|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hiệp định về Hợp tác Kinh tế Thương mại giữa Việt Nam và Moldova

23:55 | 27/02/2020
Chia sẻ
Hiệp định về Hợp tác Kinh tế Thương mại giữa Việt Nam và Moldova được kí kết nhằm củng cố, phát triển hơn nữa về hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước.
Hiệp định về Hợp tác Kinh tế Thương mại giữa Việt Nam và Moldova - Ảnh 1.

Hiệp định về Hợp tác Kinh tế Thương mại giữa Việt Nam và Moldova. (Ảnh minh họa. Nguồn: freepik)

Thông tin cơ bản về Hiệp định về Hợp tác Kinh tế Thương mại giữa Việt Nam và Moldova

Thời gian kí kết: 21/9/2000.

Nơi kí kết: Moldova.

Hiệp định về Hợp tác Kinh tế Thương mại giữa Việt Nam và Moldova được kí kết nhằm củng cố, phát triển hơn nữa về hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước.

Việt Nam và Moldova tuân thủ các nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và các qui định của luật pháp quốc tế khi thực hiện các quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước. 

Trong khuôn khổ luật pháp hiện hành của mỗi nước, hai Bên sẽ áp dụng những biện pháp cần thiết nhằm tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển mậu dịch, cũng như các hình thức quan hệ kinh tế thương mại khác mà hai Bên quan tâm, trên cơ sở lâu dài và ổn định. 

Giá hàng hoá và dịch vụ trong quan hệ kinh tế thương mại sẽ được các chủ thể thỏa thuận trong hợp đồng, trên cơ sở giá thị trường thế giới và các điều kiện áp dụng trong thông lệ thương mại cùng với tài chính quốc tế.

Các qui định của Hiệp định này không hạn chế quyền của mỗi Bên áp dụng các biện pháp cấm hoặc hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu và quá cảnh hàng hóa nhằm:

- Bảo vệ an ninh quốc gia.

- Bảo vệ đời sống và sức khỏe của nhân dân, sự sống của động vật hoặc thực vật.

- Bảo vệ môi trường.

- Bảo vệ các giá trị văn hoá, nghệ thuật, lịch sử và khảo cổ quốc gia.

Tuy nhiên, việc cấm và những hạn chế nói trên không thể dùng làm phương tiện để phân biệt đối xử tuỳ tiện hoặc hạn chế trong buôn bán giữa hai nước.

Mục đích khuyến khích và thúc đẩy hợp tác thương mại

Hai Bên sẽ khuyến khích và thúc đẩy hợp tác cùng có lợi giữa các thành viên hoạt động kinh tế của hai nước nhằm: 

- Tăng cường và mở rộng các mối quan hệ thương mại giữa hai bên. 

- Khuyến khích hợp tác giữa các chủ thể, cũng như thúc đẩy việc thành lập các xí nghiệp liên doanh và các hình thức hợp tác tương tự.

Đãi ngộ tối huệ quốc theo Hiệp định

1. Hai Bên dành cho nhau chế độ tối huệ quốc về thuế quan và các loại phí liên quan đến hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, cũng như các loại thuế và phí khác, được thu trực tiếp hoặc gián tiếp đối với hàng hoá nhập khẩu và phương pháp thu các loại thuế phí, cũng như các qui định khác và thủ tục liên quan đến thương mại. 

2. Hai Bên dành cho nhau chế độ không phân biệt đối xử trong việc áp dụng hạn chế số lượng, cùng với cấp giấy phép đối với hàng hoá xuất khẩu và nhập khẩu trong buôn bán với nhau. 

3. Những đãi ngộ nêu trên không áp dụng đối với: 

- Những ưu đãi mà mỗi Bên đã hoặc có thể sẽ dành cho các nước láng giềng nhằm tạo thuận lợi cho giao lưu biên giới.

- Những ưu đãi có thể có, do có sự tham gia của một trong hai Bên vào khu vực mậu dịch tự do, các liên minh thuế quan hoặc các Hiệp định khu vực khác.

Thành lập Uỷ ban hỗn hợp

Hai Bên thoả thuận thành lập Uỷ ban hỗn hợp với các nhiệm vụ sau:

- Ðảm bảo sự hoạt động và thi hành đúng đắn Hiệp định.

- Ðề xuất những khuyến nghị cần thiết nhằm đạt được mục đích của Hiệp định. 

Uỷ ban bao gồm các đại diện của hai Bên, họp vào thời gian do hai Bên thỏa thuận, luân phiên tại Việt Nam và Moldova. Phiên họp bất thường có thể được triệu tập theo sự thỏa thuận của hai Bên. 

Trong trường hợp cần thiết, Uỷ ban có thể thành lập các tiểu ban chuyên ngành để giúp Uỷ ban thực hiện nhiệm vụ của mình và điều phối việc xây dựng, thực hiện các dự án trong khuôn khổ Hiệp định.

Chi tiết về Hiệp định về Hợp tác Kinh tế Thương mại giữa Việt Nam và Moldova

Phùng Nguyệt