Giá điện thoại thông minh, máy tính có thể tăng vì xung đột thương mại Hàn - Nhật
Hàn Quốc và Nhật Bản là một bộ phận trong mạng lưới những nền kinh tế phức tạp và liên kết chặt chẽ với nhau đang đóng góp vào hoạt động sản xuất đồ điện tử như điện thoại di động và máy tính xách tay, theo CNBC.
Nhưng vừa rồi, Tokyo bất ngờ kiểm soát chặt hơn một khâu trong mạng lưới ấy: Nguồn cung cấp một số hóa chất từ Nhật Bản sang Hàn Quốc.
Ngày 1/7, chính phủ Nhật Bản thông báo họ sẽ hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc các hóa chất hydrogen fluoride, chất cản màu và fluorinated polyimide. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 4/7.
Người biểu tình Hàn Quốc tập trung bên ngoài đại sứ quán Nhật Bản ở thủ đô Seoul hôm 19/7 để phản đối việc Tokyo đòi chủ quyền đối với một nhóm đảo mà Hàn Quốc đang kiểm soát trong Biển Nhật Bản. Ảnh: AFP
Những hợp chất cần thiết để sản xuất linh kiện bán dẫn
Các doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng 3 hóa chất ấy để sản xuất linh kiện bán dẫn. Chúng cũng quan trọng đối với hoạt động sản xuất chip nhớ, bộ vi xử lí và vi mạch tích hợp - những sản phẩm cấu thành nhiều sản phẩm điện tử hiện đại.
Do tình trạng sử dụng linh kiện bán dẫn khá phổ biến, giới phân tích coi những công ty thử nghiệm và sản xuất chúng là phong vũ biểu của nền kinh tế toàn cầu.
Doanh số linh kiện bán dẫn toàn cầu tăng 12,5% và đạt 474,6 tỉ USD trong năm 2018, theo hãng nghiên cứu thị trường Gartner. Nhiều dấu hiệu cho thấy doanh số sẽ giảm trong năm nay trong bối cảnh nhiều nhà sản xuất bán dẫn lớn giảm dự báo doanh thu do cầu giảm.
Trước đó, Mỹ và Trung Quốc đã đối đầu trong một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài hàng năm khiến triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên ảm đạm. giờ đây, căng thẳng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản khiến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trở nên tệ hơn.
"Xung đột thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc có thể gây nên hậu quả nghiêm trọng đối với ngành bán dẫn toàn cầu nếu các bên không tìm ra giải pháp trong tương lai gần", Rajiv Biswas, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương của hãng tư vấn IHS Markit, bình luận.
Samsung Electronics và SK Hynix, hai công ty Hàn Quốc, cung cấp 61% linh kiện dành cho chip nhớ trên toàn thế giới. Ảnh: CNBC
Nhật Bản sản xuất khoảng 90% sản lượng fluorinated polyimide và chất cản màu, và khoảng 70% hydrogen fluoride. Sự thống trị của Nhật Bản đối với các hóa chất ấy sẽ khiến giới doanh nghiệp Hàn Quốc tìm nguồn cung thay thế khi Tokyo hạn chế xuất khẩu.
Lloyd Chan và Shigeto Nagai, hai nhà kinh tế học làm việc cho hãng tư vấn Oxford Economics, nhận định rằng, ngay cả khi giới doanh nghiệp Hàn Quốc tìm ra nguồn cung thay thế, họ sẽ phải đối mặt với vấn đề chất lượng, và cũng khó mua đủ số lượng để đáp ứng các hợp đồng sản xuất.
Apple, Huawei và nhiều tập đoàn công nghệ khác có thể lãnh hậu quả
Hàn Quốc là quê hương của hai "đại gia" linh kiện bán dẫn là Samsung Electronics và SK Hynix. Tổ chức nghiên cứu thị trường IHS Markit ước tính hai hãng cung cấp khoảng 61% linh kiện dành cho chip nhớ trên toàn cầu vào năm 2018.
Sự gián đoạn sản xuất chip nhớ có thể ảnh hưởng xấu tới các khách hàng của Samsung và SK Hynix, bao gồm nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Apple và Huawei.
Hiện tại, Samsung và SK Hynix còn khá nhiều linh kiện bán dẫn trong kho, theo các nhà phân tích của Ngân hàng Citi. Nhưng khi nguồn dự trữ hết, các nhà sản xuất chip sẽ không thể giao hàng đúng thời hạn nếu họ không kịp tìm ra những nhà cung cấp 3 hợp chất từ Nhật Bản.
Các nhà phân tích của Citi ước tính rằng kho linh kiện bán dẫn của Samsung Electronics chỉ đủ để họ dùng trong 20-30 ngày nếu không tiếp tục nhập 3 hợp chất từ Nhật Bản.
Tình trạng thiếu chip nhớ toàn cầu có thể đẩy giá điện thoại thông minh, máy tính. Ảnh: The Verge
Ông Rajiv Biswas của hãng IHS Markit cảnh báo rằng tình trạng gián đoạn nguồn cung kéo dài do lệnh hạn chế xuất khẩu hóa chất từ Nhật Bản sang Hàn Quốc có thể gây nên tình trạng thiếu nguồn cung chip nhớ trên phạm vi toàn cầu, khiến giá tăng vọt.
Mỹ và Trung Quốc có thể lãnh hậu quả vì cả hai nước đều phụ thuộc vào nguồn cung chip nhớ từ Hàn Quốc. Nhiều nhà sản xuất hàng điện tử Mỹ có nhà máy ở cả Mỹ lẫn Trung Quốc.
"Giá của chip nhớ có thể tăng mạnh nếu các nhà cung cấp linh kiện liên để sản xuất chip nhớ không thể đáp ứng nhu cầu toàn thế giới. Giá của các sản phẩm cuối cùng - như điện thoại, máy tính để bàn, máy chủ - có thể tăng", Rajiv Biswas nhấn mạnh.
Kết cục không thể tránh khỏi, theo Rajiv Biswas, là người tiêu dùng toàn cầu sẽ phải chi nhiều tiền hơn để mua điện thoại thông minh, máy tính để bàn, máy tính xách tay và nhiều thiết bị điện tử khác.