|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Giấc mơ ‘hạ cánh mềm’ dần tan biến trên Phố Wall

08:09 | 21/11/2022
Chia sẻ
Tâm lý bi quan đang chiếm ưu thế trong dự báo năm tới của các chiến lược gia Phố Wall. Phần đông tin rằng nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ.

 

(Ảnh minh hoạ: Bloomberg).

Trên Phố Wall, một số người đang lạc quan rằng dữ liệu lạm phát đầy hứa hẹn hồi tuần trước cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ thực hiện được một cuộc hạ cánh mềm. 

Tuy nhiên, niềm tin trên không chiếm ưu thế trong số các nhà quản lý tài chính lớn, bởi họ đang cược rằng tình trạng lạm phát đình trệ - tức kinh tế trì tệ và lạm phát cao dai dẳng, sẽ là sự kiện chính tác động đến giao dịch trong năm tới.

Trong bối cảnh một phần đường cong lợi suất được giới đầu tư quan tâm đã phát đi các tín hiệu suy thoái mới, lạm phát đình trệ là nhận định chung của 92% nhà quản lý quỹ tham gia khảo sát mới nhất của Bank of America.

Cùng lúc, Citigroup đang vẽ ra kịch bản “cú hích Powell”, trong đó Fed - dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Jerome Powell - sẽ buộc phải tăng lãi suất ngay cả khi tăng trưởng sụt giảm. BlackRock thì cho rằng Mỹ hoặc châu Âu không có triển vọng hạ cánh mềm.

Tâm lý bi quan xuất hiện ngay cả khi loạt dữ liệu gần đây về thị trường việc làm, giá tiêu dùng, giá sản xuất và thu nhập tương đối khá của doanh nghiệp cho thấy Fed thực chất có thể hoàn thành sứ mệnh cao cả của họ là tăng chi phí đi vay mà không gây ảnh hưởng đến chu kỳ kinh tế.

Song, ở thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ cần phải nhìn thấy bằng chứng thuyết phục hơn về sự thay đổi lành tính trong quỹ đạo kinh tế trước khi điều chỉnh vị thế. Thị trường chứng khoán và trái phiếu vẫn đang bầm dập vì chu kỳ thắt chặt chính sách của Fed.

Chia sẻ với Bloomberg, bà Wei Li - chiến lược gia đầu tư toàn cầu tại BlackRock, cho hay: “Các ngân hàng trung ương sẽ thắt chặt chính sách quá tay và đẩy nền kinh tế vào một cuộc suy thoái trung bình...”

“....nhưng họ sẽ ngừng tay khi thiệt hại từ việc tăng lãi suất trở nên rõ ràng hơn, dù các nhà hoạch định chính sách vẫn chưa hành động đủ để đẩy lạm phát xuống mức mục tiêu”, vị chiến lược gia tiếp lời.

Bà Li nhận thấy trong năm 2023, tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ sẽ suy giảm, thu nhập doanh nghiệp sẽ đi xuống và áp lực giá cả sẽ tăng cao. Theo bà, đây là lý do khiến BlackRock giảm bớt các khoản đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu ở các thị trường phát triển.

Nhận định của bà Li cũng tương đồng với quan điểm của các nhà đầu tư tại Bank of America vì họ nhìn thấy nguy cơ lạm phát đình trệ đang đến gần.

Cuộc khảo sát mới nhất của Bank of America cho thấy các nhà quản lý quỹ đang giảm mạnh vị thế chứng khoán và tăng tỷ trọng tiền mặt. Các khoản đầu tư vào cổ phiếu công nghệ đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2006.

Sự bi quan của các nhà đầu tư lớn trái ngược với tâm lý phấn khởi sau báo cáo lạm phát tháng 10 của Mỹ. Chỉ số giá tiêu dùng và giá sản xuất cho thấy áp lực giá cả có thể đã đạt đỉnh.

Chuyển biến trong báo cáo lạm phát đang khiến thị trường xôn xao về việc liệu Fed có thể giảm nhịp độ tăng lãi suất trong các tháng tới hay không.

Song, tâm lý lạc quan đã bị các quan chức Fed đánh gục trong tuần trước. Ông James Bullard - Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis (một trong những quan chức diều hâu nhất), cho biết các nhà hoạch định chính sách nên tăng lãi suất lên ít nhất 5 - 5,25%.

Trước đó, Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco - bà Mary Daly chia sẻ rằng ngân hàng trung ương Mỹ hiện “không cân nhắc” việc tạm dừng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ.

Ở sự kiện khác, bà Esther George - Chủ tịch Fed tại Kansas, cảnh báo Fed có thể sẽ ngày càng gặp khó khăn trong việc chế ngự lạm phát nếu không gây ra một cuộc suy thoái.

 

Khi chu kỳ tăng lãi suất châm ngòi cho các đợt giảm điểm trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu, Fed đã từ một người bạn của thị trường trở thành kẻ thù mới. Trong tương lai gần, ngân hàng trung ương Mỹ khó có thể chuyển sang lập trường ôn hoà hơn.

Chiến lược gia Alex Saunders của Citigroup cho hay: “Chúng tôi cho rằng năm tới, nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ”. Ông khuyến nghị nhà đầu tư nên bán cổ phiếu Mỹ, sau đó mua hàng hoá công nghiệp và trái phiếu trong kịch bản “cú hích Powell”.

Hãng quản lý tài sản Invesco cũng đang giữ quan điểm thận trọng. Các chiến lược gia tại Invesco đang tăng cường mua cổ phiếu phòng thủ và đặt cược lớn vào trái phiếu Kho bạc cũng như trái phiếu cấp đầu tư của Mỹ.

Bà Kristina Hooper - trưởng chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Invesco, cho hay: “Nếu Fed đang tiến gần hơn đến thời điểm ‘tạm dừng’ chu kỳ tăng lãi suất, thì đây chính là tín hiệu cho thấy thị trường đang trở nên ‘rủi ro hơn’”.

Ngay cả chiến lược gia Andrew Sheets của Morgan Stanley - người cho rằng lạm phát lõi sẽ lùi về mức 2,9% vào năm 2023, vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong kịch bản kinh tế suy thoái.

Tuy nhiên, giai đoạn những năm 1990 là một lý do để nhà đầu tư lạc quan, ông nói. Khi đó, dù lạm phát leo thang và lãi suất tăng cao, cổ phiếu và trái phiếu Kho bạc đều gặt hái lợi nhuận lớn.

“Những người tin thị trường sẽ lao dốc cho rằng việc hạ cánh mềm là rất hiếm khi xảy ra. Nhưng chúng vẫn xảy ra”, ông Sheets viết trong báo cáo triển vọng năm tới của Morgan Stanley.

Yên Khê