Nhập khẩu tôm của Mỹ tiếp tục giảm
Ấn Độ, Ecuador và Indonesia tiếp tục là 3 nhà xuất khẩu tôm hàng đầu sang Mỹ trong tháng 4/2023.
Ấn Độ, quốc gia giữ vị trí hàng đầu trong 9 năm qua , đã xuất khẩu 21.451 tấn tôm sang Mỹ vào tháng 4, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, nguồn cung tôm lớn thứ hai của Mỹ là Ecuador xuất khẩu 13.559 tấn trong tháng 4, giảm 11% so với cùng kỳ. Indonesia xuất khẩu 12.307 tấn, giảm 28%.
Việt Nam đứng thứ 4 với 3.501 tấn, giảm mạnh hơn 40%. Thái Lan đứng thứ sáu với 1.305 tấn, giảm khá sâu so với con số 2.879 tấn của cùng kỳ.
Thị phần tôm của Việt Nam tại Mỹ trong tháng 4 đạt 6%, thu hẹp 3 điểm phần trăm của cùng kỳ năm ngoài.Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu đơn lẻ lớn nhất của tôm Việt Nam, chiếm 18% tỷ trọng.
Trong khi đó, hai đối thủ lớn là Ecuador và Ấn Độ mở rộng thị phần trong thời gian này.
Trang Undercurrent News dẫn lời Giám đốc điều hành Tập đoàn Siam Canadian Limited ông Jim Gulkin chỉ ra rằng hàng tồn kho đang giảm nhanh chóng.
Ông nói: “Chúng tôi được biết các kho lạnh ở Mỹ không còn đầy nữa. Tôi nghĩ rằng chúng ta đang tiến gần đến điểm mà các nhà nhập khẩu, bán lẻ và bán buôn của Mỹ sẽ phải bắt đầu xem xét việc tăng cường nhập hàng trở lại. Điều này sẽ thúc đẩy giá tôm cao hơn và chu kỳ đi xuống của ngành tôm sắp kết thúc, giá tôm đã tạo đáy”.
Ông cho rằng tình hình nhu cầu thị trường sẽ dần cải thiện bắt đầu từ tháng 6, muộn nhất là tháng 8 bởi các nhà nhập khẩu mua hàng trở lại khi tồn kho cạn kiệt.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều công ty xuất khẩu tôm vào Mỹ bị cảnh báo thậm chí từ chối nhập hàng do vi phạm quy định an toàn thực phẩm. Ngày 5/6, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã công bố thông tin về 103 đơn hàng thủy sản bị từ chối nhập cảnh vào tháng 5 năm 2023, trong đó có một nhà xuất khẩu tôm của Ấn Độ và Trung Quốc bị nêu tên vì tôm có chứa chất gây ô nhiễm kháng sinh.
Công ty Milesh Marine Exports, có trụ sở tại Munipeda (Ấn Độ) đã nhận được cảnh báo đối với một lô hàng có chứa nitrofurans và dư lượng thuốc thú y, được ghi nhận vào ngày 22/5.
Ngày 2/5, Công ty Thực phẩm Đại Liên Kowa có trụ sở tại Liêu Ninh (Trung Quốc) đã có hai lô hàng bị từ chối nhập do tôm nhiễm dư lượng thuốc thú y và phụ gia không an toàn.
FDA đã công bố thêm 20 lô hàng tôm nhập khẩu từ 7 nhà xuất khẩu tôm khác nhau đã bị từ chối do nhiễm khuẩn salmonella hoặc chất bẩn vào tháng 5. Các lô hàng này đến từ Công ty sản xuất Pantainorasingh (Thái Lan); Royale Marine Impex (Ấn Độ), Công ty sấy đông lạnh tăng tốc và Thực phẩm đông lạnh Edhayam; Bahari Makmur Sejati và Indokom Samudra Persada (Indonesia); Công ty Taprobane có trụ sở tại Sri Lanka.