|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Giới chuyên gia '9 người 10 ý' về mối nguy tiềm tàng của siêu biến chủng Omicron tới nền kinh tế

16:11 | 29/11/2021
Chia sẻ
Siêu biến chủng Omicron đang tạt gáo nước lạnh lên những ai đang hy vọng rằng nền kinh tế thế giới sẽ vững bước tiến vào năm 2022. Dù vậy, quan điểm của các chuyên gia về ảnh hưởng của siêu biến chủng Omicron vẫn còn nhiều khác biệt.

Thêm một năm tồi tệ nữa, kinh tế toàn cầu sẽ rơi xuống vực sâu

Cuối tuần trước, WHO bất ngờ họp khẩn vì một biến chủng mới có tên Omicron, nghi có khả năng lây lan mạnh hơn biến chủng Delta. Thị trường tài chính và hàng hóa toàn cầu bị bán tháo nghiêm trọng do loạt thông tin về Omicron.

Sang tuần mới, thị trường bắt đầu suy đoán ảnh hưởng của Omicron đối với nền kinh tế chung. Nhiều nước đã áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại và đưa ra cảnh báo cho người dân. Điều này có thể làm lung lay niềm tin của người tiêu dùng cũng như của doanh nghiệp, đồng thời cản trở hoạt động kinh doanh khi kỳ nghỉ lễ cuối năm gần kề.

Chuyện gì xảy ra tiếp theo sẽ phụ thuộc vào các khám phá mới của giới khoa học gia về Omicron, như khả năng kháng vắc xin và khả năng lây nhiễm của siêu biến chủng này so với Delta.

Trong kịch bản tồi tệ nhất, toàn thế giới sẽ phải phong tỏa nghiêm ngặt để chống lại Omicron. Chuỗi cung ứng vốn đã bị kéo căng và nhu cầu tiêu dùng của người dân chỉ mới khởi sắc có thể bị đánh úp, dẫn đến tăng trưởng chững lại. Kịch bản này có thể khơi lại nguy cơ lạm phát đình trệ, trường hợp lạm phát tăng cao nhưng tăng trưởng ì ạch.

Golman Sachs đã vạch ra 4 khả năng. Trong kịch bản kém lạc quan, Omicron sẽ lây lan dữ dội trong quý I/2022 và tăng trưởng kinh tế toàn cầu so với quý trước sẽ giảm còn 2% (đã chuẩn hóa theo năm), thấp hơn dự báo hiện tại khoảng 2,5 điểm %. Tăng trưởng GDP cả năm 2022 sẽ đạt khoảng 4,2%, thấp hơn 0,4 điểm % so với dự báo hiện nay.

Một kịch bản ít đau đớn hơn là siêu biến chủng Omicron không gây nguy hiểm như lo ngại ban đầu. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Omicron lại giống như một lời nhắc nhở rằng đại dịch vẫn sẽ là mối đe dọa lớn đối với nền kinh tế toàn cầu trong nhiều năm tới.

Chúng ta chưa rơi vào lạm phát đình trệ. Tuy nhiên, chỉ cần thêm một năm đóng cửa và chuỗi cung ứng vẫn gián đoạn, sớm muộn nền kinh tế toàn cầu cũng phải đối mặt với vực sâu đen tối đó

Bà Alicia Garcia Herrero, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại ngân hàng Natixis chia sẻ với Bloomberg.

Giới chuyên gia 'chín người mười ý' về thiệt hại tiềm tàng của siêu biến chủng Omicron tới nền kinh tế - Ảnh 2.

Hành khách chờ lên chuyến bay rời thành phố Johannesburg, Nam Phi, hồi tuần trước. (Ảnh: AP).

Lạc quan hơn

Một số nhà kinh tế khác tin tưởng rằng cú sốc mà biến chủng Omicron gây ra có thể không nghiêm trọng bằng cuộc suy thoái năm 2020.

Ngoại trừ Trung Quốc, chính phủ nhiều nước cho thấy họ không muốn phong tỏa nghiêm ngặt như trước. Chưa kể, nhờ chiến dịch tiêm chủng, các biện pháp hạn chế tại châu Âu được cho là đã trở nên linh hoạt hơn và ít gây tổn hại đến tăng trưởng hơn.

