Australia là Myer có lịch sử 113 năm kinh doanh, hiện điều hành 66 khu mua sắm ở Australia với hơn 20.000 nhân viên và doanh thu hàng năm đạt 2,7 tỉ AUD.

David Jones Limited

David Jones Limited điều hành cửa hàng bách hóa tổng hợp qui mô trung bình ở Australia, có doanh thu hàng năm khoảng 1,86 tỉ AUD. Đây là công ty có cửa hàng bách hóa lâu đời nhất tại Australia, từ năm 1838. Hiện công ty có 35 cửa hàng tổng hợp cao cấp bán quần áo, đồ dùng gia đình, đồ gia dụng, đồ chơi…

Retravision Australia Limited

Retravision Australia Limited chuỗi cửa hàng bán lẻ đồ điện tử với hơn 450 cửa hàng ở Australia và New Zealand, doanh thu 1,8 tỉ AUD. Tháng 11/2012 tập đoàn Narta đã mua lại thương hiệu Retravision.

Super Retail Group Limited

Super Retail Group Limited là một tập đoàn bán lẻ phụ tùng, phụ kiện, thiết bị và công cụ ô tô, thuyền, các thiết bị câu cá và cắm trại và là nhà bán buôn, bán lẻ, phân phối xe đạp và các phụ tùng xe đạp.'

Công ty bao gồm nhiều thương hiệu kinh doanh như Supercheap Auto, BCF (Boating Camping and Fishing), Goldcross Cycles, Ray's Outdoors, FCO, Rebel Sport, và Amart All Sports. Doanh thu của tập đoàn là 1,655 tỉ AUD.

J. Blackwoods & Son Pty Ltd

J. Blackwoods & Son Pty Ltd tên thương mại là Blackwood cũng thuộc tập đoàn Wesfarners Limited và kinh doanh thiết bị an toàn và công nghiệp dưới hình thức bán hàng B2B với 80 cửa hàng trên khắp Australia, doanh thu hàng năm trên 1,5 tỉ AUD.

Billabong International Limited

Billabong International Limited chuyên bán lẻ đồ phụ kiện lướt sóng, lướt ván, trượt tuyết. Các sản phẩm của công ty có giấy phép và phân phối ở hơn 100 nước trên thế giới với khoảng 11.000 cửa hàng, doanh thu 1,444 tỉ AUD.

Exego Group Pty Ltd

Exego Group Pty Ltd chuyên bán lẻ phụ tùng ô tô thay thế, với 435 cửa hàng và doanh thu trên 1,052 tỉ AUD.

Các nhà bán lẻ khác

Sporting Stores Pty Ltd chuyên bán lẻ vải, đồ thủ công, kim chỉ, các đồ gia dụng với khoảng 100 cửa hàng ở Australia, New Zealand và Singapore, doanh thu 970 triệu AUD.

Just Group Limited chuỗi bán lẻ quần áo nam và nữ với hơn 900 cửa hàng dưới các thương hiệu Just Jean, Jay Jays, Jacqui E, Peter Alexander, Dotti, Smiggle và Portman, doanh thu 838 triệu AUD.

Các chuỗi bán lẻ đồ kim khí lớn khác gồm Mitre 10 Australia Ltd, thuộc tập đoàn Metcash Limited chuyên bán buôn đồ kim khí cho 430 cửa hàng dưới thương hiệu Mitre 10 và True Value và hơn 400 cửa hàng khác. Doanh thu hàng năm đạt khoảng 797 triệu AUD.

Angus & Coote Holdings Limited chuyên bán lẻ đồ trang sức, gồm 141 cửa hàng tại Australia và 127 cửa hàng thông qua công ty Goldmark (www.goldmark.com.au) với doanh thu 583 triệu AUD.

Tập đoàn Specialty Fashion Group là tập đoàn bán lẻ lớn với hơn 900 cửa hàng ở Australia. Doanh thu hàng năm là 572 triệu AUD. Tập đoàn điều hành một số chuỗi bán lẻ hàng tiêu dùng giảm giá và thời trang phụ nữ dưới các thương hiệu Millers, Katies, Crossroad, Autograph, City Chic và La Senza Lingerie.

Sussan Corporation Proprietary Limited chuyên bán lẻ phụ kiện và đồ ngủ của nữ, với các thương hiệu Sussan, Suzanne Grae và Sportsgirls, 550 cửa hàng, doanh thu 518 triệu AUD.

