|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Phúc Long đang mang về bao nhiêu tiền cho Masan?

07:30 | 29/10/2022
Chia sẻ
Trung bình mỗi tháng, chuỗi cửa hàng Phúc Long góp 127 tỷ đồng vào tổng doanh thu của Masan Group.

Tăng trưởng dựa vào cửa hàng flagship

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý III chưa soán xét vừa được công bố mới đây, CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group, mã: MSN) cho biết tăng trưởng của Phúc Long vẫn dựa vào cửa hàng flagship, kiosk tích hợp không đáng kể.

Cụ thể, 9 tháng đầu năm nay, Phúc Long đạt 1.143 tỷ đồng doanh thu và 199 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA). Trong đó, các cửa hàng flagship đóng góp gần 67% doanh thu, đạt 761 tỷ đồng và 233 tỷ đồng EBITDA. 

Trong quý III, Phúc Long đã mở thêm 15 cửa hàng flagship. Dự kiến trong quý IV, Masan sẽ tiếp tục mở mới 30 cửa hàng flagship để tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Xây dựng hệ thống vận hành và quy trình nhằm thiết lập nền tảng cho việc siêu mở rộng quy mô trong năm 2023.

  Nhân viên pha chế Phúc Long trong cửa hàng WIN. (Ảnh: Thiên Trường). 

Mô hình kiosk không được như mong đợi

Với số liệu trên có thể thấy hệ thống kiosk (tích hợp Phúc Long vào WinMart+) đang mang về 382 tỷ đồng cho Phúc Long trong 9 tháng đầu năm, tức chiếm hơn 33%. Trong đó, EBITDA âm 34 tỷ đồng.

Trong báo cáo của mình, Masan thừa nhận hệ thống kiosk Phúc Long hoạt động kém hiệu quả. Công ty cho biết đang tối ưu lại và tạm dừng hoạt động các chuỗi kiosk này. Dự kiến, Phúc Long sẽ có thêm 27 tỷ đồng lợi nhuận nếu thực hiện các biện pháp kể trên.

Ngoài ra, Masan cho hay, các kiosk Phúc Long bên trong 27 cửa hàng WIN (cửa hàng tích hợp WinMart - nhu yếu phẩm, Techcombank - dịch vụ tài chính, Phúc Long - trà và cà phê, Dr. WIN - chăm sóc sức khỏe và Reddi - dịch vụ viễn thông) đầu tiên có doanh thu/ngày tăng 116% so với các kiosk tại các cửa hàng WinMart+. 

Do đó, trong thời gian tới lãnh đạo Masan Group sẽ tập trung tiếp tục cải thiện hiệu quả vận hành của kiosk bên trong cửa hàng WIN, qua đó, mở rộng quy mô mô hình này.

Được coi là điểm khởi đầu trong chiến lược xây dựng chuỗi cửa hàng đa dịch vụ, Masan Group đã bỏ 15 triệu USD để tham gia sở hữu 20% cổ phần Phúc Long từ tháng 5/2021. Sau hai lần tăng tỷ lệ sở hữu lần lượt 51% và 85%, chuỗi đồ uống Phúc Long chính thức về tay Masan với định giá hơn 450 triệu USD.

Không chỉ bỏ ra 270 triệu USD để nắm quyền kiểm soát Phúc Long, Techcombank - nơi Masan Group là cổ đông lớn nhất, đã bơm hơn 300 tỷ đồng cho chuỗi đồ uống này.

Trong đó, khoản tín dụng 250 tỷ đồng có thời hạn 12 tháng, nhằm tài trợ chi phí đầu tư mở rộng mạng lưới phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Thêm 100 tỷ đồng trong hạn mức tín dụng để Phúc Long bổ sung vốn lưu động.

Masan mong muốn Phúc Long không chỉ đóng góp vào tăng trưởng doanh thu bằng cách cross-sell (bán chéo), upsell (bán thêm sản phẩm) thông qua các giải pháp tiện lợi và tích hợp nền tảng chăm sóc khách hàng thân thiết, mà còn có thể trở thành một động lực hút khách hàng trẻ tuổi tới các mô hình cửa hàng mini-mall của mình.

Thiên Trường