Hiệp định về Thương mại và Hợp tác Kinh tế giữa Việt Nam và Cuba
Thông tin cơ bản về Hiệp định về Thương mại và Hợp tác Kinh tế giữa Việt Nam và Cuba
Thời gian kí kết: 8/4/1996.
Nơi kí kết: La Habana, Cuba.
Hiệp định về Thương mại và Hợp tác Kinh tế giữa Việt Nam và Cuba được kí kết với mong muốn củng cố và phát triển quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước, tuân thủ các nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi ích và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Ưu đãi tối huệ quốc theo Hiệp định
Hai nước dành cho nhau chế độ tối huệ quốc trong tất cả các lĩnh vực liên quan đến:
- Thuế hải quan và các khoản thu khác áp dụng đối với xuất khẩu và nhập khẩu, kể cả phương thức thu các khoản thuế và khoản thu đó.
- Các qui định về thủ tục hải quan, quá cảnh, lựu kho, vận chuyển, bốc dỡ hàng hoá.
- Thuế thu trực tiếp hoặc gián tiếp đối với hàng hoá nhập khẩu.
- Phương thức thanh toán và phương thức chuyển các khoản thanh toán đối với hoạt động xuất nhập khẩu.
- Các qui định về mua, bán, vận chuyển và phân phối.
- Những qui tắc và thủ tục liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu.
Những qui định trên không áp dụng đối với:
- Những ưu đãi mà một trong hai Bên kí kết đã hoặc sẽ dành cho các nước láng giềng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mậu dịch biên giới.
- Những ưu đãi mà một trong hai Bên kí kết đã hoặc có thể dành cho nước cùng tham gia với mình trong các khu mậu dịch tự do, liên minh thuế quan, các Hiệp định kinh tế khu vực hoặc các Hiệp định khác do các Bên đã hoặc sẽ dành cho các nước khác theo thể thức đặc biệt.
Qui định kĩ thuật và tiêu chuẩn
Hai Bên cam kết rằng các qui định kĩ thuật và tiêu chuẩn, bao gồm cả những yêu cầu về bao bì và đóng gói, kĩ mã hiệu và nhãn hiệu, thủ tục đánh giá sự phù hợp với qui định và tiêu chuẩn kĩ thuật được thiết lập hoặc ban hành trong khuôn khổ luật pháp mỗi nước, không gây những cản trở không cần thiết cho thương mại song phương.
Ðặc biệt, hai Bên sẽ tôn trọng và thực hiện những nguyên tắc chủ đạo sau đây:
- Phối hợp đồng bộ trong phạm vi có thể, giữa tiêu chuẩn kĩ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp trên cơ sở kinh nghiệm, kết quả công việc của các tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hoá.
- Dành cho hàng hoá nhập khẩu từ nước kia sự đãi ngộ quốc gia không kém thuận lợi hơn, so với sự đối xử dành cho hàng hóa tương tự được nhập vào từ bất cứ một nước nào khác.
- Thông báo cho nhau hoặc trao đổi thông tin kịp thời khi ban hành hoặc sửa đổi một biện pháp nào đó về tiêu chuẩn hoá.
- Từng bước thừa nhận song phương các hệ thống chứng nhận sản phẩm.
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Cuba
Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của Cuba tại Châu Á. Quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư song phương tiếp tục phát triển ổn định, kim ngạch thương mại năm 2018 đạt 335,8 triệu USD, tăng 25% so với năm 2017.
Lãnh đạo hai nước thống nhất duy trì tăng trưởng thương mại bền vững, hướng đến mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 500 triệu USD vào năm 2022.
Hiện tại, cơ cấu ngành xuất nhập khẩu của hai nước có thể bổ sung tốt cho nhau. Cuba có nhu cầu lớn về các mặt hàng dệt may, giày dép, hàng điện tử Việt Nam. Ngược lại, Cuba có nhiều thế mạnh về dược phẩm, đào tạo, y tế, xây dựng, có khả năng hợp tác tốt với Việt Nam.
Chi tiết về Hiệp định về Thương mại và Hợp tác Kinh tế giữa Việt Nam và Cuba