Hệ thống xử lí giao dịch (Transaction Processing System - TPS) là gì?
Hình minh họa. Nguồn: eternalsunshineoftheismind
Hệ thống xử lí giao dịch (Transaction Processing System)
Khái niệm
Hệ thống xử lí giao dịch trong tiếng Anh gọi là Transaction Processing System, viết tắt là TPS nên người ta thường gọi đây là hệ xử lí giao dịch TPS.
Hệ thống xử lí giao dịch là một loại hệ thống xử lí thông tin, kết hợp phần mềm và phần cứng, hỗ trợ xử lí giao dịch.
Xử lí giao dịch là một loại xử lí máy tính trong đó mỗi tác vụ không thể tách rời, được gọi là giao dịch, được tác động và thực hiện khi nó xuất hiện. Yêu cầu được đáp ứng ngay lập tức. Ngược lại với xử lí hàng loạt là các yêu cầu được lưu trữ và sau đó thực hiện tất cả cùng một lúc.
Hệ thống xử lí giao dịch cũng được sử dụng để thu thập, lưu trữ, truy xuất và sửa đổi các giao dịch được thực hiện bởi một tổ chức.
Sơ đồ hệ thống thông tin xử lí giao dịch. Nguồn: Giáo trình Quản trị kinh doanh, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân
Trong xử lí giao dịch, cần có sự tương tác của người dùng hoặc khách hàng, không giống như xử lí hàng loạt. Nó chỉ cho phép một số nhiệm vụ được xác định trước, thường là thời gian ngắn, các nhiệm vụ và giao dịch được thực hiện bởi người dùng và cung cấp thời gian thực hiện yêu cầu có thể dự đoán được, và được lập trình sẵn.
Điều này mang lại cho hệ thống xử lí giao dịch những đặc điểm sau: Dự báo, độ tin cậy, tính nhất quán. (Theo mbaskool.com)
Cách hoạt động và nhiệm vụ của hệ thống xử lí giao dịch xử lí
Hoạt động: Hệ thống xử lí giao dịch xử lí các dữ liệu đến từ các giao dịch mà tổ chức thực hiện hoặc với khách hàng, với nhà cung cấp, những người cho vay hoặc với nhân viên của nó. Các giao dịch sản sinh ra các tài liệu và các giấy tờ thể hiện những giao dịch đó.
Nhiệm vụ: Các hệ thống xử lí giao dịch có nhiệm vụ tập hợp tất cả các dữ liệu cho phép theo dõi các hoạt động của tổ chức. Chúng trợ giúp các hoạt động ở mức tác nghiệp, cung cấp dữ liệu đầu vào cho các hệ thống thông tin khác.
Có thể kể ra các hệ thống thuộc loại này như: hệ thống trả lương, lập đơn đặt hàng, làm hóa đơn, theo dõi khách hàng, theo dõi nhà cung cấp, đăng kí môn học của sinh viên, cho mượn sách và tài liệu trong một thư viện, cập nhật tài khoản ngân hàng và tính thuế phải trả của những người nộp thuế,...
(Theo Giáo trình Quản trị kinh doanh, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)