|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Hợp đồng thông minh (Smart contracts) là gì? Thách thức khi sử dụng hợp đồng thông minh

10:25 | 03/10/2019
Chia sẻ
Hợp đồng thông minh (tiếng Anh: Smart contracts) là hợp đồng điện tử được lập trình để tự thực hiện các điều khoản đã được thỏa thuận giữa các bên.
kisspng-smart-contract-ethereum-blockchain-cryptocurrency-embargo-5b378e1dc63991

Hình minh họa. Nguồn: miethereum.com

Hợp đồng thông minh

Khái niệm

Hợp đồng thông minh trong tiếng Anh là Smart contracts.

Hợp đồng thông minh là hợp đồng điện tử được lập trình để tự thực hiện các điều khoản đã được thỏa thuận giữa các bên. (Theo: Giáo trình CFA level I năm 2019)

Hợp đồng thông minh được đưa ra lần đầu tiên vào năm 1994 bởi Nick Szabo. Ông là một nhà khoa học máy tính người Mỹ, đã phát minh ra tiền ảo "Bit Gold" vào năm 1998 (trước 10 năm so với Bitcoin).

Ví dụ về ứng dụng của hợp đồng thông minh trong lĩnh vực tài chính

- Một hợp đồng quyền chọn có thể được thiết lập để được thực hiện tự động nếu một số điều kiện xác định tồn tại trên thị trường.

- Việc thực hiện tự động các yêu cầu dự phòng cho các công cụ phái sinh và chuyển giao tài sản thế chấp tức thời trong trường hợp vỡ nợ.

Các bước thực hiện hợp đồng thông minh

1. Mã hóa (Coding)

Hợp đồng thông minh hoạt động giống như các chương trình máy tính, nó làm chính xác những gì các bên tham gia hợp đồng đã thỏa thuận theo nguyên tắc "nếu - thì" (If - then).

2. Hợp đồng thông minh được gửi đi thông qua sổ cái phân tán

Sau khi các điều khoản của hợp đồng được mã hóa, nó được gửi đến các máy tính khác thông qua một mạng lưới sổ cái phân tán. Nếu việc này được thực hiện thông qua chuỗi khối (blockchain) công khai như Bitcoin, hợp đồng được gửi đi tương tự như cách cập nhật mạng của giao dịch Bitcoin.

3. Thực hiện hợp đồng

Sau khi hợp đồng được cập nhật trên mạng lưới sổ cái phân tán, nó sẽ được giám sát để tuân thủ các điều khoản của hợp đồng thông minh.

Thách thức khi ứng dụng hợp đồng thông minh

1. Vấn đề bảo mật

Bảo mật là một trong những mối quan tâm chính của bất kì hệ thống nào. Vào năm 2016, một cuộc tấn công vào Solidity đã gây ra tổn thất hơn 40 triệu đô la và đã dẫn đến một cuộc thảo luận sôi nổi về các vấn đề bảo mật của hợp đồng thông minh Etheruem.

Trên thực tế, nhiều lỗ hổng được gây ra bởi sự hiểu lầm về ngôn ngữ kịch bản (scripting languages). Vì vậy, vấn đề cải thiện ngôn ngữ hợp đồng thông minh hiện có và phát triển ngôn ngữ mới cần được quan tâm.

2. Tính hợp pháp hoá

Trước khi các hợp đồng thông minh được áp dụng rộng rãi hơn trong qui trình kinh doanh, nhiều vấn đề cơ bản vẫn chưa được giải quyết. Đáng chú ý là hợp đồng thông minh chưa được chính phủ công nhận nên thiếu các qui định và chính sách mang tính pháp lí.

(Nguồn tham khảo: blockchaintechnologies, researchgate)

Tuệ Thi