Giá đồ uống tại % Arabica cao hơn cả Starbucks, Highlands Coffee
% Arabica, thương hiệu đồ uống đến từ Nhật Bản, vừa khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP HCM vào ngày 12/2. Thời điểm hiện tại, % Arabica gây chú ý bởi giá menu cao hơn cả Starbucks - vốn được coi là quán quân của phân khúc đồ uống cao cấp.
Theo chia sẻ từ một bài đăng trên một nhóm review có gần 6.000 thành viên trên Facebook, đồ uống của % Arabica được chia thành 4 size, tương đương với 4oz (120ml), 8oz (240ml), 12oz (350ml) và 16oz (470ml). Món rẻ nhất là Espresso, với giá 65.000 đồng cho ly size nhỏ. Giá các món còn lại trong menu dao động từ khoảng 80.000 - 120.000 đồng/ly.
Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến % Affogato, khi một ly cỡ trung bình có giá 140.000 đồng. Nước lọc cũng có giá khá cao, lên đến 70.000 đồng.
So với Starbucks, giá của % Arabica cao hơn khoảng 15.000 – 20.000 đồng cho cùng loại đồ uống. Đơn cử, cùng là Coffee Latte nhưng ở % Aracabi là 85.000 - 90.000 đồng cho size trung bình và lớn, trong khi ở Starbucks là 60.000 - 70.000 đồng.
So sánh với Highlands Coffee, nếu như ly nước chanh size lớn của thương hiệu này có giá 55.000 đồng thì tại % Arabica, khách hàng phải bỏ ra 115.000 đồng để sở hữu một ly tương tự.
% Arabica là chuỗi cà phê nổi tiếng tại Kyoto, Nhật Bản. Được thành lập bởi ông Kenneth Shoji vào năm 2014. Hiện, chuỗi này có tới 141 cửa hàng trên 20 quốc gia. Các quốc gia mà % Arabica có mặt trải dài từ châu Á tới châu Âu và Mỹ. Trung Quốc là thị trường có nhiều cửa hàng của % Arabica nhất với 73 cửa hàng, tiếp sau là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Kuwait.
Theo nghiên cứu của Euromonitor, giá trị thị trường chuỗi trà - cà phê tại Việt Nam đạt 1 tỉ USD mỗi năm, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm được dự đoán lên đến 8,65% trong giai đoạn 2021-2026, theo Thanh Niên.
Bên cạnh sự gia tăng nhanh chóng của các chuỗi trà - cà phê nội địa, Việt Nam cũng chứng kiến sự đổ bộ của không ít thương hiệu nước ngoài. Tuy nhiên, tốc độ chuyển dịch nhanh chóng cũng đặt ra thách thức với các đơn vị tham gia lĩnh vực kinh doanh này.
Cụ thể, nhiều thương hiệu gia nhập thị trường với lời quảng cáo rầm rộ, nhưng vẫn biến mất sau một thời gian vì không có kết quả kinh doanh khả quan. Nhiều đơn vị khác phải chật vật tìm kiếm chỗ đứng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt. Ngược lại, không ít thương hiệu lại có sự bứt phá ngoạn mục cả về lợi nhuận lẫn quy mô tăng trưởng.