|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Hiệp hội ngành, nghề (Trade association) là gì? Tầm quan trọng của hiệp hội ngành, nghề

09:27 | 05/08/2019
Chia sẻ
Hiệp hội ngành, nghề (tiếng Anh: Trade association) là tổ chức đại diện cho ích lợi của các doanh nghiệp đang hoạt động trong cùng một ngành kinh doanh. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, hiệp hội ngành, nghề đóng vai trò rất quan trọng.
copyright

Hình minh họa: Hiệp hội ngành, nghề (Nguồn: Mortgage Finance Gazette).

Định nghĩa Hiệp hội ngành, nghề (Trade association)

Hiệp hội ngành, nghề - danh từ, trong tiếng Anh được dịch là Trade asscociation.

"Hiệp hội ngành, nghề là tổ chức đại diện cho ích lợi của các doanh nghiệp đang hoạt động trong cùng một ngành kinh doanh. Nó thu thập số liệu thống kê về mức sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu của ngành... để phân phát cho các doanh nghiệp thành viên. Nó cũng tổ chức các diễn đàn để thảo luận về hoạt động kinh doanh và vận động hành lang với các bộ, cơ quan của chính phủ, cơ quan lập pháp về những vấn đề mà họ cùng quan tâm." (Theo Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Hiệp hội ngành, nghề hoạt động tại Việt Nam là đối tượng được áp qui định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; xử lí vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lí nhà nước về cạnh tranh.

"Hiệp hội ngành, nghề bao gồm hiệp hội ngành hàng và hiệp hội nghề nghiệp." (Theo Luật cạnh tranh năm 2018)

Tầm quan trọng của hiệp hội ngành, nghề

Từ trước đến nay, vẫn tồn tại thực trạng nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà tham gia hiệp hội. Một số hiệp hội cũng chưa chứng tỏ vai trò của mình trong thời kì hội nhập kinh tế thế giới. Lí do chính xảy ra tình trạng này là do nhận thức quá đề cao vai trò Nhà nước, hiệp hội chỉ là tổ chức phụ trợ, thứ yếu.

Khi Việt Nam gia nhập WTO, Nhà nước chủ trương sẽ không can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, vì thế vai trò của các hiệp hội ngành, nghề càng được nâng cao. Điều này đã được thể hiện qua việc số đông các trường hợp tranh chấp, dàn xếp trong thương mại quốc tế là do các hiệp hội đứng ra thực hiện, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước.

Trải qua quá trình vận động phát triển đã có sự chuyển biến rất lớn về vai trò và hiệu quả hoạt động của các hiệp hội ngành, nghề trong đời sống kinh tế - xã hội so với trước. Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân đã tự liên kết và thành lập hiệp hội doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu hoạt động kinh doanh của mình.

Để cạnh tranh, tồn tại và phát triển, doanh nghiệp phải giải quyết tốt mối quan hệ đan xen giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với Nhà nước, giữa doanh nghiệp với xã hội, và hiệp hội ngành, nghề đóng vai trò trung gian tích cực góp phần thỏa mãn nhu cầu bảo vệ quyền, lợi ích của các doanh nghiệp thành viên hiệp hội.

Sự ra đời của các hiệp hội ngành, nghề là xu thế tất yếu mang tính khách quan nhằm tác động vào sản xuất, tổ chức lưu thông sản phẩm và tham mưu cho cơ quan quản lí Nhà nước trong việc xây dựng và ban hành cơ chế chính sách khuyến khích phát triển các ngành, lĩnh vực hoạt động của hội, hiệp hội.

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta hiện nay, chức năng chính của hiệp hội ngành, nghề là đại diện và tăng cường quyền lợi cho các hội viên của mình trong các quan hệ cả trong nước và quốc tế, do đó việc tập hợp và đoàn kết lại trong hiệp hội là một giải pháp tất yếu để bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp. 

Với vai trò quan trọng như vậy, hiệp hội ngành, nghề là một tổ chức không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương. (Tài liệu tham khảo: Tạp chí công thương)

Khai Hoan Chu