Trong lĩnh vực giày dép, các chuỗi bán lẻ chính được điều hành bởi công ty Fusion Retail Brands Pty Ltd và công ty Betts Group Pty Ltd. Fusion Retail Brands có doanh thu hàng năm trên 465 triệu AUD và điều hành 282 cửa hàng bán lẻ trên toàn Australia dưới các thương hiệu Mathers, Williams, Diana Ferrari và Colorado. Công ty còn điều hành các cửa hàng quần áo dưới thương hiệu JAG. Công ty Betts Group Pty Ltd có trụ sở tại Perth điều hành 200 cửa hàng với doanh thu hàng năm đạt 170 triệu AUD.

Country Road Limited chuyên bán lẻ quần áo nam và nữ, đồ gia dụng và nội thất, với 171 cửa hàng ở Australia và Nam Phi, doanh thu 422 triệu AUD.

Steinhoff Asia Pacific Limited với thương hiệu kinh doanh là Freedom chuyên bán lẻ đồ nội thất với hơn 150 cửa hàng ở Australia và New Zealand dưới thương hiệu Freedom, Snooze, Bay Leather Republic, và Andersons, doanh thu 361 triệu AUD.

Một công ty bán lẻ khác với 46 cửa hàng ở các bang Nam Australia, Victoria và Tasmnia, New South Wales, ACT, và Queensland là Harris Scarfe Australia Pty Ltd có tổng doanh thu hàng năm khoảng 336 triệu AUD.

Tyrepower Ltd chuyên bán lẻ vành, lốp, ắc qui ô tô, với 240 cửa hàng ở Australia và New Zealand, doanh thu 300 triệu AUD.

Bob Jane Corporation Pty Ltd chuyên bán lẻ bánh và lốp ô tô với 150 cửa hàng thuộc sở hữu công ty và cửa hàng đại lí, doanh thu 211 triệu AUD.

JeansWest Corporation Pty Ltd là chuỗi cửa hàng bán lẻ quần áo nam nữ chủ sở hữu là người Hồng Kong, với 240 cửa hàng ở Australia và New Zealand, doanh thu 137 triệu AUD.

The Strandbags Group Pty Ltd chuyên bán lẻ túi xách, đồ du lịch, ví, khăn tay, ba lô, có hơn 430 cửa hàng tại Australia, New Zealand, Trung Đông và Nam Phi, doanh thu 100 triệu AUD.

Roger David Stores Pty Ltd chuyên bán lẻ quần áo nam giới với 100 cửa hàng, doanh thu 80 triệu AUD.

Homeart Pty Ltd chuyên bán lẻ đồ gia đình với 140 cửa hàng, doanh thu 75 triệu AUD.

Các chuỗi bán lẻ lớn của Australia thu mua phần lớn lượng hàng họ cần từ các nhà sản xuất và cung cấp người Australia.

Tuy nhiên, tỉ lệ hàng mua trực tiếp từ nước ngoài ngày càng tăng. Mặt khác, những người bán lẻ qui mô nhỏ hiếm khi tự nhập khẩu mà mua lại từ các nhà nhập khẩu độc lập, các nhà bán buôn và các nhà phân phối.

Hầu hết nhà bán buôn thường kinh doanh một số mặt hàng đặc chủng như phụ kiện, quà tặng, đồ du lịch, thực phẩm và đồ uống…

Những người bán lẻ ưu tiên thu mua các mặt hàng sản xuất trong nước do một số yếu tố thiết thực, gồm:

Thời gian giao dịch ngắn hơn trong khi có cơ hội lớn hơn để thích nghi với xu hướng thay đổi liên tục của thời trang và thị hiếu tiêu dùng; 

Dễ dàng liên lạc trong trường hợp có sự cố; 

Việc giao hàng thường đáng tin cậy hơn; 

Có cơ hội hợp tác chặt chẽ với nhà sản xuất trong nước để tăng ngân sách quảng cáo một cách thích hợp nhất; Không có vấn đề về dao động tỷ giá tiền tệ; 

Có thể chiết khấu hóa đơn trong trường hợp thanh toán nhanh mà không cần dành riêng một khoản tiền đặt cọc thanh toán bằng phát hành thư tín dụng L/C.

Thông thường, những người bán lẻ sẽ mua hàng từ các nhà sản xuất trong nước trừ khi có thể nhập khẩu trực tiếp mặt hàng tương tự với chi phí nhập về đến kho thấp hơn tối thiểu 15% so với hàng sản xuất trong nước.

Doanh thu bán hàng tiêu dùng sang Australia thường phụ thuộc vào việc nhận được các đơn hàng trực tiếp từ các chuỗi bán lẻ lớn, hoặc thông qua một nhà nhập khẩu. 

Các chuỗi bán lẻ lớn chỉ nhập khẩu qua các đại lí mua hàng ở nước ngoài. Do vậy, các nhà cung cấp mới ở nước ngoài nên liên hệ với những đại lí này hơn là liên hệ trực tiếp với những người bán lẻ.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Ánh Dương