|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá tôm nguyên liệu Việt Nam đang tạo đáy?

17:22 | 20/06/2023
Chia sẻ
Một số doanh nghiệp cho rằng giá tôm mua vào của các doanh nghiệp chế biến như là đã chạm đáy và có xu hướng phục hồi theo quy luật cung cầu, dù mức giá tăng có phần chậm rãi

Dấu hiệu giá tôm tạo đáy xuất hiện

Trang Undercurrent News mới đây dẫn nhận định của tập đoàn thuỷ sản Seabina Group cho rằng giá tôm thẻ chân trắng và tôm sú của Việt Nam có thể đã tạo đáy ở thời điểm hiện tại. 

Giá tôm thẻ chân trái mua tại bờ ở tất cả kích cỡ đã giảm đáng kể từ tháng 2. Tuy nhiên, đến tuần 22 (từ 29/5 đến 4/6) đã chứng kiến đợt tăng đầu tiên kể từ sau Tết. 

“Tuần cuối cùng của tháng 5, giá tôm cỡ vừa và lớn vẫn còn giảm nhẹ, còn cỡ nhỏ thì đi ngang. Tuy nhiên, bước sang tuần đầu tiên của tháng 6, giá bắt đầu tăng nhẹ trở lại ở tất cả cỡ tôm, sau đó đi ngang trong tuần thứ hai” ông Richard Giau, đại diện công ty Seabina cho biết. 

 Diễn biến giá tôm thẻ chân trắng các kích cỡ mua tại bờ từ tuần 21/2022 đến tuần 23/2023 (Nguồn: Undercurrent News, pcs/kg: cỡ tôm đơn vị con/kg)

Theo dữ liệu chúng tôi thu thập từ CTCP WiGroup, giá tôm thẻ trung bình tính đến ngày 18/6 ở mức gần 88.000 đồng/kg, tăng so với mức khoảng 83.800 đồng/kg hồi cuối tháng 5. 

 Diễn biến giá tôm thẻ chân trắng trung bình từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2023 (Nguồn:WiGroup)

Giá tôm sú cũng đi ngang quanh mức 183.000 - 184.000 đồng/kg.Giá tôm sú liên tục giảm kể từ dịch Tết Nguyên Đán, tuy nhiên, từ tuần 21 đến 23, đà giảm đã chững lại. 

 Diễn biến giá tôm sú trung bình từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2023 (Nguồn: WiGroup)

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), thời gian qua, hoạt động tiêu thụ tôm gặp khó khăn do nhu cầu ở các thị trường nhập khẩu thấp trong bối cảnh lạm phát gia tăng. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu tôm trong 5 tháng đầu năm giảm 34% xuống 1,2 tỷ USD. Tiêu thụ giảm sút kéo theo việc giá tôm nguyên liệu liên tục giảm sâu từ tháng 1 đến tháng 5. Nhiều hộ nuôi và doanh nghiệp tranh bán để có tiền luân chuyển dòng vốn kịp trả nợ ngân hàng.

Tuy nhiên, nếu so sánh từng tháng, kim ngạch xuất khẩu tôm đang có xu hướng phục hồi. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu tôm trong tháng đạt khoảng 313 triệu USD, tăng 9% so với tháng 4. 

 Số liệu: Tổng Cục Hải quan, VASEP  (H.Mĩ tổng hợp)

Do đó, việc giá tôm nguyên liệu bắt đầu tăng từ tháng 6 được xem là dấu hiệu tích cực. Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC), 2 tháng qua việc thả tôm nuôi bị giảm sụt khá lớn, hậu quả là từ tháng 6 này lượng tôm thương phẩm trên thị trường không nhiều, trong khi các năm qua tháng 6 là lúc thu hoạch cao điểm. 

“Và cái kết có chút an ủi là giá cả mua vào của các doanh nghiệp chế biến như là đã chạm đáy và có xu hướng phục hồi theo quy luật cung cầu, dù mức giá tăng có phần chậm rãi! Nhưng có tăng còn hơn không”, ông Lực nhận định.

Theo ông thực tế thời gian qua, nếu doanh nghiệp đủ vốn lưu động có thể kìm phần nào đà giảm giá bán. Nhưng thực tế không được như vậy , các doanh nghiệp đa phần phải sống dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng. 

Các doanh nghiệp có vốn nhà khỏe hơn, muốn bán được hàng, phải hòa mình vào vòng xoáy giảm giá bán, nếu không, phải thu hẹp hoạt động. Chỉ những đơn hàng cung cấp các hệ thống cao cấp thì giá bán còn khá hơn. Nhưng chiều ngược lại, các doanh nghiệp phải đạt những chuẩn mực do bên hệ thống tiêu thụ đưa ra. 

Ông Lực cho rằng sự chủ động của doanh nghiệp chế biến sẽ góp phần kiềm chế giá tôm giảm, thông qua nỗ lực tìm đầu ra cho mình là các hệ thống phân phối lớn, cao cấp. Ở đó, người tiêu dùng là thành phần khá trở lên hoặc có yêu cầu chặt chẽ hơn về tiến trình hình thành sản phẩm, từ đó giá tiêu thụ tốt hơn.

Tuy nhiên, thực trạng các doanh nghiệp tôm chưa thể tham gia thật tích cực vào cuộc chơi này. Bởi, để tôm Việt Nam vào các hệ thống cấp cao ở EU thì đòi hỏi tôm nuôi đạt chuẩn ASC, trong khi diện tích nuôi nước ta đạt chuẩn này còn quá ít, không tới chục ngàn ha.

