|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá dầu Urals của Nga chỉ còn bằng một nửa so với dầu Brent

08:35 | 17/01/2023
Chia sẻ
Giá dầu Urals của Nga trung bình trong tháng khoảng thời gian  từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/1 khoảng 46 USD/thùng, tương đương bằng khoảng một nửa so với dầu Brent.

Bộ tài chính Nga cho biết giá bán trung bình hỗn hợp dầu Urals là 46,82 USD/thùng, tương đương 341,8 USD/tấn, trong khoảng thời gian từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/1, nhật báo kinh doanh RBK đưa tin hôm 16/1.

Như vậy, dầu Urals của Nga được bán duới mức giá trần là 60 USD/thùng và gần bằng một nửa so với dầu Brent (khoảng 85 USD/thùng).

Vào tháng 12, giá dầu của Nga được cho là đã giảm 25% so với tháng trước đó sau khi Liên minh Châu Âu, các quốc gia G7 và Australia đưa ra mức trần giá 60 USD/thùng đối với dầu của Nga vào ngày 5/12. 

Đồng thời EU, Mỹ, Canada, Nhật Bản và Anh đã ban hành lệnh cấm đối với việc nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển. 

Theo đó, Liên minh châu Âu đã cấm nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển từ ngày 5/12/2022 và sẽ cấm các sản phẩm dầu mỏ của Nga từ ngày 5/2/2023, trong nỗ lực nhằm hạn chế các nguồn thu chính của Nga.

Theo dữ liệu của RBK, vào tháng 12/2022, giá trung bình của Urals là 50,47 USD/thùng, thấp hơn đáng kể so với một năm trước đó, khi Urals có giá 72,71 USD/thùng. Vào tháng 11/2022, giá trung bình của mặt hàng này là 66,47 USD/thùng.

Các chuyên gia đã lưu ý rằng mức trần của phương Tây, vốn là một phần trong đợt trừng phạt Nga, sẽ có ít tác động ngay lập tức đến doanh thu dầu mỏ của Moscow. Theo Bộ Tài chính, xuất khẩu dầu khí năm 2023 được dự báo chiếm 42% doanh thu của Nga trong năm nay với 11,7 nghìn tỷ rúp (172 tỷ USD), tăng từ 36% hay 9,1 nghìn tỷ rúp (133 tỷ USD) vào năm 2021.

Trong khi đó, Nga đã cấm mọi hoạt động bán dầu cho các quốc gia áp dụng giá trần trong hợp đồng của họ. Điện Kremlin tuyên bố sẽ đáp trả biện pháp này theo cách có lợi nhất cho Moscow, cảnh báo rằng họ sẽ không giao dịch với các quốc gia ủng hộ mức giá trần.

Phó Thủ tướng Aleksandr Novak trước đó cho biết nhu cầu dầu mỏ của Nga vẫn cao bất chấp lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu của nước này. Bộ trưởng cảnh báo bằng cách áp đặt trần giá, các nước phương Tây sẽ chỉ gây ra lạm phát năng lượng hơn nữa do nguồn cung khan hiếm, đồng thời cho biết thêm Nga coi các loại cơ chế phi thị trường như vậy là không thể chấp nhận được.

Nhiều nhà nhập khẩu đang gấp rút đổ dầu diesel của Nga đầy các bể chứa dầu châu Âu, với lượng mua vào trong tháng này đang trên đà đạt mức cao nhất trong một năm qua.

H.Mĩ