Doanh nghiệp và người tiêu dùng toàn cầu đã thích nghi với chính sách phong tỏa và hạn chế đi lại. Do đó, mức độ ảnh hưởng của Omicron có thể không đáng ngại lắm

Ông Rob Subbaraman, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu của Nomura Holdings, cho hay.

Trái lại, Trung Quốc chứng tỏ họ rất thành thạo trong việc kiểm soát các đợt bùng phát mới, nhưng nếu COVID-19 trở thành một bệnh dai dẳng như cúm mùa thì càng áp dụng chiến lược "Zero COVID", thiệt hại kinh tế mà Bắc Kinh phải gánh chịu sẽ càng chồng chất.

Dù vậy, theo nhận định của chuyên gia kinh tế Mickey Levy tại ngân hàng đầu tư Berenberg Capital Markets, nếu Omicron lây lan, nó có thể "làm chậm đà phát triển lành mạnh của nền kinh tế Mỹ".

Hồi tháng 10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo rằng triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu đang mất đà và ngày càng không đồng đều. IMF dự đoán, GDP của các nền kinh tế phát triển sẽ quay về mức trước đại dịch vào năm 2022 và vượt mốc này khoảng 0,9% vào năm 2024.

Trong khi đó, IMF cho biết, đến năm 2024, GDP của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển vẫn kém mức trước đại dịch khoảng 5,5%.

Lựa chọn chính sách 

Các nhà hoạch định chính sách đã dành gần hai năm qua để chống chọi với dư chấn kinh tế của đợt bùng phát cũ. Do đó, khi biến chủng Omicron hoành hành, lựa chọn chính sách của các ngân hàng trung ương (NHTW) toàn cầu sẽ hạn chế hơn.

Kể từ cuối cuộc suy thoái năm ngoái, chỉ một số ít NHTW đã thắt chặt chính sách tiền tệ. Lãi suất chuẩn của nhiều nước lớn vẫn ở gần mức 0, có nghĩa là NHTW tại các nước này không có nhiều dư địa để giải cứu kinh tế lần nữa. Chính phủ nhiều nước còn đang phải còng lưng gánh khối nợ cao ngất.

Giới chuyên gia 'chín người mười ý' về thiệt hại tiềm tàng của siêu biến chủng Omicron tới nền kinh tế - Ảnh 4.

Ông Levy của Berenberg Capital Markets cho hay: "Trong trường hợp không lo ngại về tác động tiêu cực của biến chủng Omicron, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy nhanh kế hoạch giảm thu mua trái phiếu (tapering). Song, những tác động tiềm tàng của biến chủng mới có thể khiến Fed phải án binh bất động".

Các nhà giao dịch dự đoán Fed và các NHTW lớn sẽ chưa vội nâng lãi suất. Các hợp đồng tương lai báo hiệu đợt tăng lãi suất đầu tiên của Fed có thể đến vào tháng 7 năm sau, muộn hơn một tháng so với tín hiệu hồi giữa tuần trước.

Tuy nhiên, ngày 26/11 vừa qua, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta - Raphael Bostic đã hạ thấp rủi ro của biến chủng mới và vẫn "rất sẵn lòng" tăng tốc kế hoạch tapering. Tương tự, Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Luis de Guindos cũng tin rằng "tác động của Omicron lên nền kinh tế sẽ rất hạn chế so với năm ngoái".

Trên thực tế, kể từ khi COVID-19 xuất hiện, các nhà hoạch định chính sách đã chứng tỏ họ rất linh hoạt và có thể thay đổi chiến lược nếu cần thiết. 

Nếu không có gì khác xảy ra, sự tồn tại của Omicron chỉ khiến công việc dự báo kinh tế khó khăn hơn mà thôi. Ông Subbaraman của Nomura Holdings khuyến nghị, trong bối cảnh bất ổn kinh tế ngày càng lớn, các chuyên gia cần phải khiêm tốn và thận trọng hơn trong quá trình dự báo triển vọng năm 2022.

Khả Nhân