Nhật - Hàn lún sâu vào tranh chấp, Samsung phải tìm nguồn cung vật liệu bên ngoài Nhật Bản
Ảnh: Getty Images
Mặc dù người trong cuộc không tiết lộ với Nikkei Asian Review về các công ty cụ thể có liên quan, khí HF nhiều khả năng đến từ các nhà sản xuất ở Trung Quốc, Đài Loan hoặc Hàn Quốc.
Samsung đã cử nhân viên cấp cao đến Đài Loan và Trung Quốc đại lục để tìm kiếm nhà cung ứng thay thế kể từ khi Nhật Bản tuyên bố lệnh hạn chế xuất khẩu hàng hóa công nghệ vào ngày 1/7.
Theo dự kiến, Samsung sẽ phải mất hai đến ba tháng để xác định chất lượng hiện tại của công ty có thể được duy trì bằng khí ăn mòn từ các nhà cung ứng khác hay không.
Tuy nhiên, động thái này có thể khuyến khích ngành công nghiệp chip Hàn Quốc giảm phụ thuộc vào vật liệu của Nhật Bản. Khí hydro florua được sử dụng để loại bỏ vật liệu dư thừa xung quanh các mẫu mạch trên đĩa bán dẫn silicon.
Hoạt động sản xuất chất bán dẫn tiên tiến đòi hỏi khí HF phải tinh khiết đến 99,999%, và các công ty Nhật Bản lại dẫn đầu thế giới về việc phát triển công nghệ cần thiết để đạt mức độ tinh khiết này. Hiện tại, Nhật Bản nắm giữ 80 - 90% thị phần khí HF toàn cầu.
"Rào cản công nghệ đối với các vật liệu CNTT tiên tiến là rất cao", ông Jun Hong Park, nhà phân tích về Samsung tại S&P Global Ratings, đưa ra nhận định.
"Do đó, rất khó để các doanh nghiệp Hàn Quốc bắt kịp trong thời gian tới, ngay cả khi nhận được một số hỗ trợ bổ sung từ chính phủ".
"Chất lượng vật liệu đóng vai trò quan trọng, với lợi suất sản xuất chất bán dẫn cao hơn khi sử dụng vật liệu chất lượng cao từ các công ty Nhật Bản", ông Shawn Park, một nhà phân tích khác của S&P phụ trách đối thủ của Samsung là SK Hynix.
Vấn đề lúc này là các hãng sản xuất chip Hàn Quốc dự trữ bao nhiêu vật liệu và liệu chúng ta có thực sự mong đợi Nhật Bản sẽ ngừng xuất khẩu hàng hóa công nghệ 100% hay không, ông Park nói.
Ngay cả khi thử nghiệm của Samsung mang lại kết quả tốt, họ vẫn cần phải thương lượng giá cả và số lượng với nhà cung ứng. Tuy nhiên, Samsung nổi tiếng là hay kì kèo khi thương lượng. Công ty Hàn Quốc cho biết họ nắm giữ khoảng 40% thị phần của hai loại chip nhớ chính trên thị trường toàn cầu.
Samsung hiện mua khí HF có độ tinh khiết cao từ các nhà sản xuất Nhật Bản gồm Stella Chemifa, Morita Chemical Industries và Showa Denko.
Trước đây, nhà sản xuất chip Hàn Quốc chưa bao giờ nghiêm túc xem xét chuyển sang các nhà cung ứng khí ăn mòn khác.
Họ đánh giá cao sự tập trung của các doanh nghiệp Nhật Bản vào chất lượng và qui trình giao hàng nhanh chóng. Do đó, Samsung không có nhiều lí do để tin rằng nguồn cung sẽ bị gián đoạn.
Tuy nhiên, lệnh hạn chế của Chính phủ Nhật Bản đã buộc hãng phải tìm nhà cung ứng khác. SK Hynix cũng cho biết họ đang xem xét chuyển sang nhà sản xuất khí ăn mòn bên ngoài thị trường Nhật Bản.
Samsung dường như đang xem xét chuỗi cung ứng theo cách tương tự như các công ty Nhật Bản từng làm sau khi trận động đất và sóng thần vào tháng 3/2011 làm gián đoạn sản xuất.
Samsung có thể chọn đa dạng hóa nhà cung ứng, thay vì phụ thuộc vào Nhật Bản, để phân tán rủi ro.