Hành trình tranh chấp tại Trung Nguyên Singapore
Hoang mang với Đặng Lê Nguyên Vũ: Chênh vênh giữa đạo và đời | |
'Nội chiến' Trung Nguyên được tòa Singapore xử ra sao? |
“Nếu ai từng tới Singapore và quá cảnh tại nhà ga số 1 tại sân bay Changi chắc sẽ tự hào khi thấy quán cafe Trung Nguyên của Việt Nam nằm ở vị trí đắc địa nhất tại sân bay Changi. Singapore chính là nơi đánh dấu sự bùng nổ của Trung Nguyên trên thị trường quốc tế”, bà Lê Hoàng Diệp Thảo bắt đầu viết những dòng chia sẻ về câu chuyện của Trung Nguyên Singapore.
Trung Nguyên Singapore mà bà nhắc đến là Công ty TNHH Trung Nguyên International (TNS) với trụ sở ở Singapore, đang liên quan đến vụ kiện tụng tranh chấp cổ phần. Theo báo cáo tài chính các năm (2015-2017) của CTCP Tập đoàn Trung Nguyên, Trung Nguyên Singapore là công ty con 100% sở hữu của CTCP Tập đoàn Trung Nguyên.
Bà Thảo đăng ký thành lập Trung Nguyên Singapore
“Năm 2008, tôi cùng 3 con sang Singapore, còn anh ở lại với mối đam mê riêng. Tại Singapore, tôi nhận ra đây sẽ là nơi khởi đầu tuyệt vời để phát triển kinh doanh quốc tế, vì đó là điểm trung chuyển hàng không của khu vực và thế giới. Hàng triệu người hạ cánh xuống Singapore mỗi năm. Vì thế, quảng bá Trung Nguyên tại đây sẽ rất hiệu quả và tiết kiệm. Đồng thời, sự tương đồng về văn hóa và ẩm thực tại Singapore sẽ khiến cho tiêu thụ nội địa ở quốc gia này gia tăng, giúp cho Trung Nguyên tăng được hàng xuất khẩu”, bà Thảo kể.
Trong suốt thời gian này, bà Thảo vừa lo tìm trường nhập học cho các con, vừa chuẩn bị “tái khởi nghiệp” nơi xứ người. Sau khi ổn định cuộc sống cho các con, vài tháng sau, bà và các cộng sự thành lập văn phòng tại Henderson Park, mở quán cafe đầu tiên tại Nhà ga số 1 ở sân bay Changi. Mô hình này Thảo đã mang theo về Việt Nam để sửa lại hệ thống quán sau 10 năm phát triển, đồng thời tái định vị cho Trung Nguyên.
"Khi ấy, với 50.000 SGD, tôi đăng ký thành lập công ty Trung Nguyên Singapore (TNS), tự đứng tên và chịu trách nhiệm", bà Thảo viết.
Không gian cà phê Trung Nguyên tại Singapore. Ảnh: Trung Nguyên |
Theo Tài liệu của Toà án Singapore, bà Thảo là người đứng tên đăng ký thành lập Trung Nguyên Singapore. Với tên gọi đầy đủ Công ty TNHH Trung Nguyên International (TNS), công ty thành lập theo Giấy Chứng nhận Đăng ký kinh doanh do Cục Thương mại Singapore cấp ngày 28/4/2008.
"Năm 2009, tôi khai trương quán tiếp theo tại Liang Court. Hay tin, anh bay sang dự. Đó là ngày duy nhất anh sang Singapore từ khi công ty mở văn phòng tại đây. Cho tới tận lúc này, anh chưa bao giờ gặp gỡ và làm việc với nhân viên của tôi tại Singapore hay quốc tế. Hiếm khi anh ra nước ngoài vì anh biết được những hạn chế của mình về ngôn ngữ và giao tiếp trên thị trường quốc tế. Do đó, ngay từ những ngày đầu tiên ở xưởng cà phê nhỏ xíu trên Ban Mê Thuột, anh luôn để tôi giao tiếp với khách nước ngoài, và luôn tin tưởng giao hết việc kinh doanh quốc tế cho tôi. Sau khi hàn gắn, tôi đưa các con trở về, cùng chồng tiếp tục quản lý Tập đoàn Trung Nguyên (TNG)", bà Thảo kể.
Sát nhập Trung Nguyên Singapore vào CTCP Tập đoàn Trung Nguyên
"Năm 2010, tôi mang bầu bé út. Anh thương tôi vất vả, đề nghị tôi nhập chung TNS vào TNG (CTCP Tập đoàn Trung Nguyên) để thuận tiện quản lý. Không chút do dự, tôi chuyển hết cổ phần tại TNS sang TNG. Ưu tiên lớn nhất của tôi lúc này là gia đình", bà Thảo hồi tưởng.
