|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Hợp đồng chuyển giao công nghệ (Technology Transfer Agreement) và đặc điểm

17:28 | 09/08/2019
Chia sẻ
Hợp đồng chuyển giao công nghệ (Technology Transfer Agreement) là cam kết giữa hai hay nhiều bên thỏa thuận về việc chuyển giao công nghệ. Khác với các hợp đồng thông dụng, hợp đồng chuyển giao công nghệ có những đặc điểm khác biệt.
shutterstock_5995333281557378431759

Hình minh họa (Nguồn: Xpressmoney).

Hợp đồng chuyển giao công nghệ (Technology Transfer Agreement)

Hợp đồng chuyển giao công nghệ - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Technology Transfer Agreement.

Hợp đồng chuyển giao công nghệ là nội dung cơ bản của pháp luật về chuyển giao công nghệ của mỗi quốc gia. Về phía Nhà nước, thông qua các hợp đồng về chuyển giao công nghệ, Nhà nước thể hiện ý chí của mình trong việc điều chỉnh hoạt động quyền chuyển giao công nghệ.

Về phía chủ thể tham gia quan hệ chuyển giao công nghệ giúp họ xác lập và ràng buộc quyền và nghĩa vụ của nhau, là cơ sở đảm bảo và phát triển quyền và lợi ích chính đáng của họ.

"Hợp đồng chuyển giao công nghệ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giao công nghệ có nghĩa vụ chuyển giao cho bên nhân công nghệ nhất định và bên nhận công nghệ có nghĩa vụ trả phí".

Đặc điểm của hợp đồng chuyển giao công nghệ

Giống như các hợp đồng thông thường khác, hợp đồng chuyển giao công nghệ bày tỏ và thống nhất ý chí giữa các chủ thể trong quan hệ hợp đồng.

Tuy nhiên, so với các hợp đồng thông dụng khác, hợp đồng chuyển giao công nghệ có những đặc điểm phân biệt cơ bản sau đây.

Về chủ thể 

Chủ thể hợp đồng chuyển giao công nghệ là chủ thể có lợi ích hợp pháp trong việc chuyển giao công nghệ, bao gồm bên giao và bên nhận công nghệ. 

Chuyển giao công nghệ và việc chuyển giao một tài sản có nguồn gốc, do vậy người chuyển giao phải là người có quyền định đoạt tài sản và người nhận quyền tài sản không thể nhận nhiều quyền hơn người chuyển giao tài sản.

Về đối tượng

Đối tượng của hợp đồng chuyển giao công nghệ là công nghệ tồn tại dưới hình thức quyền tài sản (tài sản vô hình) bao gồm cả tài sản và công việc.

Về mục đích

Đối với bên chuyển giao công nghệ, mục đích là thu lợi nhuận (thu một khoản lợi ích vật chất từ việc chuyển giao công nghệ).

Đối với bên nhận công nghệ có mục đích là đổi mới công nghệ nhằm thúc đẩy và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Về tính chất 

Hợp đồng chuyển giao công nghệ là một hợp đồng phức hợp, nó chứa đựng nội dung của nhiều loại quan hệ hợp đồng khác nhau.

Hợp đồng chuyển giao công nghệ có thể là một hợp đồng chuyển giao công nghệ độc lâp; cũng có thể là chuyển giao công nghệ trong dự án đầu tư; hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp; hợp đồng mua bán máy móc, thiết bị kèm theo chuyển giao công nghệ...

Một số điều khoản không được phép đưa vào hợp đồng chuyển giao công nghệ nhằm đảm bảo sự tự nguyện của các bên khi giao kết hợp đồng.

Về hình thức 

Hợp đồng chuyển giao công nghệ phải được xác lập bằng hình thức văn bản và đăng kí tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi có hiệu lực. 

Riêng hợp đồng có sự tham gia của doanh nghiệp nhà nước góp vốn chiếm đa số phải được Bộ Khoa học Công nghệ phê duyệt.

Mọi hợp đồng đều không được đăng kí, phê duyệt theo qui định của pháp luật đều vô hiệu.

Về luật điều chỉnh quan hệ hợp đồng

Tùy thuộc vào đối tượng của hợp đồng và hình thức chuyển giao công nghệ, hợp đồng chuyển giao công nghệ có thẻ được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật khác nhau, như Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật thương mại, Luật đầu tư, Bộ luật dân sự...

Về các hợp đồng phát sinh trong quá trình chuyển giao công nghệ

Thực tiễn chuyển giao công nghệ đã chứng minh có các loại hợp đồng về chuyển giao công nghệ, như hợp đồng tư vấn công nghệ, hợp đồng dịch vụ công nghệ, hợp đồng triển khai công nghệ và hợp đồng chuyển giao công nghệ. (Theo Giáo trình Pháp luật Sở hữu Trí tuệ, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)

Khai Hoan Chu