|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Starbucks sau 10 năm tại Việt Nam: Số lượng cửa hàng khiêm tốn nhưng lợi nhuận tốt hơn cả The Coffee House, Trung Nguyên,...

07:23 | 16/09/2022
Chia sẻ
Sau 10 năm tại Việt Nam, hiện Starbucks đang có tổng cộng 76 cửa hàng.

Starbucks lần đầu đặt chân tới Việt Nam vào năm 2013 với cửa hàng đầu tiên trong khuôn viên khách sạn New World tại trung tâm TP HCM. Thời điểm đó, cửa hàng có diện tích 500 m2 này đánh dấu việc Việt Nam trở thành thị trường thứ 12 trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Starbucks.

Theo số liệu từ Statista, tính đến tháng 4 năm nay, Starbucks đang có tổng cộng 76 cửa hàng tại Việt Nam. Đây là con số khiêm tốn nếu so sánh với những đơn vị khác như The Coffee House (146 cửa hàng), Trung Nguyên (454 cửa hàng) hay Highlands (478 cửa hàng).

 Nguồn: Anh Nguyễn tổng hợp.

Về bức tranh tài chính, dữ liệu người viết có được, thời điểm trước dịch, Starbucks Việt Nam vẫn tăng trưởng tương đối ổn định. Đơn cử, năm 2019, doanh nghiệp đạt doanh thu 783 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 51,9 tỷ đồng, tăng lần lượt 45% và 63% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng thời điểm, hai chuỗi cà phê dẫn đầu thị trường Việt Nam là Highlands và The Coffee House cũng đạt kết quả tương tự. Trong đó, Highlands Coffee đạt doanh thu và lãi trước thuế lần lượt 2.200 tỷ đồng và 83,8 tỷ đồng, còn The Coffee House đạt doanh thu 861,9 tỷ đồng nhưng lại chịu lỗ 80,6 tỷ đồng.

Như vậy, nếu so sánh với hai chuỗi dẫn đầu, doanh thu và lợi nhuận của Starbucks Việt Nam cũng chỉ kém Higlands Coffee và gần ngang ngửa với The Coffee House mặc dù có số lượng cửa hàng ít hơn đáng kể.

 Nguồn:Vietdata.

Tuy vậy, chi phí nguyên vật liệu đắt đỏ cũng như được nhập trực tiếp từ nước ngoài vào khiến tỷ suất lợi nhuận gộp của Starbucks Việt Nam tương đối thấp, chỉ khoảng 19%, theo dữ liệu từ Vietdata. Con số này rất khiêm tốn khi so sánh với tỷ suất lợi nhuận gộp của Highland (69%) và The Coffee House (72%) trong cùng năm.

Trong khi đó, nếu so sánh với các đối thủ khác như Phúc Long hay Trung Nguyên Legend, cả lợi nhuận và doanh thu của Starbucks Việt Nam đều sáng sủa hơn hẳn tại thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Năm ngoái, bà Patricia Marques, Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam thừa nhận do ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không thể bằng 2020, theo VCCI.

Song, theo người đứng đầu chuỗi này, đơn vị đã thành công ở mặt xây dựng được tập khách hàng thường xuyên, chấp nhận một ly nước giá 90.000-100.000 đồng. "Starbucks đến thời điểm này có thể nói đã trở thành cà phê hàng ngày của khách hàng rồi", bà Patricia tự tin. 

 Nguồn:Vietdata.

Thay đổi sau đại dịch

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Starbucks đã đóng cửa một số cửa hàng mang tính “biểu tượng” tại Việt Nam. Cuối năm 2021, Starbucks thông báo cửa hàng Starbucks Press Club (59A Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) sẽ chính thức đóng cửa.

Dù không sở hữu mặt bằng quá rộng rãi và cũng không phải cơ sở đầu tiên của Starbucks tại Việt Nam, nhưng Starbucks Press Club lại nằm ở vị trí tương đối đắc địa thuộc quận trung tâm TP Hà Nội. Vì vậy, nơi đây thu hút được khá nhiều khách hàng, bao gồm cả khách du lịch tới thưởng thức.

Tới tháng 6, Starbucks Việt Nam tiếp tục đưa ra thông báo rằng cửa hàng Starbucks đầu tiên của chuỗi đồ uống nổi tiếng này tại thủ đô Hà Nội - Starbucks Lan Viên sẽ chính thức đóng cửa từ đầu tháng 7. 

Starbucks Lan Viên là cửa hàng đầu tiên của chuỗi đồ uống toàn cầu tại Hà Nội. Cửa hàng khai trương vào cuối tháng 7/2014, nằm trong khu vực khách sạn Lan Viên, số 32 Hàng Bài, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm.

 Cửa hàng Starbucks Lan Viên. (Ảnh: TripAdvisor).

Dù đóng cửa một số cửa hàng tại những khu vực có vị trí đắc địa, song không vì thế mà số lượng cửa hàng Starbucks tại Việt Nam giảm xuống, bởi song song với đó, công ty cũng đã mở thêm một số cửa hàng ở các địa điểm mới.

Cụ thể, Starbucks đóng ba cửa hàng trong năm 2021 nhưng mở thêm 9 địa điểm mới. Riêng giai đoạn chuyển giao giữa năm ngoái và năm nay (tức tháng 12 năm ngoái và tháng 1 năm nay), Starbucks Việt Nam đã mở thêm 6 cửa hàng, với ba ở Hà Nội, hai tại TP HCM và một tại Bình Dương.

Dự đoán về thị trường F&B Việt Nam năm 2022, bà Patricia cho rằng vẫn còn tồn tại nhiều bất ổn. “Thời điểm này, chúng tôi lên kế hoạch kinh doanh nhưng không thể kỳ vọng, vì không biết trước ngày mai ra sao", bà nói.

Anh Nguyễn