Nông dân Peru bỏ cà phê để trồng coca vì giá thấp
Tổ chức Junta Nacional del Cafe (JNC) cho biết nông dân bắt đầu di cư đến các vùng buôn bán ma túy vào tháng 12 để làm việc trên các đồn điền coca, nơi họ có thể kiếm được mức lương cao hơn, khoảng 70 - 120 sole (tương đương 21 - 36 USD) mỗi ngày.
Tốc độ chuyển đổi đã tăng lên kể từ đó, với hàng trăm nông dân từ bỏ cây cà phê của họ hàng ngày, theo JNC.
"Xuất khẩu cà phê đang gặp rắc rối thực sự và chúng tôi thiếu sự hỗ trợ của chính phủ với những hành động rõ ràng để khắc phục chúng", người đừng đầu JNC, ông Cord Cordova nói.
"Điều này gây ra nghèo đói, thất nghiệp và mở rộng việc trồng các loại cây bất hợp pháp".
Devida, cơ quan chống ma túy Peru, đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận từ Reuteres.
Ảnh: Reuters. |
Xu hướng này đánh dấu sự thụt lùi cho những nỗ lực chống buôn bán ma túy ở Peru, nhà sản xuất hàng đầu cocaine.
Peru và Mỹ đã dành nhiều năm đầu tư vào các chương trình nhằm giúp nông dân trồng coca chuyển sang cây trồng thay thế, chủ yếu là cà phê và cacao. Tuy nhiên, sản lượng cocaine tiềm năng ở Peru đã tăng 20% lên cao nhất 25 năm ở mức 491 tấn trong năm 2017, theo báo cáo từ Nhà Trắng hồi tháng 11/2018.
Theo báo cáo chung của Liên Hợp Quốc và Devida, năm 2017, diện tích trồng coca đã tăng 14% lên 49.900 ha.
JNC kêu gọi chính phủ Peru làm nhiều hơn để giúp nông dân trồng cà phê theo kịp xu hướng toàn cầu. Theo tổ chức này, năm ngoái, hoạt động bán cà phê hữu cơ ở Đức đã bị tạm ngừng vì chưa cấp giấy chứng nhận cho thấy hạt cà phê không có dấu vết của hóa chất nông nghiệp.
Năm 2018, Peru đã sản xuất 6 triệu bao cà phê loại 46 kg, hầu hết trong số đó đã được xuất khẩu, JNC cho biết.
Trong khi sản xuất cà phê của Peru chậm hơn so với quốc gia láng giềng Colombia và Brazil, quốc gia này đã tạo ra một thị trường ngách là một nhà sản xuất hữu cơ.