Hội đồng Cạnh tranh yêu cầu gì khi điều tra bổ sung vụ Grab mua Uber?
Việc điều tra bổ sung sẽ làm rõ hành vi độc quyền của Grab trên thị trường taxi công nghệ - Ảnh: Tư liệu |
Hội đồng này đã yêu cầu cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng làm rõ mối liên quan giữa việc chuyển nhượng và quyền bỏ phiếu tại các cơ quan quản lý của doanh nghiệp bị kiểm soát (Công ty TNHH Uber Việt Nam - Uber Việt Nam) để nắm quyền chi phối ngành nghề kinh doanh; lợi ích Công ty TNHH Grab (Grab) thu được từ hoạt động kinh doanh của Uber.
Hội đồng cũng yêu cầu làm rõ mảng hoạt động kinh doanh của Uber VN và Công ty Uber B.V về dịch vụ trung gian kết nối vận tải và vai trò của các bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong hành vi được điều tra.
Một yêu cầu khác là xác định các tác động làm giảm, sai lệch, cản trở cạnh tranh của hành vi tập trung kinh tế trên thị trường dịch vụ trung gian kết nối vận tải hành khách giữa người đi xe với lái xe ô tô dưới 9 chỗ trong điều kiện đang thí điểm loại dịch vụ này.
Để xác định thị phần của các doanh nghiệp hoạt động trên thị trường cần xác định chính xác số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian kết nối vận tải hành khách tại thời điểm tập trung kinh tế - sáp nhập Uber Việt Nam với Grab (tháng 3-2018), và xác định lại doanh thu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian kết nối vận tải hành khách.
Đồng thời, cần xác định chính xác chủ thể bị xử lý vi phạm trong vụ việc, và chủ thể chịu trách nhiệm liên đới nếu có.
Bổ sung đánh giá tác động sau khi các bên bị điều tra thực hiện hành vi tập trung kinh tế với 3 nhóm đối tượng: công ty kinh doanh dịch vụ vận tải taxi và hợp tác xã vận tải, người lái xe, người đi xe.
Theo quy định của Luật cạnh tranh, trường hợp thị phần kết hợp của Uber Việt Nam và Grab khi sáp nhập chiếm từ 30 - 50% quy mô thị trường liên quan mà không thông báo cho cơ quan cạnh tranh trước khi thực hiện, doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế sẽ bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm.
Nếu thị phần vượt quá 50% thì giao dịch có khả năng bị cấm thực hiện.
Trước đó, hồi tháng 3-2018, Uber B.V đã nhượng lại hoạt động kinh doanh tại Đông Nam Á cho Grab để đổi lấy 27,5% cổ phần của đối thủ. Theo số liệu của Bộ Giao thông - vận tải, vào thời điểm cuối 2017, tổng lượng xe tham gia thị trường cung cấp dịch vụ trung gian kết nối vận tải hành khách là 36.809 chiếc, với 10 hãng cung cấp phần mềm.
Trong số này Uber Việt Nam và Grab chiếm tới 35.590 xe, cụ thể số lượng xe Uber là 6.006, còn Grab có 29.584 xe.
Như vậy, sau khi sáp nhập Uber Việt Nam với Grab, thị phần Công ty TNHH Grab có thể chiếm khoảng 96,7% thị trường cung cấp dịch vụ trung gian kết nối vận tải hành khách xét theo số lượng xe tham gia dịch vụ.
Trong khi đó, Công ty TNHH Grab vừa có văn bản gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất cách tiếp cận chính sách đối với dịch vụ đặt xe qua ứng dụng trực tuyến. Theo đó, Grab đề xuất phân loại dịch vụ đặt xe qua ứng dụng trực tuyến là Dịch vụ kết nối vận tải - một phân ngành mới của Dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ theo quy định của Luật giao thông đường bộ để áp dụng những quy định và điều kiện phù hợp.
Dù Grab không phủ nhận hoạt động của loại hình xe áp dụng hợp đồng điện tử có những điểm tương đồng với loại hình taxi truyền thống nên cũng có thể coi phương tiện xe Grabcar là một loại hình taxi. Tuy nhiên, Grab cho rằng hai loại hình này có một số điểm khác biệt quan trọng về cách thức vận hành, công cụ tính cước và nhận diện xe. Hãng này kiến nghị taxi công nghệ không cần có đồng hồ tính tiền và niêm yết giá; không cần có sơn logo và hộp đèn taxi gắn cố định trên nóc xe, thay vào đó có thể yêu cầu lắp đèn LED trong xe; không được đón khách vãng lai trên đường mà không thông qua dịch vụ kết nối vận tải.