Bên cạnh đó muốn thực thi các bộ tiêu chí, tạm lấy nền tảng là ESG thì ít ra trước đó doanh nghiệp phải có sự lưu tâm xây dựng văn hóa doanh nghiệp, xây dựng chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh, phải quan tâm trách nhiệm xã hội…

Tôm Việt đang bị giảm sức cạnh tranh so với tôm Ecuador, Ấn Độ

Mặc dù giá tôm đang có xu hướng phục hồi nhưng giá thành nuôi của Việt Nam vẫn khá cao so với các đối thủ khác.

Tại Hội nghị toàn thể Hội viên năm 2023 và kỷ niệm 25 năm ngày thành lập VASEP, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch TGĐ CTCP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú cho biết giá thành tôm nuôi của Việt Nam cao gấp đôi so với Ecuador và hơn 30% so với tôm Ấn Độ.

 Số liệu: Minh Phú (H.Mĩ tổng hợp)

Tỷ lệ thành công của tôm Việt Nam đạt dưới 40%, thấp hơn rất nhiều so với Ecuador  và Ấn Độ. Tỷ lệ sống của tôm Việt Nam trong nuôi thương phẩm đạt thấp do chưa chủ động chọn giống và sản xuất tôm giống có sức chống chịu tốt với điều kiện bất lợi của môi trường.

  Số liệu: Minh Phú (H.Mĩ tổng hợp)

Về mật độ nuôi, tôm nuôi Việt Nam có mật độ lên tới 250-500 con/mét vuông, Ấn Độ 60 con/mét vuông trong khi Ecuador chỉ 20-30 con/mét vuông. Tôm nuôi Việt Nam có mật độ dày, cao hơn so với sức tải sinh thái và khả năng quản lý ao, dẫn tới rủi ro lớn.

Giá các nguyên vật liệu thiết yếu phục vụ nuôi tôm (thức ăn, tôm giống, vi sinh, vôi khoáng, hóa chất, phụ gia, điện…) cao hơn thực tế khi đến tay người nuôi tôm.

Sản lượng tôm sú của Việt Nam - là loài bản địa với sản lượng đứng đầu thế giới - gần như không tăng. Năm 2022, tôm sú chỉ chiếm 25% còn lại 75% là tôm chân trắng. Nếu không được đầu tư, Việt Nam bỏ lỡ cơ hội gia tăng năng lực cạnh tranh.

Theo ông Lực, thời gian qua, giá tôm thương phẩm trong nước dù liên tục giảm nhưng vẫn cao hơn nhiều so với các nước đó thủ. Do đó, một số doanh nghiệp có thể nhập tôm nguyên liệu giá rẻ về tái chế xuất khẩu.

"Chuyện này không sai luật, nhưng có thể có sai sót ở điểm truy xuất nguồn gốc và tôm cấp đông hai lần độ ngọt ngon sẽ giảm. Nhưng trước mắt, trong bối cảnh khách hàng cần tôm giá rẻ, chiêu này có hiệu quả ít nhiều", ông Lực thông tin.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện ngắn hạn, có về dài hạn, các doanh nghiệp cho rằng cần có chiến lược cụ thể để giảm giá thành sản xuất, tăng tỷ lệ tông sống từ đó tăng tính cạnh tranh cho ngành.

Ông Quang cho biết đầu thập kỷ 2010, Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc và Thái Lan về sản lượng. Hiện tại Ecuador, Ấn Độ và Indonesia đã vượt qua Việt Nam. 

“Nếu chậm trễ ứng phó với tình hình mới Việt Nam sẽ bị bỏ lại phía sau. Do vậy, đổi mới là cần thiết và chỉ thành công thực sự nếu có sự tham gia của tất cả các bên liên quan ở quy mô toàn ngành”, ông Quang cảnh báo. 

Theo ông cần cải thiện tỉ lệ thành công trong nuôi tôm (tối thiểu 70%). Nuôi giống kháng bệnh, thích nghi, mật độ nuôi thấp. Nâng cao giá trị sản phẩm (5 – 10% cao hơn mặt bằng) bằng cách đạt chứng nhận ASC, BAP, truy xuất được nguồn gốc. Có giá thành sản xuất cạnh tranh với Ấn Độ (sau 5 năm), Ecuador (sau 10 năm).

Tăng lợi nhuận (biên lợi nhuận gộp > 30%), chia sẻ hợp lý trong chuỗi giá trị tôm. Chủ động hoàn toàn việc gia hóa, chọn giống 3 loài tôm bản địa (sú, bạc thẻ và đất) và sản xuất tôm giống chất lượng cao. Nâng sản lượng tôm sú lên tối thiểu 50% sản lượng tôm nuôi quốc gia để có thể chiếm ưu thế tuyệt đối trên thị trường quốc tế.

Còn theo ông Lực các doanh nghiệp cần chú ý đến việc truy suất nguồn gốc, nỗ lực xây dựng ao nuôi tôm có chuẩn ASC, thay vì nhập khẩu tôm về chế biến bởi điều này tiềm ẩn rủi ro liên quan đến thuế chống bán phá giá

"Mong thay, chuyện này không thành bản chất, chỉ là nhất thời, giai đoạn. Các tổ chức chức năng đang hô hào cho việc gầy dựng, phát triển các chuẩn mực đạo đức doanh nhân. Hy vọng kết quả ngày càng sáng sủa hơn. Cũng hy vọng khó khăn chung, riêng sớm đi qua, mọi ngành kinh tế đều sớm vãn hồi, tăng trưởng mạnh mẽ hơn", ông Lực nói. 

H.Mĩ