|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cuộc đua chuỗi đồ uống: Tốc độ mở mới Phúc Long tăng 4 lần khi có Masan hậu thuẫn, mất bao lâu để vượt The Coffee House, Highlands?

16:38 | 05/02/2023
Chia sẻ
Phúc Long đang là chuỗi đồ uống có số lượng cửa hàng tự vận hành lớn thứ ba tại Việt Nam.

Một cửa hàng flagship của Phúc Long tại Hà Nội. (Ảnh: Chí Dũng).

Số liệu mới đây từ CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group, mã: MSN) cho thấy tại thời điểm cuối năm 2022, chuỗi đồ uống Phúc Long đang có 132 cửa hàng flagship, tăng gấp đôi số lượng của mô hình này kể từ khi được Masan mua lại. Ban lãnh đạo Masan đặt mục tiêu đưa Phúc Long trở thành chuỗi đồ uống có số lượng cửa hàng lớn thứ hai tại Việt Nam, chậm nhất vào quý II/2023.

Trước khi về tay Masan, trong suốt khoảng thời gian 9 năm, kể từ cửa hàng Phúc Long đầu tiên được mở tại TP HCM năm 2012 đến năm 2020, chuỗi đồ uống này mở được 80 cửa hàng. Tức trung bình mỗi năm mở mới hơn 8 cửa hàng.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hai năm 2021 - 2022, số lượng cửa hàng Phúc Long đã tăng thêm 52 cửa hàng, tức mỗi năm trung bình mở thêm 26 cửa hàng mới. 

Tại Việt Nam, nếu xét về quy mô điểm bán, Highlands Coffee vẫn đang là chuỗi có số lượng cửa hàng lớn nhất với 597 quán, tại ngày 5/2/2023. Đứng thứ hai là The Coffee House với 157 cửa hàng trên toàn quốc.

Chuỗi Trung Nguyên Legend đang có khoảng 80 cửa hàng, bao gồm 60% tự vận hành và 40% nhượng quyền. Trong khi điểm bán nhỏ theo hình thức nhượng quyền E-Coffee cũng của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, theo phân khúc bình dân hiện có 800 điểm. Số liệu từ Trung Nguyên cho thấy 95% cửa hàng này theo mô hình nhượng quyền 0 đồng.

Như vậy, nếu xét về số cửa hàng flagship tự vận hành, Phúc Long đang đứng thứ ba ở Việt Nam và cần phải vượt qua The Coffee House để đạt được mục tiêu mà ban lãnh đạo đã đề ra. 

 

Trước đấy, trong giai đoạn đầu, Masan cũng đã thử nghiệm mô hình kiosk cho Phúc Long - tích hợp Phúc Long bên cạnh các điểm bán WinMart và tốc độ diễn ra khá nhanh. Trong năm 2022, có thời điểm phía Masan xác nhận rằng Phúc Long đã vượt quá 1.000 điểm bán.

Tuy nhiên, sau một thời gian thử nghiệm, tới quý III/2022, Masan thừa nhận các cửa hàng hàng flagship vẫn là động lực thúc đẩy tăng trưởng chính, trong khi mô hình kiosk phải đóng bớt một số điểm bán hoạt động kém hiệu quả nhằm tiết kiệm chi phí và cần tối ưu hoá thêm.

Việc đóng cửa các kiosk khiến Phúc Long tốn 42 tỷ đồng chi phí trong quý cuối năm 2022. Ban lãnh đạo Masan đang tiến hành đánh giá toàn diện trong quý I/2023 nhằm xác định mô hình hoạt động tối ưu trước khi tiếp tục nhân rộng.

Năm 2022, Phúc Long đạt 1.579 tỷ đồng doanh thu và 195 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA), chủ yếu nhờ các cửa hàng flagship hoạt động hiệu quả, mang lại doanh thu 1.153 tỷ đồng và 332 tỷ đồng EBITDA. 

Phía Masan cho biết trên cơ sở hiệu quả tính theo đơn vị cửa hàng, ước tính các cửa hàng flagship sẽ mang lại doanh thu trên mỗi cửa hàng gấp đôi so với doanh thu của cửa hàng tương tự trong ngành, biên EBITDA của cửa hàng là trên 35%, cao hơn hẳn so với các chuỗi F&B thuộc top đầu thế giới.

Thay CEO, chuẩn bị “Go Global”

Năm nay, ban lãnh đạo Masan nói rằng có một nhân tố giúp thúc đẩy doanh thu Phúc Long là tích hợp chương trình khách hàng thân thiết vào chương trình Hội viên WIN. Từ đó, sẽ gia tăng lượng khách hàng cho chuỗi đồ uống này bởi người tiêu dùng sẽ nhận được nhiều lợi ích khi sử dụng thường xuyên thẻ hội viên.

Ngoài ra, Phúc Long cho biết sẽ xem xét đổi mới thực đơn trong nửa cuối năm để mang đến cho người tiêu dùng các món thức uống chủ đạo tươi mới, thú vị hơn.

Công ty cũng đặt mục tiêu mở rộng ra thị trường quốc tế trong giai đoạn 2024 - 2025. Masan tiết lộ CEO mới của Phúc Long sẽ phát triển các quy trình và hệ thống vận hành chuẩn quốc tế bắt đầu từ năm nay. CEO trước của Phúc Long là ông Lâm Bội Minh, cũng là người sáng lập chuỗi này.

Về mục tiêu này có thể thấy Phúc Long không phải là chuỗi đồ uống Việt đầu tiên đặt tham vọng mở rộng ra thị trường quốc tế. Hồi cuối tháng 9 năm ngoái, cửa hàng Trung Nguyên Legend đầu tiên cũng đã chính thức khai trương tại Thượng Hải, Trung Quốc.

Bước “Go Global” của Trung Nguyên có động lực ban đầu, khi tập đoàn này cho hay trung bình cứ mỗi 18 ly cà phê được bán ra trên toàn Trung Quốc thì có một ly cà phê đến từ thương hiệu Trung Nguyên Legend. 

Ngoài Trung Nguyên, Highlands Coffee sau khi về tay ông chủ Jollibee Foods của Philippines cũng đã có mặt tại quốc gia này. Rõ ràng, với Trung Nguyên hay Highlans Coffee, có thể nhận ra chuỗi đồ uống Việt hoàn toàn có khả năng tiến ra toàn cầu, nếu có được một chiến lược bài bản, hợp lý.

Trước mắt, năm 2023, với thị trường trong nước, Phúc Long dự kiến sẽ mang về mức doanh thu thuần từ 2.500 tỷ đồng đến 3.000 tỷ đồng cho Masan, tương ứng với mức tăng từ 58% đến 90% so với năm 2022 nhờ mở thành công từ 75 đến 90 cửa hàng flagship, cũng như duy trì hiệu quả doanh thu của cửa hàng mới như cửa hàng hiện có. 

Thiên Trường