Việc kinh doanh quốc tế khi đó rất thuận lợi. Vốn điều lệ và cổ phần của TNS tăng lên nhanh chóng, từ 50.000 lên 7.528.000 đôla Singapre. Việc chuyển nhượng các công ty con vào công ty mẹ, mà tất cả đều là công ty gia đình, tương đối suôn sẻ, mặc dù chúng tôi gặp nhiều vướng mắc do cách quản lý kiểu gia đình.
Tài liệu của Toà án Singapore cho biết, vào ngày 11/1/2011, bà Thảo đã đồng ý chuyển nhượng số cổ phần cho ông Vũ với số tiền 372.000 USD. Việc chuyển nhượng đã được hoàn tất vào ngày 23/1/2013, kết quả là ông Vũ nắm giữ 520.800 cổ phần phổ thông của Trung Nguyên Singapore.
Ngày 5/8/2014, công ty điều chỉnh Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh. Cũng theo Toà án Singapore, tính đến tháng 8/2014, số cổ phần của công ty tăng lên hơn 7,5 triệu cổ phiếu và ông Vũ là cổ đông duy nhất.
Tranh chấp cổ phần tại Trung Nguyên Singapore nổ ra
Tháng 4/2017, Đặng Lê Nguyên Vũ có quyết định bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của bà Thảo tại CTCP Tập đoàn Trung Nguyên, châm ngòi cho những tranh chấp và sóng gió diễn ra đối với vợ chồng ông Vũ và bà Thảo.
Ngày 10/7/2015, Cơ quan quản lý doanh nghiệp và kế toán Singapore (ACRA) nhận văn bản thực hiện việc chuyển giao hơn 7,5 triệu cổ phần phổ thông do ông Vũ sở hữu sang bà Thảo.
Ngày 26/11/2015, CTCP Tập đoàn Trung Nguyên và ông Vũ (nguyên đơn) đệ trình đơn kiện lên tòa án Tối cao Singapore. Bị đơn là Công ty TNHH TNI (Trung Nguyên International) và bà Thảo. Trong đơn kiện, ông Vũ và Tập đoàn Trung Nguyên tố cáo bà Thảo đã chuyển giao trái phép và gian lận số lượng 7,5 triệu cổ phiếu của ông Vũ. Tập đoàn Trung Nguyên và ông Vũ khiếu nại chữ ký trên văn bản chuyển nhượng là giả mạo và giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu này là hoạt động phi pháp.
Tòa án tại Singapore đang bảo lưu hồ sơ vụ kiện, sẽ mở lại để giải quyết tranh chấp phụ thuộc vào quá trình của các vụ việc, liên quan được phân xử tại tòa Việt Nam. Riêng với phần cổ phần đã được chuyển giao sang bà Thảo, tòa Singapore áp dụng biện pháp hạn chế giao dịch, cho tới khi có các kết luận tại tòa Việt Nam.
Trong lần xuất hiện và chia sẻ hơn 3 tiếng đồng hồ mới đây, cho rằng bà Thảo và người liên quan giả chữ ký của ông để thực hiện chuyển nhượng cổ phần tại Trung Nguyên Singapore, ông Vũ nói rằng: "Ở Singapore luật nghiêm lắm, làm giả chữ ký là đi tù nhưng mà Qua nói luật sư đừng làm vậy. Mấy anh em nhiều khi giận quá, muốn cho Thảo ở tù luôn là xong nhưng mà Qua không để như vậy, không nên. Qua còn những đứa con, để Qua chịu hết".
Hình ảnh về gia đình thưở còn êm ấm trên trang cá nhân bà Thảo đăng tải mới đây. |
Bà Thảo nói khi gia đình thuận hòa, những việc khó như quản lý tài chính, mua bán chuyển nhượng lại rất đơn giản.
Ông Vũ và bà cùng sáng lập công ty (Tập đoàn Trung Nguyên), nhưng khi cổ phần hóa thì cần tối thiểu 3 thành viên. Họ thống nhất đưa ba má ông Vũ vào làm cổ đông. Con số thì “ghi đại”, chồng 60%, vợ 30%, ba má chồng chung nhau 10%.
"Với chúng tôi khi ấy, việc chuyển tiền hay cổ phần cho nhau giống như việc tự chuyển tiền của chính mình, từ túi phải qua túi trái vậy. Tôi chưa bao giờ tính toán với anh bất cứ điều gì. Những ngày tháng ấy, chúng tôi rất hạnh phúc. Đến đầu năm 2013, cả nhà chúng tôi còn cùng đi biển và chụp hình kỷ niệm 15 năm ngày cưới. Tôi nhớ như in khoảnh khắc cả gia đình mặc bộ đồ trắng chạy chân trần trên biển, cảm giác như sẽ bên nhau mãi mãi", bà Thảo tâm sự.
Xem thêm |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/