|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

CEO Howard Schultz: Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành thị trường lớn nhất của Starbucks vào năm 2025

16:20 | 15/09/2022
Chia sẻ
Chuỗi cà phê nổi tiếng Starbucks đang có kế hoạch mở tới 9.000 cửa hàng tại Trung Quốc vào năm 2025 cũng như tăng doanh số gần gấp đôi trong khoảng thời gian 2022 - 2025.

Starbucks Corp, chủ sở hữu của thương hiệu cà phê nổi tiếng toàn cầu Starbucks có kế hoạch tăng số lượng cửa hàng tại Trung Quốc lên 50% trong ba năm tới. Điều này cho thấy Starbucks dường như đặt nhiều niềm tin vào thị trường Trung Quốc mặc dù ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 cũng như thay đổi thói quen chi tiêu của người tiêu dùng đã gây ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của công ty, theo Wall Street Journal.

Trong cuộc họp với các nhà đầu tư, Starbucks đã đặt mục tiêu mở 9.000 cửa hàng tại Trung Quốc vào năm 2025, trong đó các Giám đốc điều hành đã vạch ra một cuộc cải tổ trên phạm vi rộng. Trước đó, công ty cho biết họ sẽ vận hành 6.000 cửa hàng tại Trung Quốc vào cuối năm nay.

Một cửa hàng Starbucks ở Trung Quốc. (Ảnh: Caixin Global).

Công ty cũng cho biết họ dự kiến ​​doanh số bán hàng ở Trung Quốc sẽ tăng gần gấp đôi trong ba năm tới, đồng thời tiết lộ thêm rằng có kế hoạch dể đạt mức tăng trưởng vượt bậc về doanh số bán hàng tại các cửa hàng bắt đầu từ năm tài chính 2023 sau khi chứng kiến sự sụt giảm trong năm nay.

Sự lạc quan của Starbucks về thị trường Trung Quốc đến bất chấp một năm đầy khó khăn đối với các công ty tại thị trường tỷ dân này. Tháng trước, chuỗi cà phê có trụ sở tại Seattle cho biết doanh số bán hàng tại cùng một cửa hàng ở Trung Quốc trong quý II đã giảm 44% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, doanh số bán hàng trung bình ở cùng một cửa hàng trên toàn cầu lại đạt mức tăng trưởng nhẹ 3%. Sự sụt giảm này thậm chí còn lớn hơn mức giảm 23% về doanh thu ở cùng một cửa hàng tại Trung Quốc trong quý I năm nay với với quý I năm trước.

Ngày 13/9, các Giám đốc điều hành của Starbucks đã bày tỏ sự lạc quan và cho rằng sự lao dốc của nền kinh tế toàn cầu hiện tại chỉ là vấn đề tạm thời. Thêm vào đó, họ kỳ vọng doanh số bán hàng sẽ tăng vọt trong năm tới khi doanh số phục hồi từ mức thấp trong năm 2022.

“Cà phê đang nổi lên như một sự lựa chọn đồ uống cho người tiêu dùng trẻ tuổi ở Trung Quốc và chúng tôi được định vị để nắm bắt thị phần. Hiện chúng tôi đang đầu tư cho các khía cạnh tăng trưởng dài hạn tại đất nước tỷ dân này”, Giám đốc điều hành tạm thời của Starbucks, ông Howard Schultz chia sẻ.

Starbucks cho biết thị trường cà phê của Trung Quốc vẫn còn ở giai đoạn đầu và còn nhiều tiềm năng để tăng trưởng. Ông Schultz chia sẻ người tiêu dùng Trung Quốc trung bình uống từ 10 đến 12 tách cà phê mỗi năm. Trước đó, số tách cà phê trung bình mà khách hàng Trung Quốc uống mỗi năm vào năm 2014 chưa đến ba tách.

Những khó khăn với mục tiêu của Starbucks tại Trung Quốc

Mối lo ngại về các đợt phong tỏa nhằm hạn chế lây lan dịch COVID-19 tiếp tục gây áp lực lên nền kinh tế Trung Quốc. Điều này khiến các công ty đa quốc gia như Starbucks cũng phải gánh chịu thiệt hại.

Các đợt phong tỏa đã ảnh hưởng đến xu hướng chi tiêu của người dân cho mọi thứ, từ cà phê đến giày thể thao. Một số người tiêu dùng Trung Quốc nói rằng họ đã cắt giảm chi tiêu cho một số mặt hàng không cần thiết.

Trong năm tài chính 2021, 13% tổng doanh thu của Starbucks đến từ thị trường Trung Quốc, qua đó đưa quốc gia này trở thành thị trường lớn nhất của Starbucks bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ.

Những mục tiêu của công ty đối với thị trường Trung Quốc được đưa ra khi họ thực hiện một cải tổ lớn về các hoạt động kinh doanh của mình, với kế hoạch chi hàng trăm triệu USD để cập nhật các cửa hàng nhằm cải thiện dịch vụ khách hàng, cũng như cắt giảm giảm lượng nhân viên do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.

Một thách thức lớn đối với các kế hoạch của Starbucks tại Trung Quốc là liệu những chính sách phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt của nước này có kéo dài lâu hơn dự kiến ​​hay không. Trong những tuần gần đây, số lượng đơn hàng được gửi đến những khách hàng ở nhà tại các thành phố lớn như Thành Đô, nơi có dân số hơn 21 triệu người và thủ phủ của tỉnh Quý Dương đang tăng lên.

Chính quyền Bắc Kinh cho thấy họ “không có hứng thú” với việc nới lỏng chính sách "Zero-COVID" nhằm ngăn chặn một cách gắt gao các đợt bùng phát khi dịch COVD-19 bùng phát trở lại.

Starbucks cũng phải đối mặt với những thách thức từ một loạt các đối thủ cạnh tranh trong nước và khu vực. Đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Starbucks tại Trung Quốc là Luckin Coffee Inc., một chuỗi cà phê nội địa từng dính bê bối, đang trong quá trình nỗ lực để quay trở lại. Yuwan Hu, Phó giám đốc của công ty tư vấn Daxue Consulting có trụ sở tại Thượng Hải cho biết Starbucks cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các thương hiệu có mức giá thấp hơn như Manner Coffee.

“Cả Luckin và Starbucks đều khá tham vọng về kế hoạch mở rộng của họ, đặc biệt là ở các thành phố nhỏ hơ. Có sự cạnh tranh rất khốc liệt giữa những thương hiệu hàng đầu đó”, bà Yuwan Hu chia sẻ.

Anh Nguyễn