Hầu hết doanh nghiệp phương Tây vẫn chưa rời khỏi thị trường Nga
CNBC cho biết, sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2/2022, các doanh nghiệp phương Tây lần lượt công bố kế hoạch ngừng hoạt động kinh doanh tại Nga. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới đây của Đại học St. Gallen, đến cuối năm 2022, rất ít doanh nghiệp thực hiện đầy đủ lời hứa trên.
- TIN LIÊN QUAN
-
Hàng trăm tập đoàn đã rời đi nhưng vẫn còn những ông lớn bám trụ ở Nga: Mỗi người có lý do riêng 14/03/2022 - 06:35
Báo cáo của đại học này tiết lộ có 2.405 công ty con, thuộc sở hữu của 1.404 doanh nghiệp đến từ Liên minh châu Âu (EU) và G7 hoạt động tại Nga vào lúc xung đột nổ ra.
Đến tháng 11/2022, chưa đến 9% doanh nghiệp đã thoái vốn khỏi công ty con ở Nga. Tốc độ thoái vốn trong quý IV/2022 cũng không thay đổi so với những giai đoạn trước đó.
Nghiên cứu cho biết các doanh nghiệp được xác nhận đã rút lui chiếm 6,5% tổng lợi nhuận trước thuế của tất cả công ty EU và G7 có hoạt động thương mại ở Nga, 8,6% tài sản cố định hữu hình, 8,6% tổng tài sản, 10,4% doanh thu hoạt động và 15,3% tổng nhân viên.
Theo các nhà nghiên cứu, kết quả này cho thấy “trung bình, các doanh nghiệp rút khỏi [Nga] có mức lợi nhuận thấp và lực lượng lao động cao hơn so với những doanh nghiệp còn ở lại”.
Nghiên cứu cũng cho biết doanh nghiệp Mỹ rút khỏi Nga nhiều hơn so với EU hay Nhật Bản. Tuy vậy, đến cuối năm 2022, chỉ 18% công ty con của Mỹ đang hoạt động tại Nga bị thoái vốn hoàn toàn. Con số này với doanh nghiệp từ Nhật Bản là 15%, còn EU là 8,3%.
Trong số những doanh nghiệp EU và G7 còn ở lại, 19,5% đến từ Đức, 12,4% là của Mỹ, còn 7% là từ Nhật Bản.
Áp lực sẽ gia tăng
Barclays cũng đã nêu lên thực trạng tương tự trong báo cáo gần đây. Ngân hàng này cho biết có rất nhiều thách thức với việc thoái vốn hoàn toàn.
“Ngoài việc không khó xác định giá trị tài sản, danh sách những người mua tiềm năng không dài, và danh sách những người mua tiềm năng không phải chịu trừng phạt thậm chí còn ngắn hơn”, Barclays cho biết.
“Cũng có những gợi ý rằng tài sản (bao gồm cả tài sản trí tuệ) của doanh nghiệp rời Nga sẽ bị quốc hữu hóa”, ngân hàng này thông tin thêm.
Barclays gợi ý rằng với việc xung đột vẫn chưa có hồi kết, doanh nghiệp có thể sẽ phải đưa ra một số quyết định khó khăn.
Các nhà phân tích của Barclays nói: “Nếu việc rút khỏi Nga và thu hồi tài sản ở một mức giá là khó khăn (nếu không muốn nói là không thể), thì các công ty phải lựa chọn giữa việc rời đi và có thể mất trắng, hay ở lại Nga”.
Ngân hàng này cũng cho biết thêm rằng những doanh nghiệp quyết định tạm dừng quảng cáo, giảm chủng loại sản phẩm nhưng vẫn có ý định bám trụ tại Nga sẽ gặp nhiều thách thức hơn trong tương lai.
Trong số 29 công ty hàng tiêu dùng thiết yếu mà Barclays quan sát, 15 công ty đã cảm kết rời khỏi Nga. Tuy nhiên, chỉ có 6 công ty thực sự thoái vốn.
"Xóa sổ" khác với "thoái vốn"
Một báo cáo khác nhấn mạnh rằng nhiều doanh nghiệp phương Tây hoạt động tại Nga đã xóa sổ tài sản (làm giảm giá trị của tài sản trên bảng cân đối kế toán) thay vì thực sự bán chúng.
“Nhiều người nghĩ rằng khi một thứ gì đó bị xóa sổ thì chúng sẽ biến mất. Việc xóa sổ thực ra có nghĩa là chủ sở hữu đã đặt giá trị của tài sản thấp hơn hoặc bằng 0, tại một thời điểm nhất định. Giá trị này có thể được sửa đổi bất cứ lúc nào theo ý của chủ sở hữu”, nhà tư vấn Mark Dixon giải thích.
“Nếu kiên trì đủ lâu và không rời khỏi Nga, doanh nghiệp có thể tăng giá trị tài sản [đã xóa sổ] bất cứ khi nào tình hình thế giới thay đổi”, ông nói thêm.