|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hiệp hội Taxi TPHCM muốn đóng thuế như Uber, Grab

21:00 | 28/12/2016
Chia sẻ
Hiệp hội Taxi TPHCM vừa kiến nghị được nộp mức thuế tương đương với Uber và Grab nhằm tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp taxi truyền thống.

Theo báo cáo tổng kết hoạt động năm 2016, Hiệp hội Taxi TPHCM đã kiến nghị áp dụng mức thuế cho taxi truyền thống (có biển hiệu, logo taxi…) giống như các nhà cung cấp dịch vụ gọi xe Uber và Grab. Theo hiệp hội, mức thuế phải đóng của Uber và Grab đang thấp hơn nhiều so với các công ty kinh doanh taxi truyền thống.

Hiện tại, cả Uber và Grab đang thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng cho tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam. Uber phải nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) trên doanh thu được hưởng là 3%, thuế thu nhập doanh nghiệp là 2%. Đối với Grab, mức thuế phải đóng bao gồm VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên doanh thu khoảng 7% (5% thuế VAT).

Trong khi đó, theo Hiệp hội Taxi TPHCM, các công ty kinh doanh taxi phải đóng 10% thuế VAT, 20% thuế thu nhập doanh nghiệp. Mức thuế này cao hơn hẳn so với mức thuế Uber và Grab phải đóng.

Đại diện Hiệp hội Taxi TPHCM cho rằng doanh nghiệp kinh doanh taxi phải đóng mức thuế cao hơn, chi phí vận hành tăng nên mất lợi thế cạnh tranh so với các dịch vụ gọi xe qua ứng dụng di động như Uber và Grab.

Trước đó, Công ty Grab Việt Nam cũng phản ứng về việc Uber chỉ đóng 3% thuế giá trị gia tăng, trong khi Grab phải đóng mức thuế giá trị gia tăng tới 5%.

Theo thông tin từ báo điện tử Chính phủ (baochinhphu.vn), Bộ Tài chính cho rằng kiến nghị của Grab về mức thuế chênh lệch giữa Uber và Grab là do mức thuế 5% của Grab được tính trên doanh số bán phần mềm ứng dụng khoa học công nghệ và đây là mức tạm thu của Chi cục Thuế TPHCM. Sau khi có hướng dẫn chung về loại hình kinh doanh này, Bộ Tài chính sẽ rà soát lại và tính trên toàn bộ doanh thu của doanh nghiệp về dịch vụ vận tải, bảo đảm tính công bằng của tất cả doanh nghiệp.

Hiệp hội Taxi TPHCM đang xây dựng và hoàn thiện phần mềm quản lý, điều hành taxi và cung cấp tiện ích dành cho hành khách trong việc gọi taxi qua ứng dụng di động. Đây cũng là một giải pháp nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của các hãng taxi truyền thống với các ứng dụng Uber và Grab. Hiệp hội cũng như một số doanh nghiệp thành viên đã tập trung nghiên cứu, triển khai thử nghiệm trong năm 2015 và hiện đang triển khai ứng dụng trong thực tế. Một số đơn vị thành viên đã triển khai dịch vụ đến khách hàng hoặc triển khai thử nghiệm ở tỉnh thành khác, chờ hoàn thiện sẽ áp dụng tại TPHCM. Riêng Vinasun đã triển khai ở một số khu vực, cung cấp dịch vụ gọi xe cho khách hàng và sẽ mở rộng địa bàn hoạt động đối với ứng dụng gọi xe Vinasun trong thời gian tới. Trước đó (tháng 7-2016), Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản chấp thuận cho Vinasun được tham gia Đề án thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ và quản lý kết nối hoạt động vận tải khách. Vinasun được phép triển khai thực hiện theo đề án ở các tỉnh thành như TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa, Đồng Tháp với thời gian thực hiện hai năm.

Chí Thịnh