|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hiệp định về Hợp tác Kinh tế và Thương mại giữa Việt Nam và Peru

22:56 | 06/03/2020
Chia sẻ
Quan hệ hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Peru còn rất khiêm tốn so với tiềm năng. Tuy nhiên sau khi CPTPP đi vào thực thi, cơ hội đưa hàng hóa Việt Nam vào thị trường này rất lớn.
Hiệp định về Hợp tác Kinh tế và Thương mại giữa Việt Nam và Peru - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa. Nguồn: sagawa)

Thông tin cơ bản về Hiệp định về Hợp tác Kinh tế và Thương mại giữa Việt Nam và Peru

Thời gian kí kết: 3/7/1998.

Địa điểm kí kết: Hà Nội

Hiệp định về Hợp tác Kinh tế và Thương mại giữa Việt Nam và Peru được kí kết với mong muốn hai nước phát triển quan hệ thương mại, mở rộng hợp tác kinh tế dựa trên những nguyên tắc ưu đãi tối huệ quốc.

Các mối quan hệ kinh tế chính là yếu tố quan trọng và cần thiết để tăng cường quan hệ song phương.

Ưu đãi tối huệ quốc theo Hiệp định

Các Bên dành cho nhau chế độ tối huệ quốc về thuế quan, thương mại và các hình thức hợp tác kinh tế giữa hai nước. 

Mỗi Bên dành cho Bên còn lại sự đối xử không phân biệt trong việc áp dụng hạn chế số lượng và trong việc cấp giấy phép đối với các sản phẩm có xuất xứ từ Bên kia hoặc hàng hóa xuất khẩu sang lãnh thổ nước bạn. 

Tuy nhiên, những qui định này không áp dụng đối với: 

- Những thuận lợi hoặc miễn trừ mà một trong hai Bên đã dành hoặc có thể sẽ dành cho các nước láng giềng, nhằm tạo thuận lợi cho giao lưu biên giới. 

- Những thuận lợi hoặc miễn trừ mà một trong hai Bên đã dành hoặc có thể dành, do việc tham gia của mình vào khu vực mậu dịch tự do, liên minh thuế quan, thị trường chung hoặc bất kì hình thức liên kết kinh tế khu vực nào.

Cơ hội xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường Peru

Theo số liệu của Tổng Cục Hải Quan, trong 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Peru đạt 113,76 triệu USD, tăng 4,98% so với cùng kì năm 2018. Trong đó, nổi bật nhất là nhóm sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ, đạt trị giá 293.552 USD, tăng đột biến 629% so với cùng kì năm ngoái.

Trong 5 tháng đầu của năm 2018, nhiều nhóm hàng không được xuất khẩu sang Peru tuy nhiên cùng kì năm 2019, các nhóm hàng đó xuất đi lại là chủ lực chiếm thị phần cao. 

Nhóm giày dép các loại đạt trị giá 27,6 triệu USD, chiếm 24,27% thị phần. Kế đến là nhóm điện thoại các loại và linh kiện đạt 25,28 triệu USD, chiếm 22,22% thị phần.

Tính riêng tháng 5/2019, tổng trị giá xuất khẩu sang Peru đạt 27,97 triệu USD. Trong đó, nhóm hàng cao su tăng mạnh cả về lượng đạt 101 tấn (tăng 152,5%) và trị giá đạt 150,7 nghìn USD (tăng 146,73%) so với tháng trước đó. 

Ngoài ra có một số mặt hàng xuất khẩu bị sụt giảm về trị giá như clynker và xi măng đạt 2,05 triệu USD (giảm 51,41%), túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù đạt 285.121 USD (giảm 22,48%).

Quan hệ hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Peru còn rất khiêm tốn so với tiềm năng. Tuy nhiên sau khi CPTPP đi vào thực thi, cơ hội đưa hàng hóa Việt Nam vào thị trường này rất lớn.

Peru được đánh giá là thị trường tiềm năng và tương đối phù hợp với trình độ và qui mô cũng như cách tiếp cận của Việt Nam, bởi 75% doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Peru có qui mô nhỏ và vừa, hàng hóa sản phẩm dễ thâm nhập, cạnh tranh và có thể đi vào các nước láng giềng như Ecuador, Colombia, Bolivia và Brazil.

Chi tiết về Hiệp định về Hợp tác Kinh tế và Thương mại giữa Việt Nam và Peru 

Phùng Nguyệt